- Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2015 11:29 AM
Mặc dù DOTA 2 đã trở thành một tựa game thi đấu chuyên nghiệp từ khá lâu trên thế giới, thế nhưng cũng giống với bao môn thể thao khác, không phải lúc nào các game thủ hay các đội tuyển cũng đảm bảo được sự chuyên nghiệp vốn có của tựa game này. Không ít những scandal, những bê bối đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Valve cũng như DOTA 2 trong quá khứ, và đáng buồn thay một số sự việc đang có dấu hiệu lặp lại.
Nhìn lại vài năm trước, vụ việc nổi tiếng và có lẽ để lại vết nhơ lớn nhất trong lịch sử DOTA 2 chính là scandal bán độ của SOLO thời anh còn là solo mid của team Rokxis. Điều đáng nói, số tiền bán độ của anh chàng này chỉ là 322$, một con số không hề lớn chút nào nếu so với các mốc giải thưởng tại các giải đấu DOTA 2 trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ đang trong tình cảnh quá nghặt nghèo nên SOLO vẫn quyết định bán mình cho quỷ dữ.
Sự việc bị phát hiện, và cũng từ đó con số 322 trở thành thuật ngữ cho những trận đấu throw đỉnh cao của DOTA 2. Cái tên SOLO 322 cũng trở thành biểu tượng có lẽ sẽ không bao giờ phai trong lòng các fan hâm mộ. Dù rằng bây giờ anh chàng này đang thi đấu rất thành công trong màu áo Vega, nhưng vụ việc xảy ra trong quá khứ luôn là nỗi ám ảnh với SOLO. Chỉ cần một trận đấu dưới phong độ, SOLO hoàn toàn có thể bị các fan hâm mộ gán lại biệt danh SOLO 322.
Rồi sau đó là sự việc w33 cố tình lợi dụng quyền host để sử dụng cheat trong game. Cụ thể, với việc sử dụng lệnh “-refresh”, Meepo của w33 chui tọt vào trong rừng và xách ra cho mình Power Treads cùng với đó là Aghanim’s Scepter ngay từ phút 12 của trận đấu. Và đó là một game đấu vùi dập của w33 cùng đồng đội. Tuy nhiên, sự việc bị bại lộ khi một game thủ cảm thấy thắc mắc và quyết định xem lại replay, và vở kịch của w33 bị vén màn một cách đầy bẽ bàng trước cộng đồng DOTA 2 thế giới.
Thế nhưng, thay vì xin lỗi một cách thành khẩn, w33 chỉ đơn giản thanh minh rằng “do chán nên mới cheat”. Và chắc chắn rằng điều ấy đã khiến tất cả fan hâm mộ cũng như người chơi DOTA 2 trên thế giới trở nên giận dữ và ném đá w33 không thương tiếc.
Hiện tại, anh chàng pubstar tai tiếng này đang là solo mid của Team Secret – chung chiến tuyến với EE-sama – người ném đá anh mạnh nhất ở scandal trên. Dù sao thì quyết định trở thành player chuyên nghiệp cũng khiến w33 trở nên chín chắn hơn phần nào, và rõ ràng khi chung team với những thanh niên nghiêm túc như Puppey, phần nổi loạn trong con người anh chàng này khó có đất phát tác.
Không liên quan đến game, nhưng vụ việc mới đây lại vô cùng nghiêm trọng và nhân vật chính không ai khác mà là một game thủ DOTA 2 cũng khá nổi tiếng ở khu vực Bắc Mỹ: Korok. Anh chàng này bị buộc tội hành hung và cố tình gây thương tích nghiêm trọng cho bạn gái. Cảnh sát cũng đã mở cuộc điều tra nhằm xác minh rõ sự việc. Ban đầu, do không đủ chứng cứ nên Korok được tại ngoại, và vẫn tham gia The International 5 cùng đội hình NAR (Team Archon).
Tuy nhiên, sau 4 tháng với rất nhiều phiên xử, tòa đã ra phán quyết phạt Korok 12 tháng tù giam, trong đó có 10 tháng treo. Quyết định này cũng gần như đóng sập cơ hội thi đấu chuyên nghiệp của Korok trong tương lai, khi mới đây anh đã rời team NAR và đang là game thủ chuyên nghiệp tự do. Không biết trong tương lai liệu còn team DOTA 2 nào mở rộng vòng tay chào đón anh chàng game thủ lắm tài nhiều tật này hay không, nhưng rõ ràng vụ việc này ảnh hưởng rất nhiều đến Korok, cũng như đến hình ảnh của tựa game DOTA 2. Đây có thể coi là trường hợp đầu tiên một game thủ DOTA 2 phải chịu án phạt hình sự nặng như vậy.
Vẫn còn đó những sự việc cực kỳ bê bối trong làng DOTA 2 thế giới, những vụ bán độ ở ao làng SEA, thậm chí là ở Việt Nam cũng đã từng làm rúng động cả một cộng đồng DOTA 2 thế giới. Hay như chỉ mới đây thôi, một team DOTA 2 ở Peru đã có những biểu hiện bán độ lộ liễu khi lên Blink cho QoP, đồng thời throw game đấu rất rõ ràng trong một trận đấu mà họ được đánh giá cửa trên. Chắc chắn là vẫn còn nhiều nhiều những sự việc tương tự, khi mà DOTA 2 đang dần dần được thương mại hóa, với những món lợi lên đến hàng nghàn đô chỉ qua việc bet thì việc người chơi dễ dàng bị mua chuộc bởi những món lợi trước mắt là điều hoàn toàn dễ xảy ra.
Chắc chắn rằng đi cùng với mặt tích cực trong sự phát triển của DOTA 2 thế giới sẽ luôn tồn tại những nét tiêu cực như một phần tất yếu của mọi vật, và đấy mới là lúc trách nhiệm của Valve được thể hiện. Đưa ra những biện pháp kỷ luật thật nặng, có thể cấm thi đấu chuyên nghiệp vĩnh viễn đang là một trong những giải pháp mà Valve suy tính để tránh việc có thêm những SOLO 322 hay Team Arrow thứ 2 trong con đường tiếp theo của DOTA 2 chuyên nghiệp.