Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 03/01/2014 0:00 AM

Hệ thống Ranked Matchmaking DOTA 2 mới mẻ nhưng cũng đầy những rắc rối.

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 1

Với hệ thống Ranked Matchmaking (tạm gọi là RMM), các game thủ DOTA 2 có thể vui mừng vì đã có một hệ thống chính thức với chỉ số MMR (Matchmaking Rating) được public và cũng là nơi để “cày cuốc”, try hard. Nhưng, đằng sau đó, là không biết bao nhiêu những status “khóc” trên các diễn đàn hay các group Facebook với cùng một lý do: Vì teammate … nên tôi thua (Điền thêm những tính từ hay các hành động không “bình thường” trong một game đấu vào dấu ba chấm).

Trước hết, tôi xin đi qua một khái niệm có thể vừa lạ vừa quen đối với nhiều game thủ: Elo hell.

Elo hell là gì?

Trước hết, Elo là một cách thức để đánh giá trình độ một người chơi ở những bộ môn mang tính chất thi đấu (như cờ vua). Elo được đặt tên theo cha đẻ của nó là Arpad Elo, một giáo sư vật lý.

Elo hell được giới game thủ đặt ra nhằm chỉ những trường hợp khi bạn không thể nào cải thiện được điểm Elo của mình bởi vì đồng đội trong trận đấu đó quá “tạ”, và cứ thế vòng lặp thua -> tụt Elo -> gặp đồng đội “tạ” hơn -> tụt Elo khiến bạn không thể ngóc đầu lên được.

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 2
Thua liên tục, có phải bạn đã rơi vào Elo hell?

Với DOTA 2, cùng lúc với hệ thống RMM ra đời là những tâm sự não nề của những người chơi đã “cố gắng gánh team” nhưng không được, nhưng liệu những trường hợp đó có thật là Elo hell?  

Khóc, vì sao tôi thua?

Trong RMM, hãy nhớ ở mỗi trận đấu đều được sắp xếp sao cho chỉ số MMR trung bình của cả 2 team là gần nhau nhất, và vì thế cơ hội chiến thắng là gần như chia đều cho cả 2 team. Nhưng, có những lý do sau đây là nguyên nhân dẫn đến thất bại của team bạn:

Phong độ

Giả sử, cứ 5 trận đấu thì bạn đánh xuống phong độ ở một trận, tức là có tỷ lệ 20% bạn không đánh được đúng sức mình (vì nhiều lý do: mệt mỏi, tâm lý, bị mẹ gọi về nhà, …).

Vậy, tỷ lệ để có được một team 5 người đánh hoàn toàn đúng với mức mà MMR của họ xác định là 0.8^5, tức chỉ khoảng 32%.
Điều này cũng có nghĩa, đa số những game bạn chơi sẽ có ít nhất một người trong team không chơi đúng sức của họ, và bạn cũng nên thông cảm cho đồng đội vì điều đó. Ai chẳng có lúc xuống tay phải không nào?

Nhưng đừng vội nản lòng, hãy luôn nghĩ trong đầu rằng team bạn ra sao thì team đối phương cũng như vậy, và nếu bạn đang ở phong độ tốt, hãy “gánh” cho team bạn trận đấu này.

Pick không hợp lý

Hero pool (tạm gọi là số hero mà một người có thể chơi tốt) của một người có lẽ là dao động từ 5-10 những hero quen thuộc, và với những hero khác, có thể màn trình diễn của họ sẽ khác từ “chút ít” đến “rất xa” khả năng mà MMR của họ nói lên.

Ở đây tác giả chỉ xin nói về mode chơi quen thuộc là All Pick, còn nếu đã tham gia RMM ở những mode khác thì bạn hẳn là người kinh nghiệm hơn và biết mình phải làm gì.

Thật vậy, mỗi trận đấu trong RMM đã bắt đầu ngay từ khâu pick hero. Có thể bạn pick được hero tủ nhưng lại bị counter bởi hero của đối phương, có thể bạn pick hero để counter đối phương nhưng đó không phải hero mà bạn chơi tốt, hay cũng có thể bạn random ra một hero hoàn toàn xa lạ và bị counter pick tưng bừng bởi hero đối phương. Muôn vàn lý do có thể dẫn đến việc bị outpicked cho team bạn và việc thua lane ngay từ đầu là khó tránh khỏi khi đã bị counter. 

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 3
Một trận RMM ở server China, với đội hình “try hard” ở cả 2 team.

Điều này còn đặc biệt đúng với server SEA hay China của DOTA 2, những nơi được mệnh danh là khu vực “try hard” nhất của thế giới. Với MMR trên 4000, bạn đừng nên ngạc nhiên khi đối phương pick rất bài bản y hệt như một game đấu competitive. 

Đơn giản là team đối phương đánh hay hơn

Có lẽ đây là lý do chủ yếu nhưng đáng ngạc nhiên là ít người chịu thừa nhận nhất.

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 4

Việc team đối phương có những phối hợp teamwork tốt hơn, sự di chuyển hợp lý trong combat hay giai đoạn roaming đầu game, cách chia lane hay chiến thuật hợp lý trong game đấu đều góp phần tạo nên những “bước chuyển” khiến cách biệt 2 bên càng rõ ràng hơn. Có thể, bạn solo mid đang không hề thua kém đối phương, nhưng chỉ cần bị 2 support phía đối phương roam giết được 1 2 lần, lane mid đó xem như đã rõ  ràng thắng bại. 

Từ việc thất bại của một lane, những lane khác của team bạn cũng sẽ chịu nhiều áp lực hơn và hiệu ứng dây chuyền đó có thể dẫn đến một game hoàn toàn lệch về phía đối phương mặc dù team bạn trình độ không chênh lệch mấy.

Bình tĩnh, lau nước mắt và nhìn lại

Trước khi bắt đầu chat all blame đồng đội hay than thở trên các diễn đàn cùng một tấm hình chụp cuối game như một minh chứng “sống động” rằng bạn feed ít nhất team và vì thế team thua là do đồng đội, nhưng, hãy bình tĩnh nhìn nhận lại lần cuối, bạn đã chơi tốt và hết sức mình chưa?

Xem lại replay

Trong game đấu diễn ra, chắc chắn bạn sẽ không thể nào có một góc nhìn khách quan và đầy đủ trên các thành viên của team, và bao gồm cả bạn.

Hãy cứ xem như bạn đang xem một replay của một người khác, và tự đánh giá lại những gì bạn đã thể hiện trong game đấu đó. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao tình huống này mình xử lý quá kém như thế, đáng ra mình có thể làm tốt hơn, hay nhận ra thật ra đồng đội mình cũng không quá tệ, họ vẫn có những đóng góp nhất định nhưng trong game đấu mình không để ý đến. Cần phải có một khoảng cách nhất định, để có thể nhìn nhận mọi thứ một cách đầy đủ. 

Hãy xem replay với một cái đầu lạnh, luôn suy nghĩ và giả định những tình huống, đồng thời dự đoán hành động của đối phương và xem mình xử lý như vậy đã đạt chưa. Bằng việc xem replay, bạn cũng sẽ thấy có thể đối thủ của bạn cũng không “ghê gớm” như bạn tưởng, mà cũng có đầy những sai sót, mà bạn và đồng đội không tận dụng được. Cách “tự học bằng sai lầm của mình” này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật sự là cách nhanh nhất để bạn có thể tự phát triển trình độ của mình lên từng ngày. 

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 5
“Be the change that you wish to see in the world” - Mahatma Gandhi.

Thật vậy, nếu bạn muốn có những game đấu chất lượng và không khí trong game đấu luôn vui vẻ chứ không phải là những lời blame nhau qua lại, hãy thực hiện đúng như vậy.

Thân thiện và là nguồn động viên tinh thần cho team bạn

Lời nói có sức mạnh. Sau những bước đi lỗi của teammate, việc chỉ trích không hề giúp người đó cải thiện mà ngược lại, chỉ khiến tình hình và không khí trong team tồi tệ hơn. Hãy khích lệ team bạn khi đạt được một mục tiêu gì đó (gank thành công, push được trụ, ăn roshan, …), những lời động viên có cánh có thể sẽ giúp team bạn lật được một combat khó khăn hay ít nhất, là vẫn giữ được sự vui vẻ bình thản sau game đấu.

Cố gắng hơn

Đừng vội buông xuôi game đấu, hay nản lòng chỉ vì vài mạng bị dẫn trước. Hãy có một cái nhìn rộng hơn về trận đấu, dự đoán đối thủ, lên kế hoạch counter và tận dụng những sai lầm của đối thủ một cách triệt để hơn. 

Mạn bàn về Ranked Matchmaking của DOTA 2 6
Bình tĩnh, tự tin dẫn team bạn đến chiến thắng (nếu có thể).

Nếu bạn cảm thấy phù hợp, hãy lead team trong di chuyển (smoke, split push, def ở các lane, …), nhắc nhở đồng đội (cách lên đồ, báo gank, …), và trong combat (combo như thế nào, ai nên focus ai hay cần phải làm gì, …). Những kiến thức này hoàn toàn không đơn giản, mà cần phải có một quá trình dài tự xem replay của mình và cả của những game đấu chuyên nghiệp để rút ra những bài học cần thiết cho mình.

Gõ GGWP

Đôi khi, số phận nghiệt ngã không cho bạn chiến thắng dù đã thử nhiều cách ở trên. Nhưng dù vậy, nếu thật sự team bạn đã chơi hết sức thì cho dù có thua, đó hoàn toàn cũng là một kinh nghiệm hoàn toàn mới cho bạn học hỏi. Điều quan trọng là thứ đọng lại sau một trận đấu, đó có thể là niềm vui vì lật ngược thế trận, hay cảm giác thoải mái vì team bạn đã cố gắng hết sức. 

Kết

Vì DOTA 2 là một trò chơi đồng đội, vì thế khi đồng đội bạn có sa sút, thì đó cũng là nhiệm vụ của bạn nâng đỡ họ lên. Hãy chơi DOTA 2 để sau những trận thua là cảm giác nuối tiếc man mác, chứ không phải những status khóc khắp mọi nơi.