Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 20/02/2014 04:39 PM

Fan của 2 tựa game MOBA đình đám DOTA 2, LMHT hiện nay thường xảy ra những tranh cãi không đáng có.

Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam với cái tên Liên Minh Huyền Thoại (ngày 1/8/2012), League of Legends đã được dự đoán sẽ sớm trở thành đối trọng của MOBA số 1 thời bấy giờ là DOTA (DOTA 2).

Vào thời điểm đó, cộng đồng Việt đã tin rằng việc có đối thủ cạnh tranh sẽ giúp DOTA, DOTA 2 cũng như LMHT ngày một hoàn thiện hơn, tránh tình trạng "độc bá" thị trường và đương nhiên được lợi nhất vẫn là người chơi.

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 1
LMHT và DOTA 2 là hai tựa game MOBA hàng đầu thế giới.

Quả thực, cho tới thời điểm hiện tại cả DOTA 2 lẫn LMHT đều đã có những bước tiến đáng kể để phục vụ nhu cầu người chơi. Tuy nhiên, cũng từ đây đã nảy sinh ra một vấn đề khá nghiêm trọng - Sự bất đồng quan điểm giữa fan của hai tựa game cùng thể loại MOBA. Vậy tại sao fan của hai tựa game này lại "Ghét" nhau đến vậy, hãy cùng chúng tôi đến với một vài lý do tiêu biểu nhất nhé.

DOTA 2 trên tầm Liên Minh Huyền Thoại

Đây là vấn đề mà rất nhiều fan DOTA 2 đã đề cập đến. Theo họ, DOTA cũng như DOTA 2 khó chơi hơn LMHT rất nhiều, người chơi DOTA 2 tốt sẽ rất dễ để trở thành cao thủ LMHT (Tiêu biểu là trường hợp Archie của team Saigon Jokers). Còn cao thủ LMHT sang DOTA 2 sẽ cực khó để theo kịp nhịp độ trận đấu.

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 2

Theo một game thủ có tiếng tăm thì, LMHT dễ chơi, dễ điều khiển và phù hợp hơn với những game thủ lần đầu bước chân vào thể loại MOBA. Những gì người chơi cần phải làm là bấm Q, W, E, R cùng một số phím tắt khác. Nhưng trong DOTA 2, có vô số những hero đặc biệt phức tạp như Invoker, Meepo hay Chen, đòi hỏi kỹ năng và tay nghề mà không phải ai cũng luyện được. Một số trang bị như Blink Dagger hay cách sử dụng phím Shift cũng là ví dụ cụ thể để phân biệt đẳng cấp.

Bên cạnh đó, DOTA 2 có cả “last hit” và “deny” trong khi LMHT chỉ có “last hit”, điều đó có nghĩa rằng trong LMHT, game thủ chỉ cần tập trung vào một việc. Điều này dễ dàng hơn khi phân chia đầu óc để tính toán cả hai công việc của DOTA 2. Trong game của Valve, việc bị giết sẽ ảnh hưởng lớn tới số tiền mà game thủ đang tích lũy hơn là trò chơi đối địch.

Đương nhiên, fan LMHT không chấp nhận điều này, theo họ tuy cùng là thể loại game MOBA nhưng giữa LMHT và DOTA 2 có quá nhiều điểm khác biệt và không thể đánh giá tựa game nào khó hơn tựa game nào. Không phải cứ pro DOTA 2 là sẽ có thể trở thành pro LMHT. Sở dĩ LMHT có nhiều trường hợp tạm gọi là "trẻ trâu" bởi độ phủ của nó là quá lớn chứ không hạn hẹp như DOTA 2 tại Việt Nam.

Liên Minh Huyền Thoại có NPH tại Việt Nam

Có rất nhiều game thủ DOTA 2 cho rằng thứ duy nhất giúp LMHT có thể vượt lên trên tựa game của họ là bởi do có NPH Việt. Garena đã làm khá tốt công việc của mình, gây dựng ra một cộng đồng lớn với hàng loạt giải đấu khủng.

Trong khi đó cộng đồng DOTA 2 phải sống cuộc sống "tầm gửi" với các giải đấu tự phát không thường niên. Các game thủ cũng vì thế mà chán nản nên chuyển sang LMHT hay các tựa game online khác chơi.

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 3
LMHT thành công một phần là nhờ có NPH riêng tại Việt Nam.

Họ tin rằng nếu cả DOTA 2 lẫn LMHT cùng được phát hành tại Việt Nam vào cùng một thời điểm thì có lẽ bản đồ MOBA Việt sẽ phải vẽ lại rất nhiều. Đương nhiên, suy nghĩ này đã khiến fan LMHT cảm thấy không hài lòng và rất nhiều tranh cãi đã xảy ra.

Sự kinh doanh trong game

Dù đều là hai tựa game thuộc thể loại "Free to play" nhưng giữa DOTA 2 và LMHT có rất nhiều sự khác biệt. Theo fan DOTA 2 thì việc dùng tiền để mua tướng, lại còn có cả bảng ngọc đã làm mất đi cái gọi là "chất eSport" trong game, thay vào đó là sự cày kéo đậm "chất game online".

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 4
Trong LMHT bạn phải bỏ tiền ra để mua tướng.

Một ví dụ đơn giản được đưa ra, game thủ mới lập nick LMHT sẽ không thể nào vào chơi cùng bạn bè được vì phải tới level 30 mới được lắp đầy đủ bảng ngọc. Ngoài ra số lượng tướng hạn chế sẽ khiến quá trình làm quen với game của người chơi trở nên khó khăn hơn.

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 5
Hệ thống tướng hoàn toàn miễn phí của DOTA 2.

Trong khi đó, DOTA 2 không yêu cầu người chơi bất cứ điều gì ngoài việc vào game và cảm nhận. Toàn bộ tướng được mở, không có gì làm nên một vị tướng mạnh ngoài trình độ của người sử dụng nó. 

Ngay lập tức, quan điểm này nhận phải nhiều sự phản đối của fan LMHT. Theo họ, việc có ngọc bổ trợ là để làm tăng tính đa dạng và hấp dẫn cho game. Thay vì một tướng bị giới hạn trong một hướng chơi, hướng lên đồ nhất định thì bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra phong cách chơi cho riêng mình.

Với các bạn mới chơi, hàng tuần LMHT vẫn có một số lượng tướng chơi miễn phí cụ thể. Nó giúp người chơi tìm hiểu về tướng theo hướng sâu và rộng hơn chứ không bị ngợp trước danh sách cả trăm tướng mà không biết nên chơi tướng nào.

Một núi không thể có hai hổ

Quả thực việc cả DOTA 2 và LMHT đều phát triển và đạt được thành công nhất định tại Việt Nam đã khiến sự đối nghịch giữa hai tựa game này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Trong các topic về LMHT hay DOTA 2 bạn đều ít nhiều có thể bắt gặp sự xuất hiện của các fan đối nghịch vào với hàng loạt lời lẽ khích bác, đề cao tựa game mình đồng thời hạ thấp game còn lại.

Vì sao fan DOTA 2 và fan LMHT thường ghét nhau? 6

Đó có thể là những hành động vô thức hay có chủ đích của một bộ phận nhỏ game thủ, nhưng chính nó đã khiến cộng đồng DOTA 2, LMHT có cái nhìn không tốt về nhau. Và một khi đã không có thiện cảm thì dù trong bất cứ vấn đề nào, bất kì trường hợp nào thì sự đối nghịch đó vẫn sẽ luôn được thể hiện. 

Kết

Sự đối nghịch, ghen ghét là điều gần như không thể tránh khỏi giữa hai tựa game LMHT và DOTA 2. Tuy nhiên, hãy để sự đối nghịch đó trở thành động lực để cả hai cùng phát triển chứ không phải là để soi mói hay khích bác nhau. Tất cả vì một cộng đồng eSport Việt nói chung và MOBA Việt nói riêng ngày một lớn mạnh và đoàn kết.