Nạn DDoS hoành hành tại nhiều giải đấu game quốc tế

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/06/2015 05:08 PM

Khi ngày càng có nhiều giải đấu DOTA 2 hay CS:GO diễn ra theo thể thức online được tổ chức, thì một vấn đề nan giải cũng vô tình xuất hiện: DDoS.

Thời gian gần đây, khi ngày càng có nhiều giải đấu DOTA 2 hay CS:GO diễn ra theo thể thức online được tổ chức, thì một vấn đề nan giải cũng vô tình xuất hiện: DDoS.

Hãy lấy ví dụ gần đây nhất, một trận đấu DOTA 2 giữa Vega và 4CL thuộc khuôn khổ giải đấu Gameshow Invitational đã biến thành một "trò hề" khi một game thủ của bên Vega bị DDoS khiến anh này không thể chơi được game. Sau 10 phút pause game theo quy chế giải đấu, các game thủ 4CL lại có một hành động không có chút tinh thần thượng võ nào khi... unpause, giết toàn bộ đối phương và... tiếp tục pause game như chưa có chuyện gì xảy ra.

Kết quả, thay vì dời ngày thi đấu, Vega đã nhận một thất bại mà họ chẳng có chút lỗi nào dẫn đến hệ quả đó.

Theo nhiều phân tích trên mạng internet, hầu hết những lần game thủ bị DDoS đều là do những người tham gia cá độ cho những trận đấu như thế. Nếu đội mà họ lựa chọn đang chiến thắng thì không sao, thế nhưng chỉ cần có chút gì chứng tỏ team mà họ chọn "trao gửi niềm tin" đang có nguy cơ thua, họ sẽ ngay lập tức có những sự can thiệp "mạnh tay" để chính mình thay đổi kết quả trận đấu.

Mục tiêu của một DDoSer khi tấn công một game thủ rất đơn giản, gửi càng nhiều packet dữ liệu về máy tính của anh ta càng tốt, tạo ra lưu lượng băng thông khủng, khiến cho việc trải nghiệm game gần như không thể. Hẳn các bạn còn nhớ, với ping rơi vào khoảng 80 đến 100ms, một game thủ chuyên nghiệp đã bị xem là "dưới cơ" trong combat, khi phản xạ của anh ta có thể nhanh, nhưng đường truyền mạng lại chậm đi rất nhiều, khiến nhân vật trong game khó lòng có thể có được lợi thế cân bằng như khi không bị DDoS.

Đối với những kẻ cá độ eSports, điều này có thể khiến cho họ có được những khoản lợi bất chính, tuy nhiên đối với những game thủ chuyên nghiệp cũng như những người hâm mộ chân chính, thì điều này gây khó chịu rất nhiều. Không ít game thủ ngay cả ở phe không bị DDoS cũng đã từng bày tỏ sự căm ghét những kẻ xoay chuyển kết cục trận đấu theo những cách xấu xa.

Một số người cho rằng, lý do dẫn tới thực trạng đáng buồn cho những giải đấu online này chính là việc các game thủ, admin hay ban tổ chức giải đấu thường liên lạc qua Skype để cho game thủ cũng như các caster biết lobby thi đấu. Có được lobby, hacker sẽ có thể dễ dàng track được IP của các game thủ. phục vụ cho nhu cầu DDoS.

Đã từng có một trận đấu CS:GO tôi được xem, khi hai team cùng bị DDoS. Nó giống như một cuộc thi "bet thủ" nào tay to hơn, khiến đối phương thua cuộc sớm hơn. Một trò đùa của làng eSports thế giới.

Chính vì thế, một số ban tổ chức các giải đấu đang muốn chuyển dịch từ việc tổ chức giải đấu online sang on LAN, tuy chi phí đắt đỏ hơn nhưng lại cực kỳ an toàn, chưa kể đường truyền lại cực kỳ ổn định, đem tới những trận đấu mãn nhãn như ESL One, The Summit hay The International sắp sửa diễn ra.

Thêm một địa điểm xem giải đấu đỉnh cho game thủ Sài Gòn