Nhiều định kiến cho rằng những người chơi các tựa game MOBA khác nhau sẽ chẳng bao giờ hòa hợp được lẫn nhau. Thế nhưng tâm sự của anh chàng game thủ dưới đây sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.
"Tôi đã bắt đầu học chơi DOTA 2 một thời gian rồi sau đó quay lại chơi thử các tựa game MOBA khác như Heroes of the Storm hay Liên Minh Huyền Thoại. Mọi người ai cũng bảo với tôi rằng DOTA 2 là tựa game MOBA khó chơi nhất và đây cũng là một trong những rào cản của nó với game thủ. Với tôi thì DOTA 2 thực sự khó chơi nhưng khá ngạc nhiên là tôi vẫn thích thú với nó ngay từ những phút giây trải nghiệm đầu tiên.
Tôi không phải là một game thủ chơi DOTA 2 giỏi, thậm chí trình bộ của tôi còn có thể nói là dưới mức trung bình và mỗi tuần chỉ chơi một hai game vào ngày chủ nhật. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy thực sự thích thú với tựa game này.
Liệu có thể chơi tất cả các tựa game MOBA mà không xung đột với nhau hay chăng?
Từ đầu năm đến nay, các tựa game MOBA cứ liên tục ra mắt nhiều như nấm sau mưa. Mọi người ai cũng có thể thấy rằng các tựa game này đều cứ na ná nhau và chẳng có gì khác biệt cả. Thế nhưng, dù là những cựu binh nhưng DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại vẫn có được những đặc điểm riêng biệt của mình. Những điểm nhấn mang thương hiệu của riêng DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại, đủ để người ta cảm thấy thích thú với hai tựa game này như sự khác biệt về cách gank, cách điều phối tướng...
DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại, mỗi game lại mang một nét đặc sắc riêng
Có lẽ sự khác biệt giữa các MOBA hàng đầu hiện nay như DOTA 2, Liên Minh Huyền Thoại hay Heroes of the Storm chính là ở cái lối tư duy chiến thuật. Có thể đơn cử như cách họ tránh né các đợt tấn công của đối thủ chẳng hạn. Một khi đã thấm nhuần được lối chơi của các tựa game này, bạn sẽ say mê nó và chẳng bao giờ muốn dứt ra.
Đôi khi chơi nhiều tựa game MOBA một lúc cũng khiến tôi phát hiện ra những sự trùng lặp thú vị, đơn cử như Faceless Void, một vị tướng DOTA 2 "tay ngắn" có khả năng khóa chặt cả team đối phương nếu biết dùng ulti đúng cách nhưng cũng đồng thời là một kẻ "bóp team" cực tốt trong nhiều trường hợp. Thế nhưng Void cũng khiến tôi nhớ đến vị tướng Zeratul, một sát thủ trong Heroes of Storm mà tôi từng cực kì yêu thích.
Sự trùng hợp thú vị nếu chơi nhiều game, đó là thấy được nét tương đồng giữa các vị tướng
Tuy thuộc hai game khác nhau nhưng cả hai vị tướng này đều có sự cơ động cao nhờ khả năng dịch chuyển một quãng ngắn. Cả hai cũng đều có ulti (cái này bên Liên Minh Huyền Thoại dịch là Chiêu Cuối) tạo ra một vùng không gian làm đông cứng tất cả mục tiêu trong đó.
Điểm khác nhau có lẽ chính là Faceless Void có thể di chuyển quanh không gian này và tấn công những "con mồi" trong không gian Chronoprison còn những mục tiêu bị giữ trong ulti của Zeratul thì lại được trở nên bất tử khi đóng băng (nói đến đây lại làm tôi nhớ đến chiêu cuối của Bard, một vị tướng trong Liên Minh Huyền Thoại cũng khiến mọi unit trong vùng đóng băng và không phải chịu sát thương trong lúc đó, lại thêm một sự trùng lặp thú vị phải không nào).
Như Faceless Void của DOTA 2 có nét tương đồng với Zeratul nhưng lối chơi thì lại hoàn toàn khác
Chơi khoảng xấp xỉ 200 game với Zeratul không có nghĩa là tôi có thể nhảy vào DOTA 2 và chơi thành tạo Faceless Void luôn. Nhưng ít nhất, kinh nghiệm chơi vị sát thủ Protoss này cũng giúp tôi hiểu được phần nào vai trò và học cách chơi Faceless Void dễ dàng hơn.
Khi "đảo" qua Liên Minh Huyền Thoại tuần trước, tôi đã thử chơi một vị tướng dễ thương mang tên Fizz, con cá nhỏ bé cầm đinh ba nhưng lại mang sức mạnh cực kì bá đạo.
Cho đến khi sang Liên Minh Huyền Thoại, tôi chơi Fizz và lại thấy nó càng khác hơn nữa. Nhưng dẫu sao kinh nghiệm chơi hai tựa game kia vẫn khá có ích với tôi.
Điều khá thú vị đó là bộ kĩ năng của Fizz thực sự khác biệt và thực sự chẳng có một vị tướng nào trong DOTA 2 hay Heroes of the Storm có bộ kĩ năng giống như thế cả. Bạn có thể lao vào tấn công đối thủ một cách chớp nhoáng rồi rút ra thật nhanh trước khi chúng kịp hiểu có chuyện gì vừa xảy ra. Lối chơi này thật sự khó chịu...
Sau khi chơi cả ba tựa game này, tôi đã có thể rút ra được những kinh nghiệm chơi cho riêng mình bằng cách so sánh các vị tướng của các game với nhau. Như là việc Faceless Void giống Zeratul ở khoản dịch chuyển một quãng đường hay như Fizz trong Liên Minh Huyền Thoại có tới hai kĩ năng cơ động, một để lao vào và một để rút ra chứ không như Zeratul, chỉ có 1 mà thôi và do đó tôi không nên chơi "hổ báo" như khi đánh Fizz.
Heroes of the Storm cũng giúp tôi tăng khả năng nhận thức về kĩ năng, level bởi trong game này người chơi chủ yếu sẽ dựa vào kĩ năng của tướng chứ chẳng hề có đồ đạc gì cả.
Hay như cách build một tanker trong Heroes of the Sotrm chỉ dựa vào skill và level của tướng cũng giúp tôi có thêm chút kinh nghiệm trong các tựa game khác trong khi đa phần người chơi khác lại chỉ chú ý đến hiệu quả của đồ (trong Heroes of the Storm không có đồ)"
Những tâm sự trên đây của một game thủ nước ngoài dường như đã cho chúng ta thấy rằng một người chơi DOTA 2 cũng có thể học được chút gì đó khi chơi Liên Minh Huyền Thoại, Heroes of the Storm và ngược lại. Vậy tại sao chúng ta không cùng dung hòa các tựa game này để thưởng thức những nét tinh túy của chúng giống như anh chàng trên thay vì ngồi cãi cọ nhau xem tựa game nào hay hơn? Nếu được như vậy thì có lẽ những tranh luận vô bổ xưa nay giữa các cộng đồng MOBA sẽ chẳng bao giờ là vấn đề lớn như hiện nay.