Nỗi bết bát của DOTA 2 tại Trung Quốc không phải ai cũng biết

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/11/2015 07:38 PM

Nếu bạn ra những quán net ở Trung Quốc, có tới 70% số game thủ tại đây chơi Liên Minh Huyền Thoại và chỉ có 5% chơi DOTA 2.

Mới đây trên trang Reddit của riêng cộng đồng hâm mộ tựa game MOBA DOTA 2 trên toàn thế giới giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, một game thủ với nickname 'oksklok' đã chia sẻ với cộng đồng DOTA 2 thế giới những sự thật đáng buồn mà rất ít người biết tới nếu không thực sự sống trong cộng đồng DOTA 2 tại Trung Quốc. Điều này đã khiến cho không ít những fan cuồng tựa game MOBA này trên thế giới thật sự bất ngờ vì nếu nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc giống như một đại gia của làng DOTA 2 với những cái tên lớn như Invictus Gaming, Team DK hay cựu vô địch TI4, Newbee...

Đầu tiên, nếu bạn ra những quán net ở Trung Quốc, có tới 70% số game thủ tại đây chơi Liên Minh Huyền Thoại. 5% tiếp theo đánh DOTA 2, và thậm chí cứ 10 người ngoài quán net tại Trung Quốc thì có 1 người vẫn còn đánh DotA, bản mod trên nền Warcraft 3. Thế nhưng tuy ít ỏi, nhưng với những thành tựu có được, những người chơi DOTA 2 Trung Quốc vẫn ăn miếng trả miếng với cộng đồng League of Legends tại đây vì luôn thua những team mạnh tại Hàn Quốc và phương Tây tại chung kết thế giới mùa 5 vừa qua.

Thậm chí nếu bạn sống trong ký túc xá tại các trường đại học, bạn sẽ bị coi là "đối tượng tự kỷ" không chịu tương tác với bạn bè ngoài xã hội nếu họ biết bạn đánh DOTA 2... Tiếp đến, vẫn còn những người cố gắng bám trụ với Warcraft 3, họ vẫn chơi những map phát triển nhà lính thông qua nền tảng 11, giống như GG platform (Garena) tại Việt Nam đối với cộng đồng Age of Empires và StarCraft.

Câu chuyện giữa cộng đồng fan cũ và fan mới của DOTA thậm chí còn xảy ra xung đột giữa chính nội bộ cộng đồng. Ít lâu trước, Perfectworld, nhà phát hành DOTA 2 tại thị trường tỷ dân đã kêu gọi những người còn chơi DotA 1 tại đây chuyển sang DOTA 2. Thế nhưng vì hệ thống ranked match, nơi con số không mấy khi thể hiện đúng thực lực game thủ, "nội chiến" đã nổ ra. Nguyên do là cách tính điểm rank của DOTA 2 không giống như trên nền tảng 11, khi 1.400 MMR tại DotA thậm chí tương ứng với một game thủ ở mức trung bình khá, khoảng 4.000 MMR ở DOTA 2. Vậy là họ tranh cãi, dẫn tới thực tế giờ đây những người đánh DotA cổ điển chẳng chịu chuyển sang chơi DOTA 2 nữa.

Thứ ba, và cũng là vấn đề dù chúng ta đã biết từ rất lâu nhưng không phải game thủ DOTA 2 trên thế giới nào cũng biết. Để thưởng thức DOTA 2 tại Trung Quốc, bạn cùng lúc phải đăng ký hai tài khoản: Steam và Perfect World, thay vì chỉ cần tài khoản Steam giống như phần còn lại của thế giới. Sự phức tạp này khiến cho không ít người ngần ngại đến với DOTA 2.

Ấy là chưa kể phiên bản "Đao Tháp" của người Trung Quốc còn bị chỉnh sửa rất nhiều để phù hợp với những quy định khắt khe tại đây. Không cần phải đề cập có lẽ chúng ta cũng đã biết, tại một thị trường game có sự kiểm duyệt cực kỳ nghiêm ngặt như Trung Quốc, việc những tựa game nước ngoài tìm được đường thâm nhập thị trường tỷ dân với hơn nửa tỷ game thủ là điều vô cùng khó khăn.

DOTA 2 của Valve cũng không phải ngoại lệ. Trước đây chúng ta đã từng được chứng kiến hình ảnh những nhân vật gớm ghiếc trong tựa game MOBA này như Pudge, Naix hay Skeleton King bị buộc phải thay đổi hình ảnh để bớt đi phần bạo lực.