LCS châu Âu - Sự nổi dậy của những thế lực mới
Liên Minh Huyền Thoại LCS châu Âu luôn là giải đấu vô cùng hấp dẫn bởi tính cạnh tranh cao. Chính bởi vậy, từ lúc ra đời tới nay, giải đấu này luôn mang lại sự phấn khích cho người xem bởi yếu tố bất ngờ trong tất cả các trận đấu. Tuy nhiên, phân khúc Mùa Xuân 2014 có lẽ là một giải đấu thú vị và hấp dẫn nhất từ trước tới giờ mà các đội tuyển đem tới cho người hâm mộ.
Roccat nổi lên như một thế lực đáng gờm.
Đầu tiên phải nói tới sự vươn lên của những đội tuyển mới mà dấu ấn đáng kể nhất thuộc về Roccat và SK Gaming. Roccat có tiền thân là Kiedy Mialem Team, một đội tuyển hoàn toàn vô danh trên bản đồ LMHT quốc tế. Ngay cả khi họ về hạng nhì tại DreamHack Winter 2013 thì cũng chẳng ai chú ý tới họ bởi đó là một giải đấu toàn những đội vô danh. Thế nhưng, từ khi được Roccat chiêu nạp và vượt qua vòng loại LCS châu Âu 2014 Mùa Xuân, những chàng trai tới từ Ba Lan đã khiến người hâm mộ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đã có một giai đoạn mà họ chễm trệ trên ngôi đầu bảng của một giải đấu có cả những cái tên kì cựu như Gambit Gaming hay Fnatic.
SK Gaming mạnh hơn khi không có Ocelote.
SK Gaming lại có đôi chút khác biệt khi họ là một cái tên lớn trong làng thể thao điện tử. Dẫu vậy, đã có nhiều ánh mắt nghi ngờ thành công của họ sau khi chia tay Ocelote. Thế nhưng thực tế đã chứng minh tất cả khi mà SK Gaming với những cái tên mới như Jesiz hay Freddy đã thi đấu cực hay. Nhân tố cũ duy nhất còn lại trong đội hình của SK là Candy Panda cũng là một vị trí thi đấu rất ổn định ở vị trí xạ thủ. Chính nhờ một tập thể tài năng và đoàn kết, SK Gaming đã vượt qua vòng bảng ở vị trí thứ nhất cũng như kết thúc giải đấu ở vị trí thứ 2.
Fnatic đã có những lúc thi đấu kém cỏi dù sau đó họ kịp trở lại để lên ngôi vô địch.
Giữa sự nổi lên của những thế lực mới, những cái tên cũ như Gambit Gaming hay Fnatic đều phải rất chật vật để tìm lại bản sắc của mình. Gambit Gaming vẫn thi đấu khá tốt ở vòng bảng nhưng sự thiếu ổn định chỉ khiến họ về vị trí thứ 5 dù đã có lúc lên đầu. Ở lượt play-off, họ bị loại ngay từ vòng tứ kết bởi Team Roccat và đó có lẽ là thành tích kém cỏi nhất của Alex cùng các đồng đội kể từ khi LCS châu Âu bắt đầu. Với Fnatic, việc họ lên ngôi vô địch là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng nhưng không thể không nhắc tới chuỗi 8 trận thua liên tiếp của họ tại vòng bảng. Rất may khi họ kịp thời tìm lại phong độ để từ đó băng băng tới chức vô địch.
LCS Bắc Mỹ – cuộc cách mạng từ những huyền thoại
Nếu như ở châu Âu, những tượng đài lâu đời như Alex Ich, Xpeke hay Diamondprox vẫn đang thi đấu thì ở Bắc Mỹ mùa này, những huyền thoại lâu đời đều đã nói lời chia tay để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ đầy tài năng. Những Reginald, HotshotGG, SaintVicious hay Scarra, người giải nghệ, người xuống dự bị đã giúp các đội tuyển Bắc Mỹ mang một diện mạo mới mẻ hơn.
Team Solomid có Bjergsen như hổ mọc thêm cánh.
Đầu tiên phải nói tới Team Solomid với việc Reginald lui vào hậu trường về nhường chỗ cho Bjergsen – tài năng trẻ tới từ châu Âu. Chính điều này tạo ra một TSM mạnh hơn và có lối chơi quyết liệt hơn. Cho tới trước khi Bjergsen phải về nước gia hạn visa, TSM đã hoàn toàn ngự trị ngôi đầu bảng với những chiến thắng áp đảo và hủy diệt, trong đó có 1 chiến thắng trước kình địch C9. Tuy nhiên, sau khi Bjergsen trở lại, TSM lại không có phong độ thực sự tốt và họ chỉ kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ 2. Bước vào trận chung kết ở vòng play-off, TSM cũng để thua C9 một cách khá áp đảo với tỉ số 0-3.
CLG cũng có một đội hình ổn định hơn sau khi HotshotGG lui về hậu trường.
Counter Logic Gaming cũng có những sự thay đổi nhất định khi HotshotGG và Bigfatlp không còn thi đấu mà thay vào đó là Nien cùng dexter. Với sự trưởng thành của Link, sự tiến bộ thần tốc của Aphromoo ở vị trí hỗ trợ, CLG trở lại đúng với vị thế của mình trước kia với những chiến thắng vang dội. Đội hình mới này cũng giúp các thành viên thi đấu ổn định hơn và họ có thể xem như đã có một giải đấu thành công khi dừng lại ở vị trí thứ 3. Team Curse và Dignitas cũng vẫn giữ được vị thế của mình sau giải đấu với lần lượt xếp ở hạng 4 và 5.
Đương kim vô địch Cloud 9 bảo vệ thành công chức vô địch.
Nhà vô địch của LCS Bắc Mỹ mùa trước là Cloud 9 đã có một khởi đầu khá vất vả. Trình độ của họ vẫn vượt lên trên so với các đội tuyển khác nhưng họ đã có phần sa sút ở đầu mùa giải. Trận thua trước TSM ở lần gặp nhau thứ 2 giữa hai đội chỉ ra rằng, Hai nếu phải gặp một người đi đường giữa cứng tay như Bjergsen sẽ bị “cùn” đi rất nhiều. Ở mùa trước, Hai và Meteos là hai nhân tố nổi bật nhất nhưng ở mùa này, công đầu phải thuộc về Ball và Sneaky với những lần gánh toàn đội lật kèo. Có vẻ như sự thay đổi về các vị tướng sử dụng với việc Renekton mạnh hơn hẳn đã giúp Ball có được một sự lựa chọn vô cùng ưng ý ở đường trên và anh ta là nhân tố chủ lực giúp C9 tiếp tục đăng quang ở mùa này.
Với việc giải đấu LCS châu Âu và Bắc Mỹ đã khép lại, các đội tuyển vô địch 2 khu vực sẽ ghi tên mình vào giải đấu siêu sao đại chiến và đây sẽ là nơi để các khu vực so tài đọ sức. Hãy cùng chờ xem Fnatic và C9 sẽ một lần nữa thể hiện mình như thế nào tại sân chơi tầm cỡ thế giới này.