Nghỉ học để "try hard" DOTA 2 có thực sự là lựa chọn đúng đắn?

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/08/2015 02:10 PM

Game thủ DOTA 2 bây giờ đã được coi là một nghề thực thụ tại nhiều quốc gia chứ không đơn thuần chỉ là chơi điện tử kiếm tiền như trước.

Picture 1

DOTA 2 ngày càng phát triển và đã vươn mình để có một chỗ đứng khá vững chắc trong nền công nghiệp thể thao điện tử mới nổi. Game thủ DOTA 2 bây giờ đã được coi là một nghề thực thụ tại nhiều quốc gia chứ không đơn thuần chỉ là chơi điện tử kiếm tiền như quan niệm của khá nhiều người thời gian trước. Nói vậy là bởi với nghề nghiệp này, ngoài việc được theo đuổi mơ ước, gắn bó với tựa game yêu thích, các game thủ còn có thể tăng thu nhập rất nhanh qua các giải đấu hay gắn với các nhà tài trợ nổi tiếng.

Cũng chính sự hấp dẫn này đã thu hút không biết bao nhiêu người sẵn sàng từ bỏ tất cả để phấn đấu trở thành một game thủ chuyên nghiệp. Và tất nhiên, thực tế thì rất ít người vừa là game thủ chuyên nghiệp, vừa đảm bảo được việc học tập của mình.

Picture 2

Nhiều người nghĩ try hard DOTA 2 rõ ràng là vui hơn đi học.

Tất nhiên, để có thể song hành và đảm bảo cả việc học lẫn try hard để thành game thủ là điều gần như không thể. Một ngày chỉ có 24 giờ, và chắc chắn dù nỗ lực đến đâu bạn cũng không đủ thời gian để theo đuổi cả 2 thứ. Chính vì lý do đó, đa số người chọn theo đuổi giấc mơ thành game thủ DOTA 2 chuyên nghiệp mà chấp nhận bỏ dở con đường học hành, một số người lại quyết định vẫn theo đuổi giấc mơ DOTA 2 chuyên nghiệp, nhưng chỉ tạm gác lại việc học và sẽ tiếp tục trong thời gian sau. Dù lựa chọn của họ có là gì đi nữa thì cũng rất dễ để nhận thấy, game thủ DOTA 2 bây giờ đã là một nghề cũng mang lại địa vị và tiền bạc cho rất nhiều người.

Nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc lựa chọn nghề game thủ sẽ là quyết định đúng đắn của bất cứ ai theo đuổi. Có rất nhiều tấm gương nghỉ học try hard DOTA 2 và thành công, kiếm hàng trăm nghìn USD khi tuổi đời thậm chí còn chưa chạm mốc 18 như Sumail, Arteezy, hay Dendi thời trẻ. Thậm chí, nếu nhìn vào bảng xếp hạng thu nhập của các game thủ DOTA 2 trong 1 năm, rất nhiều người đã có thể trở thành triệu phú chỉ sau vài năm thi đấu.

Nhưng đó chỉ là môt mặt, nghề game thủ DOTA 2 ẩn chứa nhiều vấn đề hơn nhiều người có thể tưởng tượng. Những tấm gương ở trên chỉ là những ví dụ thành công tiêu biểu, điển hinh chứ ít người biết đằng sau họ là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người thất bại. Thậm chí, kể cả khi đã trở thành game thủ chuyên nghiệp thì đối mặt với bạn vẫn là một núi khó khan và vấn đề.

Đó là những áp lực cả khi tập luyện lẫn thi đấu, một lịch sinh hoạt khắc nghiệt, ít thời gian cho những hoạt động bên ngoài. Rồi gần như hầu hết thời gian trong ngày bạn phải ngồi trong một căn phòng khép kín, cố định cơ thể trên một chiếc ghế và dán mắt tập trung vào màn hình máy tính. Tất cả những thứ trên không phải là điều mà ai cũng có thể thích nghi và chấp nhận trong suốt một khoảng thời gian dài.

Picture 3

Sumail – ví dụ thành công của việc nghỉ học try hard DOTA 2

Mà đấy là trong trường hợp lạc quan, khi bạn đã trở thành một game thủ chuyên nghiệp và có chế độ tập luyện khắc nghiệt. Còn trước đấy là cả một chặng đường dài để có thể lọt vào mắt xanh của các đội tuyển chuyên nghiệp. Công việc đầu tiên của bạn tất nhiên là phải luyện tập, hết mức có thể để nâng chỉ số MMR. Ngoài ra, tham gia vào hầu hết các club, các giải đấu bán chuyên mà bạn có thể.

Và cũng như Eternal Envy đã từng chia sẻ, DOTA 2 không chỉ đòi hỏi sự cố gắng mà bạn còn phải có những tố chất thiên bẩm. Nếu cứ mãi lầy lội ở vũng lầy 3-4k MMR thì tốt nhất bạn nên bỏ ngay viễn tưởng trở thành game thủ DOTA 2 chuyên nghiệp mà nên kiếm quách một việc làm hay bắt đầu lại việc học đi. Suy cho cùng thì học hành vẫn là con đường sáng hơn, dễ được xã hội thừa nhận hơn và giúp bạn tìm kiếm được công việc dễ dàng hơn so với việc lựa chọn theo đuổi DOTA 2 chuyên nghiệp.

Picture 4

EE-sama: “Try hard mà không qua được 4k MMR thì kiếm việc khác để làm đi”.

Nhưng cũng có không ít các trường hợp dù đã trở thành game thủ DOTA 2 nổi tiếng nhưng vẫn không muốn bỏ dở việc học. Có thể kể ra Zai – cựu game thủ nổi tiếng của Team Secret vừa quyết định tạm chia tay với DOTA 2 chuyên nghiệp để dồn sức tập trung vào việc học.

Hay đó còn là Arteezy, người luôn đau đáu giấc mơ sẽ trở thành dược sĩ trong tương lai. Ngược lại với họ là Sumail, người sẵn sàng bỏ cả bậc giáo dục trung học – vốn được coi là nền tảng của giáo dục ở phương Tây để theo đuổi sự nghiệp và đam mê của mình.

Picture 5

Hai thanh niên đã pro mà vẫn coi trọng việc học.

Ở Việt Nam, không như các nước phương Tây hay một số nơi trong Đông Nam Á như Singapore hay Malaysia, nghề game thủ chuyên nghiệp vẫn chưa được xã hội nhìn nhận và đánh giá một cách công bằng. Khá nhiều người vẫn giữ định kiến rằng đó chỉ là nghề vạ vật, nay được mai không và khó có thể đảm bảo một cuộc sống ổn định cho những ai theo đuổi.

Điều đó cũng không vô lý khi tuổi nghề của một game thủ là khá ngắn ngủi, và nếu không chuẩn bị những kiến thức hay công việc sau đó thì rất nhiều người dễ rơi vào cảnh thất nghiệp. Chưa kể, so với tựa game LMHT, DOTA 2 ở Việt Nam không phát triển bằng, và cũng có rất ít tổ chức, doanh nghiệp sẵn lòng đứng ra tài trợ cho một team DOTA 2 chuyên nghiệp.

Con đường bỏ học try hard pro DOTA 2 ở Việt Nam còn rất rất hạn chế và gần như khó có tấm gương thành công nào. Vì rõ ràng, nghề game thủ DOTA 2 không thể đảm bảo một cuộc sống ổn định, ít nhất là về mặt thu nhập cho các game thủ. Những game thủ DOTA 2 ở một số đội tuyển tại Việt Nam hầu hết đều là sinh viên, hoặc không thì họ cũng chỉ coi đây là một sở thích và nghề tay trái. Còn chuyện kiếm sống bằng cách try hard và thi đấu DOTA 2 ở Việt Nam là điều không thực tế, ít nhất là tại thời điểm này.