Hướng dẫn nhập môn League of Legends (Phần II)

Ú Ú  | 19/11/2011 10:00 AM

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trang bị cho độc giả hành trang để sẵn sàng chiến đấu trong thế giới Chiến Thần.

Tại bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách làm quen với giao diện và các chức năng của Chiến Thần. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng chuẩn bị hành trang và bước vào trận đấu đầu tiên nhé!

1. Mua đồ trang bị trước khi ra trận.

Trong Chiến Thần, để mua được item, bạn hãy nhấn chuột trái vào cửa hàng hoặc ấn phím tắt là “P” để mở giao diện.
 
Khởi đầu, bạn sẽ có 475 vàng. Vàng có thể kiếm được bằng nhiều cách: last-hit (đòn đánh kết liễu) minion (quân lính) hoặc các neutral creeps trong rừng, trực tiếp hoặc trợ giúp hạ gục champion đối phương, phá được trụ, mặc định tăng 1 vàng 1 giây.
 

Giao diện cửa hàng trong Chiến Thần.

Hệ thống item được chia làm 4 khu vực chính:
 
- Defense (phòng thủ) gồm: Heath (tăng lượng máu cơ bản), Magic Resist (giáp kháng phép), Heath Regen (hồi máu), Amor (giáp vật lý).
 
- Attack Damage (mọi item liên quan đánh tấn công vật lý) gồm: Damage (sát thương vật lý), Critical Strike (chí mạng), Attack speed (tốc độ tấn công), Life Steal (hút máu).
 
- Magic (mọi item liên quan đến phép thuật) gồm: Ability Power (sát thương phép thuật), Cooldown Reduction (giảm thời gian hồi chiêu), Mana, Mana Regen (hồi mana).

- Movement (tốc độ di chuyển) gồm: các loại giầy cơ bản và các item có chỉ số phụ tăng tốc độ di chuyển.
 
- Consumable (đồ hỗ trợ) gồm: các bình máu, mana, bình tăng lực, ward...
 
Nếu bạn là người mới chơi, nhà phát triển game đã gợi ý sẵn những item nào cần lên cho từng champion. Các item lớn trong champion được cấu tạo từ các item nhỏ ghép thành. Điểm đặc biệt của Chiến Thần là bạn không thể vứt đồ ra khỏi champion, vì vậy hãy cân nhắc mua item nào trước để có hiệu quả hơn.
 

 Hãy cân nhắc mua item nào hiệu quả hơn.
 
Với 475 vàng lúc đầu, bạn có nhiều cách để mua item. Hãy tích trữ một đến hai bình máu để có trụ lại được lâu hơn, vì cấp độ của champion trong Chiến Thần rất quan trọng. Kĩ năng phép của bạn càng khỏe thì càng dễ hạ gục đối phương.

Nếu bạn bị chết quá nhiều hoặc không farm được, bạn có thể lên các item cộng vàng theo thời gian, giá rẻ mà lại hiệu quả, giúp bạn “tích tiểu thành đại” để lên các item xịn hơn.
 
2. Tăng điểm kĩ năng và những đặc điểm của phép.
 
Sau khi chuẩn bị xong đồ đạc, bạn có thể bắt đầu tăng điểm kĩ năng. Mỗi champion có tổng cộng 5 kĩ năng, gồm: một kĩ năng bẩm sinh (passive), ba kĩ năng đầu có thể học ngay tại cấp 1 và kĩ năng cuối (ultimate) học được ở cấp độ 6 của champion. 


Các thông tin cơ bản của một kĩ năng.
 
Nếu bạn đang làm quen với một champion mới, hãy cộng thử mỗi kĩ năng một điểm để nắm được cách hoạt động. Nhà phát triển Chiến Thần còn chủ động cân bằng game bằng việc giảm thời gian hồi chiêu ngắn lại và tăng lượng mana dồi dào hơn. Việc làm này cho phép các bạn sử dụng kĩ năng liên tục để quấy rối và “rỉa máu” đối phương.
 
Thông thường, các kĩ năng đầu tiên trong Chiến Thần thường là các kĩ năng ít tốn nhất, vì vậy hãy chủ động dùng liên tục. Một số champion còn có passive đặc biệt, hỗ trợ cho bộ kĩ năng combo của chúng.
 

Sử dụng kĩ năng để farm tiền hoặc “rỉa máu” đối thủ.
 
Mẹo nhỏ: Hãy học cách sử dụng khôn ngoan hai Spell phụ để lừa đối thủ khi cần thiết.

3. Chọn đường đi – lính và trụ – bụi rậm.
 
Khi đã chọn kĩ năng và trang bị xong, đã đến lúc bạn chọn mình đi đường nào. Trong Chiến Thần có ba đường: top (trên), mid (giữa) và bot (dưới). Phân chia giữa hai bản đồ là dòng sông, khi bước sang lằn ranh này là lãnh địa của kẻ địch và hãy cẩn thận. Đối thủ có thể núp trong bụi rậm hoặc vòng ra sau để tiêu diệt bạn.

Một đặc điểm nữa trên chiến trường bạn cần biết đó là Bursh (bụi rậm). Đây là những bụi cỏ cao quá đầu nằm rải rác trên toàn bản đồ. Khi các champion đứng trong đó, người đứng ngoài sẽ không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu bạn đứng từ trong bụi rậm bắn ra, bạn sẽ bị phát hiện. Nếu đã thành thạo trong trận đấu, bạn có thể lợi dụng chúng để lừa đối phương.
 

Hãy cẩn thận với các bụi rậm trong Chiến Thần.
 
Tiếp đến là đặc điểm về lính và trụ trong Chiến Thần. Cả lính và trụ đều có cơ chế bảo vệ người chơi khi nhận sát thương từ đối phương. Bởi vậy, khi đối thủ đang đứng trong tầm bảo vệ của trụ, bạn hãy đánh trụ hoặc lính, thay vì đánh champion.

Khi đã đạt được cấp độ và trang bị kha khá, đây là lúc bạn quan tâm đến đồng đội của mình. Chú ý trên mini-map nếu có đối thủ nào đang lên quá cao, bạn hãy vòng ra sau và ấn phím “G” báo cho đồng đội cùng phối hợp để hạ gục champion đó.
 

Vòng ra sau để cùng bắt đối phương.
 
Nếu hạ gục đối phương thành công, đây là cơ hội để bạn và đồng đội phá các trụ rìa ngoài. Sau khi phá trụ, cả đội sẽ được cộng thêm 100 vàng cho mỗi thành viên.
 
Mẹo nhỏ: Trong Chiến Thần, ward rất rẻ với giá 75 đồng. Mỗi khi về nhà, bạn nên cầm từ một đến hai ward theo, cắm tại các bụi rậm xung quanh khu vực mình đứng hoặc trong rừng đối thủ để nắm được hoạt động của đối thủ.
 
4. Nhà lính và nhà chính.
 
Sau khi “xử lý” xong các trụ phía bên ngoài, đây là lúc bạn và đồng đội đoàn kết với nhau để giành lấy chiến thắng. Nếu phá được trụ thứ ba và nhà lính của đối phương, bạn sẽ có lợi thế hơn khi lính siêu cấp xuất hiện để trợ giúp bạn.
 

Phá hủy nhà lính để xuất hiện lính siêu cấp.
 
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Chiến Thần so với các tựa game khác là nhà lính có thể hồi sinh sau một khoảng thời gian. Đây là một con dao hai lưỡi, vì vậy bạn không nên chủ quan trong bất kì trường hợp nào.

Mục tiêu cuối cùng của trận đấu đó chính là Nexus – nhà chính. Nhà chính sẽ được bảo vệ bởi hai trụ mạnh nhất, và đặc biệt là trụ này có thể hồi máu theo thời gian. Trong Chiến Thần sẽ không có khái niệm “mega-creep” khi phá hủy thành công 3 lane như DotA. Vì vậy, khi có được thời cơ tốt, hãy phá thẳng vào nhà chính đối phương để dứt điểm trận đấu.
 
Mục tiêu cuối cùng của Chiến Thần – the Nexus.
 
Vậy là chúng ta đã kết thúc bài học cơ bản khi bước ra chiến trường Chiến Thần. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những bài viết hướng dẫn thú vị trong thời gian sắp tới.