Mỗi vị tướng trong
LMHT khi ra mắt đều được hướng tới một vị trí nhất định. Tuy nhiên, theo thời gian, qua những đợt tăng giảm sức mạnh, chúng hoàn toàn có thể nổi lên ở một khu vực khác. Vậy những vị trí trong LMHT có sự liên quan tới nhau như thế nào?
Tướng đường trên và tướng đi rừng
Đây là mối quan hệ đầu tiên dễ thấy nhất trong LMHT. Đa phần (chứ không phải tất cả) các tướng đi đường trên đều có thể đi rừng và ngược lại. Sở dĩ vậy là bởi vì hai vị trí này đều có những điểm chung tương đối giống nhau như nhiều sát thương ban đầu, có khả năng chống chịu tốt,... Điều này tạo điều kiện cho hai vị trí này đổi chỗ cho nhau khi chúng được tăng giảm sức mạnh qua mỗi phiên bản. Để dễ hình dung, chúng ta sẽ cùng xét một vài ví dụ.
Đa số các tướng đi đường trên đều có thể đi rừng và ngược lại.
Aatrox vốn được sinh ra để trở thành một đấu sĩ đường trên nhưng sau với khả năng hồi phục tốt cùng nhiều lượng khống chế, Aatrox lại nổi danh ở vị trí đi rừng. Mặc dù hiện nay Aatrox đang có dấu hiệu trở lại đường trên nhưng tên tuổi của vị tướng này đã thực sự gắn liền với vị trí đi rừng trong suốt một khoảng thời gian dài. Một ví dụ khác là Trundle – một tướng đi rừng đích thực lại đang cực kỳ được ưa chuộng ở đường trên trong tay các đội tuyển châu Âu.
Đường giữa với đường trên
Những pháp sư có thể đi đường trên.
Ở đây chúng ta sẽ phân loại các vị tướng theo cách chơi, bao gồm các pháp sư có khả năng đỡ đòn và các sát thủ. Trước tiên về các pháp sư đỡ đòn như Vladimir hay Gragas. Đây đều là những vị tướng có thể đỡ đòn tốt và đó là lí do đưa Vladimir lên đường trên để trở thành một pháp sư đỡ đòn. Gragas có đôi chút khác biệt bởi khi lên đường trên, anh ta trở thành một vị tướng đấu sĩ thuần đỡ đòn. Kennen cũng là một ngoại lệ thú vị khi anh ta không thực sự mạnh ở đường giữa nhưng lại là một cái tên quen thuộc ở đường trên do sải tay dài, bất chấp khả năng chống chịu thấp.
Một số sát thủ đi tốt ở đường giữa.
Về phía các sát thủ, một số vị tướng được tạo ra với mục đích trở thành các tướng đấu sĩ đường trên nhưng thiên về tấn công hơn như Riven hay Master Yi hoặc thậm chí là Tryndamere đều có thể được đưa ra đường giữa. Sở dĩ vậy bởi lượng sát thương đầu ra lớn của họ có thể hạ gục chớp nhoáng các pháp sư mỏng manh bên địch trong khi ở đường trên, họ sẽ luôn phải đối mặt với những kẻ trâu bò. Những vị tướng này cũng cực mạnh khi phải đối đầu với các sát thủ vật lý như Zed hay Yasuo.
Pháp sư và hỗ trợ
Những pháp sư “hết thời” lại trở thành những tướng hỗ trợ cực mạnh.
Mỗi một giai đoạn đều đánh dấu sự nổi lên của một pháp sư nào đó. Tuy nhiên, có một điều thường thấy hơn, chính là việc những pháp sư “hết thời” trở thành một tướng hỗ trợ cực mạnh. Điều này có được là bởi vì những pháp sư đường giữa đều có ít nhất một kỹ năng vô hiệu hóa và lượng sát thương lớn. Không khó để điểm mặt chỉ tên những vị tướng đã thành công theo cách này như Zyra, Fiddlesticks, Annie hay giờ có thêm cả Morgana.
Lulu và Karma là một trong số ít những vị tướng hỗ trợ trở thành pháp sư tốt.
Ở chiều ngược lại, việc một tướng hỗ trợ trở thành một pháp sư, tuy rất ít xảy ra nhưng không phải là không có. Ví dụ điển hình là Lulu hay thậm chí là Karma sau khi được nâng cấp sức mạnh ở đầu mùa giải mới. Tuy nhiên đây chỉ là số ít và đa phần chỉ có sự chuyển đổi các pháp sư trở thành tướng hỗ trợ.
Các xạ thủ đa phần đều khó chuyển sang vị trí khác.
Trong tất cả các vị trí, xạ thủ là vị trí ít bị biến đổi nhất bởi vị trí này đòi hỏi chất tướng khá riêng biệt. Cũng có một vài vị tướng được đưa ra đường giữa như Ezreal, Tristana hay đưa lên đường trên như Quinn, Vayne và thậm chí đi rừng được như Ezeal, Twitch nhưng xét về mặt hiệu quả, chúng chỉ dừng lại ở mức tạm được.
Sự hoán đổi vị trí của một vị tướng thường bắt nguồn từ khả năng của vị tướng đó. Tuy không có một quy luật nào cụ thể nhưng những sự hoán đổi như trên là những điều thông thường nhất. Sự hiệu quả có được của một vị tướng ở một vị trí khác với dự tính ban đầu của nhà sản xuất lại phụ thuộc khá nhiều vào chiến thuật cũng như người chơi.