Sự phát triển mạnh mẽ của game online đã tạo ra cơ hội kiếm thêm thu nhập cho rất nhiều game thủ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng kiếm tiền từ game online từ nằm trong phạm vi một số hình thức như cày tiền, bán vật phẩm, bán tài khoản… mà không biết rằng, game online bao chứa trong nó rất nhiều ngành nghề đa dạng và hấp dẫn. Những ngành nghề này không chỉ thỏa mãn đam mê của những người theo đuổi, mà còn đảm bảo một tương lai ổn định và tươi sáng.
Một trong những “cửa” sáng nhất để tìm kiếm thu nhập lành mạnh và chính thống từ game tại Việt Nam là hoạt động trong lĩnh vực eSports. Dù không còn mới mẻ nhưng phải 2-3 năm trở lại đây, eSports mới thực sự phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các game thủ Việt Nam.
Những nghề nghiệp phổ biến trong lĩnh vực eSports
Thể thao điện tử trong những năm gần đây rất được các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Châu Âu chú trọng phát triển. Ở những quốc gia này, eSports có một vị trí ngang hàng với các môn thể thao thông thường và mang lại thu nhập tương đối lớn cho những người làm eSports.
Tiêu biểu nhất trong các nhóm nghề của eSports là game thủ chuyên nghiệp. Những game thủ có trình độ cá nhân tốt sẽ được chọn lọc để huấn luyện một cách bài bản để thi đấu cho một đội tuyển dưới sự tài trợ của một hoặc một vài thương hiệu nào đó. Những game thủ này được xem như những vận động viên chuyên nghiệp, được trả lương, thưởng, có huấn luyện viên và người quản lí, lịch tập luyện và thi đấu,…
Game thủ chuyên nghiệp cũng là một nghề "hái ra tiền".
Bên cạnh các vận động viên là huấn luyện viên và người quản lí. Huấn luyện viên không cần kĩ năng cá nhân quá cao nhưng phải có tầm nhìn và tư duy chiến thuật độc đáo. Người quản lí sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp các hoạt động của đội cũng như thực hiện các kế hoạch quảng bá hình ảnh đội tuyển và làm việc trực tiếp với các nhà tài trợ.
Về mảng truyền thông, eSports tạo ra những nghề như chuyên viên tổ chức sự kiện và biên tập viên eSports. Những chuyên viên tổ chức sự kiện sẽ là bộ phận xây dựng các buổi offline, các sự kiện quảng bá game hay các giải đấu. Trong khi đó, biên tập viên eSports sẽ theo sát và đưa tin tức về những các game thủ, các giải đấu… để giúp cộng đồng có một cái nhìn toàn cảnh nhất về những hoạt động của eSports.
Làm truyền hình eSports là một hướng đi mới nằm trong mảng truyền thông này. Ngoài những nghề thiên về kĩ thuật, truyền hình eSports mang tới cơ hội cho các game thủ thử sức trong vai trò bình luận viên hay MC. Garena, GameTV, VTC là những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực làm truyền hình eSports ở Việt Nam hiện nay.
Cơ hội nghề nghiệp với eSports tại Việt Nam
Không khó để game thủ Việt Nam hiện nay tìm kiếm những cơ hội làm việc trong ngành game online nói chung và eSports nói riêng. Đầu năm 2012, Garena đã có một bước đột phá khi là công ty đầu tiên sở hữu một đội thể thao điện tử chuyên nghiệp mang tên Saigon Jokers (SAJ). Đội SAJ này hiện đang thi đấu bộ môn Liên Minh Huyền Thoại trong khuôn khổ giải chuyên nghiệp Đông Nam Á và Đài Loan mang tên Garena Premier League.
Những người đam mê eSports và cảm thấy mình có đủ kĩ năng đều có thể thử sức với hàng loạt các bộ môn phổ biến hiện nay như: Liên Minh Huyền Thoại, Đột kích, FIFA, Heroes of Newerth… Các giải đấu được tổ chức hàng tháng bởi VTC hay Garena chính là cơ hội lớn để game thủ có thể khẳng định bản thân và từng bước đi lên chuyên nghiệp. Từ những giải đấu này, các nhà tuyển chọn sẽ tìm ra những game thủ giỏi nhất để mời họ tham gia những đội eSports chuyên nghiệp với đãi ngộ rất cao.
Vừa qua, Garena đã công bố một giải đấu eSports rất hoành tráng mang tên “Hành Trình Huyền Thoại” với tổng giải thưởng lên tới 1 tỉ đồng. Có thể nói, giải đấu này là một dịp rất tốt dành cho các game thủ Việt Nam có ý định xây dựng sự nghiệp eSports của mình. Theo những thông tin Garena cung cấp, giải đấu sẽ diễn ra khắp các thành phố tại cả ba miền của Việt Nam, vì vậy cơ hội có thể nói là chia đều cho tất cả mọi người.
Với những người không muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp, những vị trí như biên tập viên eSports, bình luận viên, chuyên viên tổ chức giải đấu… vẫn đang mở rộng cánh cửa đón chào. Bên cạnh có một công việc được định hướng cụ thể và trả lương bởi các nhà phát hành, các tổ chức eSports, những người làm việc trong lĩnh vực thể thao điện tử còn được đào tạo và rèn luyện nhiều kĩ năng sống rất hữu ích.
Tham gia vào eSports đang là một hướng đi mới lành mạnh và hữu ích cho nhiều bạn trẻ đam mê game ở Việt Nam hiện tại. Chắc chắn, trong tương lai gần, việc tìm một công việc trong lĩnh vực này sẽ không quá xa lạ với game thủ chúng ta. Chỉ cần có đam mê và sự nghiêm túc, bất kì ai cũng có thể sống bằng nghề game một cách đàng hoàng.