Phần tiếp theo của vấn đề đang được bạn đọc quan tâm hiện nay. Như đã giới thiệu ở bài viết trước bạn đã có thể hình dung ra cách kiếm tiền từ việc trao đổi vật phẩm In-game của DotA 2. Trong phần này, chúng tôi sẽ mở rộng ra cho các bạn thêm vài hướng đi mới trong công cuộc kiếm tiền.
Trước khi mở đầu mình giới thiệu một chút qua về hệ thống Steam. Steam là một phần mềm tích hợp điện toán đám mây, với hệ thống trung gian quản lí bản quyền các Game được các nhà phát hành tin dùng nhiều nhất trên thế giới, cùng với nó là tính năng tương tác cộng đồng rất mạnh với số lượng người sử dụng khổng lồ: 40 triệu tính đến ngày 06/01/2012.
Chơi game có bản quyền giá rẻ hay là bán nó đi?
Bắt nguồn từ Team Fortress 2 – một game nổi tiếng của Valve đi đầu trong cuộc cách mạng giúp người chơi kiếm tiền bằng những vật phẩm In-game trong một hệ thống ổn định và phát triển. Cùng với các vật phẩm là mệnh giá như Treasure Key của DotA 2, người chơi có thể dùng nó để trao đổi lẫn nhau bất kì thứ gì có trên Steam.
Ở Steam các Game được mua có 2 lựa chọn, thêm hẳn vào Steam ID của bạn hoặc mua nó dưới dạng Gift dùng để tặng hay trao đổi cho người khác. Điều đó có nghĩa nếu bạn có thể đổi Treasure Key để lấy những Gift Game này. Như vậy Treasure Key không còn đơn thuần là vật phẩm mệnh giá của DotA 2 nữa mà là mệnh giá của cả Steam !
Nếu bạn chịu tìm kiếm thì sẽ không khó để thấy những Group được lập lên trên Steam với những thông tin trao đổi Gift Game đổi lấy Treasure Key DotA 2 được đăng lên rất nhiều. Đặc biệt là những Game có gameplay thiên về Multiplayer như Counter Strike: Global Offensive, Battlefield… Cộng đồng Gamer Việt biết tới Steam cũng đã lâu tuy nhiên số lượng người chơi quan tâm mới thực sự trỗi dậy mạnh mẽ khi DotA 2 ra mắt rộng rãi. Một điểm đặc biệt nữa của Steam là bạn có thể mua và tải bất cứ Game nào có trong danh sách, cho dù đã ra mắt bao lâu đi nữa. Ngoài các đợt giảm giá từ những dịp lễ hội, Steam còn bán Game theo các gói Bundle – hiểu nôm na là tập hợp những Game cũ mà hay với giá rẻ và tất nhiên đều có bản quyền.
Một Page về mua bán của cộng đồng người Việt dùng Steam trên Facebook.
Một số rủi ro và các dịch vụ mở rộng, ứng dụng từ đời sống
Để đáp ứng những nhu cầu của người chơi nhiều dịch vụ trong thị trường buôn bán của DotA 2 xuất hiện. Với số lượng, số tiền nhỏ lẻ nên hình thức dùng thẻ điện thoại để thanh toán đang rất thông dụng, hay để cho những Trader mới bước vào thị trường có “vốn” để kinh doanh thì đã có dịch vụ cầm đồ.
Tuy nhiên vì bản chất chỉ là buôn bán những vật phẩm ảo nên không có những điều luật quy định, ràng buộc để đảm bảo tính pháp lí cho người mua lẫn người bán. Người chơi dựa trên chữ tín của nhau để giao dịch, từ đó hình thành các Middle Man – những người trung gian có uy tín đứng ra trợ giúp, thường là Admin cho tới Mod của những diễn đàn lớn.
Rủi ro tiếp theo có thể nhận phải là bị khóa tài khoản Steam khi trao đổi phải những vật phẩm bị ăn cắp. Thị trường trao đổi trong Game với những vật phẩm có giá trị quy đổi ra tiền mặt cao luôn là miếng mồi ngon của các Hacker, vì thế hãy cẩn thận khi giao dịch với những thứ có giá quá rẻ. Valve luôn muốn người chơi trân trọng với tài khoản Steam của mình nên đi kèm những tính năng ưu đãi là những hình phạt rất nặng cho những ai vi phạm.
An toàn hơn với thị trường ảo của chính Steam
Hiện nay Steam đang thử nghiệm hệ thống thị trường trao đổi qua lại từ tiền mặt với Item. Đối với những Item có chức năng Marketable thì bạn có thể đăng bán nó ra với giá do bạn tự đặt, số tiền bán ra được cho vào Steam Wallet. Ở bản thử nghiệm này, tối đa bạn chỉ có thể đăng bán $200 cho mỗi Item và Valve lấy 5% làm phí bảo đảm. Một khó khăn là chỉ những tài khoản Steam có Add Fund mới có thể bán được, nhưng sẽ không lâu nữa khi Valve đang rục rịch chuẩn bị tiến vào Việt Nam – một trong những thị trường tiềm năng nhất ở Đông Nam Á.
Để biết Item nào là Marketable bạn sử dụng bộ lọc của Steam theo cách sau Steam Profile -> Inventory -> Show Advanced filters… -> Tick vào ô Marketable.