Một trong số những vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng CS:GO thế giới, bên cạnh việc vũ khí chưa được cân bằng một cách hoàn hảo như ở thời kỳ CS 1.6, đó là vấn nạn hack cheat. Điều này vừa phá hoại tinh thần thể thao của một tựa game như CS:GO, lại vừa khiến cho game thủ cảm thấy ức chế và khó chịu, nhất là khi hệ thống VAC của Valve áp dụng cho những tựa game do hãng phát hành thông qua Steam đôi khi không hoạt động hiệu quả như mong đợi của cộng đồng game thủ, bỏ sót những kẻ sử dụng phần mềm gian lận trong game.
Có thể nói, sự khốn khổ của game thủ CS:GO lại bùng phát khi phải chơi game cùng những "kỳ nhân dị sỹ" ở team đối phương, chưa nhìn thấy đã kịp headshot bạn, hay biết tường tận từng đường đi nước bước của đối phương, giống như đang bật chế độ Xray khi theo dõi một trận đấu hoặc xem lại replay của game đấu nào đó bạn đã tham gia.
Tuy rằng đã có hệ thống VAC (Valve Anti-Cheat) nhưng kỳ thực ở thời điểm này, vẫn có rất rất nhiều kẻ sử dụng hack cheat để chiến thắng bằng mọi giá trong CS:GO. Và mới đây, những thông tin được đăng tải trên một trang web đã dấy lên không ít những nghi ngờ trong cộng đồng game thủ về việc vì sao hack cheat vẫn lộng hành trong game. Và nguyên nhân cho tình trạng này, dù bạn có tin hay không, chính là do Valve chứ không phải ai khác.
Đã từng có nhiều người cho rằng hệ thống VAC của Steam không thật sự hiệu quả. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng, chính vì khoản lợi nhuận khổng lồ của CS:GO thông qua marketplace và việc bán chìa khóa mở hòm lấy vật phẩm ảo trong game đã khiến cho Valve "mờ mắt vì tiền", từ đó cố tình ngoảnh mặt làm ngơ những kẻ dùng phần mềm hack trong game nhưng lại sẵn sàng bỏ tiền tấn để mua đồ trang trí cho nhân vật trong CS:GO.
Để lấy ví dụ cho trực quan sinh động, đây là một profile game thủ CS:GO mới bị VAC ban gần đây do sử dụng hack cheat: http://steamcommunity.com/profiles/76561198158624695/. Chúng ta có thể thấy tổng giá trị của hòm đồ ảo mà game thủ này sở hữu lên tới 5,7 nghìn USD, tương đương 120 triệu Đồng!
Nhưng đừng nghĩ game thủ cứ có hòm đồ đắt giá là sẽ không bao giờ bị ban tài khoản. Game thủ kể trên đã bị khóa tài khoản và vĩnh viễn không bao giờ được vào CS:GO chơi nữa trừ phi mua một key game bản quyền khác, một tài khoản khác. Hơn 120 triệu Đồng tiền skin cũng bị khóa vĩnh viễn trong đó, không bao giờ có thể được chuyển sang các tài khoản khác để tiếp tục sử dụng.
Vậy tại sao lại nói Valve cố tình làm ngơ cho hack cheat hoành hành? Những món vật phẩm này thường yêu cầu sử dụng key mở hòm do Valve bán ra với giá 2,5 USD một chiếc. Mỗi ngày, có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn chiếc chìa khóa được bán ra. Ấy là chưa kể việc game thủ trao đổi vật phẩm với nhau, hoặc bán đồ ảo trên Marketplace. Đối với những giao dịch thông qua marketplace, Valve sẽ nhận được 15% khoản tiền trung gian. Đó là một con số khổng lồ.
Valve là một nhà phát hành game, nhưng trên hết, họ là một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thì cần phải có doanh thu, và để làm được điều này, họ đã "chiều chuộng" một bộ phận không nhỏ game thủ dùng hack cheat, và cùng lúc đó cân bằng giữa sự trong sạch của cộng đồng và tìm kiếm lợi nhuận trong game. Những game thủ có thể chiến thắng dễ dàng trong game cũng sẽ có xu hướng mua nhiều đồ ảo hơn để ra oai với những game thủ khác.
Đến một lúc nào đó, khi một game thủ hack cheat bị thông báo quá nhiều, hoặc bị cơ chế overwatch của game bắt quả tang, thì chẳng có ai có thể bênh vực được cho họ. Khi đó sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn: Ra đảo.
Đó là những phân tích của cộng đồng game thủ hâm mộ CS:GO. Có phần hợp lý, nhưng theo quan điểm chủ quan của chúng tôi, thật sự luôn mong muốn rằng Valve không làm như vậy để níu chân người chơi. Vì nếu chuyện này là có thật, thì chắc chắn cộng đồng game thủ CS:GO sẽ nản mà bỏ game, từ đó khiến cho Valve chẳng còn doanh thu game nữa, vì chẳng ai muốn thưởng thức một tựa game toàn hack cheat cả.