Những vị tướng có phong cách chơi nhàm chán nhất DOTA 2

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/01/2016 04:40 PM

Trong số hơn 100 vị tướng mà Valve đã ra mắt tính tới thời điểm hiện tại, vẫn có những cái tên làm cho khá nhiều người chơi DOTA 2 cảm thấy nhàm chán mỗi lần sử dụng.

Mặc dù DOTA 2 là tựa game giải trí cũng như mang đến sự thú vị cho hầu hết những game thủ với số lượng tướng đa dạng và độc đáo, thế nhưng trong số hơn 100 vị tướng mà Valve đã ra mắt tính tới thời điểm hiện tại, vẫn có những cái tên làm cho khá nhiều người chơi cảm thấy nhàm chán mỗi lần sử dụng chúng. Không hẳn là do sức mạnh của chúng không khỏe, mà đôi khi chỉ vì những hero này quá đơn điệu và không tạo ra nhiều đột biến cũng như khơi gợi hứng thú cho người chơi.

Wraith King

Mặc dù trong phiên bản 6.86 mới ra mắt, Wraith King đã trở thành hero hai nút, thay vì một như trước nhưng nhìn chung đây vẫn là hero khá nhàm trong mắt đa số người chơi DOTA 2. Có khả năng hút máu lan không khác gì khi sở hữu Vladimir, cùng những nhát chém crit của mình, Wraith King có thể farm rừng sớm ngay từ những level đầu tiên.

Cộng thêm việc có tới 2 mạng khi đạt được level 6, Wraith King càng khó chết và hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí tanker trong team. Ngay cả kỹ năng duy nhất cần sử dụng, Wraithfire Blast cũng là dạng stun chắc chắn trúng, khi chỉ cần target vào đầu đối thủ mà không cần định hướng hay quan tâm tới bất kỳ điều gì khác. Có chăng chỉ là việc cân đối lượng mana đủ để sử dụng ultimate Reincarnation mà thôi.

Lối chơi của Wraith King cũng khá đơn giản, khi chỉ cần cố gắng farm nhanh những item cơ bản, để rồi đảm nhận trọng trách tanker cũng như carry trong team. Vampiric Aura nay có thể tắt bật giúp Wraith King dễ dàng hơn trong việc kiểm soát lane, thế nhưng nhìn chung vào thời điểm late game, kỹ năng này thường xuyên được auto bật.

Lao vào đội hình team địch, stun một mục tiêu, rồi bổ, bổ và bổ tay, chờ đến khi kích hoạt ultimate, sống dậy với 100% máu và mana, Wraith King lại tiếp tục combo như trên cho tới khi hắn lên bảng đếm số. Quá nhàm chán và đơn điệu cho một carrier cục mịch.

Viper

Không giống Wraith King, Viper là một hero đi mid cực bá đạo và có khả năng owning gần như hoàn toàn mọi đối thủ ở lane. Thế nhưng, mặc dù có sức mạnh tương đối ổn, Viper lại bị khá đông game thủ phàn nàn về việc lối chơi của hero này quá ư là đơn điệu.

Với khả năng dồn damage cũng như slow siêu bá đạo nhờ bộ kỹ năng của mình ngay từ những level đầu tiên, Viper là một con quái vật ở mid thật sự. Thế nhưng từ đầu cho tới late game, lối chơi của hero này tương đối tẻ nhạt và không có gì mới lạ.

Khi mà hầu hết người chơi đều cố gắng build item cho Viper theo xu hướng tank, vị tướng này thường không khác gì một chiếc xe tăng ở giai đoạn late game, ủi thẳng vào đội hình team địch. Thế nhưng tất cả những gì mà người chơi Viper có thể làm chỉ là bật auto đánh độc skill 1, rồi tiếp đó là chọn mục tiêu và nhổ.

Ultimate của Viper ở giai đoạn late game không gây nhiều tác dụng, có chăng chỉ là khả năng slow cũng như quấy rối khiến đối thủ không có cơ hội sử dụng Blink Dagger. Giống với Wraith King, nhiệm vụ của Viper trong combat cũng thường chỉ là lừ lừ đi tới và bắn tay đối thủ đến chết. Quá nhạt nhẽo và vô vị.

Medusa

Quái vật mình rắn đầu người lại là hero sở hữu tới 4 kỹ năng phải kích hoạt, thế nhưng lối chơi của hero này thì cũng không kém đơn điệu hơn hai người đồng nghiệp kể trên là bao.

Cái thời mà Medusa vẫn còn được ưa chuộng để farm Ancient như trong các trận đấu pub, hero này gần như biến mất khỏi bản đồ trong nửa đầu thời gian của trận đấu, khi hắn còn bận chơi với những chú creep rừng. Ngay cả khi hoàn thành những item cơ bản, Medusa vẫn chưa đạt đủ ngưỡng sức mạnh và vẫn luôn ưu tiên việc farm của mình lên đầu.

Ở giai đoạn late game, Split Shot và Mana Shield là hai kỹ năng được Medusa auto bật gần như trong mọi tình huống. Trong khi đó, Mystic Snake không mang nhiều ý nghĩa ngoài việc harass nhẹ và đẩy creep.

Ngược lại, ultimate có khả năng hóa đá, Stone Gaze tuy mang nhiều ý nghĩa nhưng lại có thời gian cooldown khá lâu và chỉ sử dụng một lần trong combat. Thế nên nhiệm vụ chính của Medusa trong combat cũng chỉ là đứng tank, rồi giương cung lên bắn và bắn đến chết đối thủ, ngoài ra có thể sử dụng ultimate mỗi khi cảm thấy thích hợp, để rồi tiếp tục chạy và bắn.

Lycan

Giống với các vị tướng kể trên, lối chơi của Lycan cũng cực kỳ nhàm chán khi chỉ chú trọng vào farm và push. Khởi đầu game, với lợi thế có thể triệu hồi 2 chú chó, cùng với đó là lượng chỉ số tương đối ổn, Lycan không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề farm, thậm chí là farm rừng và ăn Roshan sớm ngay khi hoàn thành Vladimir.

Nhưng kể cả bây giờ khi hầu hết người chơi Lycan đều ưa chuộng lên sách thì phong cách của hero này vẫn không có gì thay đổi. Bắt buộc phải sử dụng ultimate để hóa form sói trong combat và càn quét đội hình địch, hoặc đôi khi dùng để chạy trốn, Lycan không có sức mạnh nào khác ngoài những đòn đánh tay đầy chất lượng từ bản thân cũng như đệ từ sách.

Thêm vào đó, khi không có ultimate, Lycan dường như mất đi hơn 50% sức mạnh, khi rất khó để hero này tạo dấu ấn trong combat. Tẻ nhạt không kém gì Wraith King, Lycan thậm chí còn chán hơn khi không có kỹ năng có thể giữ chân đối thủ.