Hành trình trở thành game thủ chuyên nghiệp: Khó khăn và thử thách

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/08/2015 07:01 PM

Bài viết này sẽ tìm hiểu về cuộc sống của những game thủ chuyên nghiệp ngày nay, những khó khăn và những sự hy sinh mà họ phải đánh đổi để theo đuổi công việc rất “mạo hiểm” này.

Được trả tiền để chơi game có vẻ là công việc thoải mái nhất trên thế giới. Không cần phải lo các báo cáo, bài luận, các cuộc họp căng thẳng, chỉ cần thức dậy, chuẩn bị môt buổi ăn sáng nhanh, khởi động Steam hay Garena rồi sau đó tập trung hoàn toàn vào game.

Screen Shot 2015-08-14 at 12.13.09 PM.

Chuyện quần áo, vệ sinh cá nhân không còn quá quan trọng. Nhìn chung, đó là hình ảnh chung của những game thủ chuyên nghiệp - và theo nhiều người thì nó không khác gì những người vô công rồi nghề. Tuy nhiên, mọi thứ rất khác so với những gì ta quan niệm, game thủ giờ đây đang trở thành những triệu phú, đúng vậy, các bạn không đọc nhầm đâu, họ kiếm cả triệu USD từ chính việc mà ta chỉ coi là giải trí đơn thuần: chơi game.

Bài viết này sẽ tìm hiểu về cuộc sống của những game thủ hiện đại ngày nay, những khó khăn và những sự hy sinh mà họ phải đánh đổi để theo đuổi công việc rất “mạo hiểm” này.

Những thử thách và khó khăn

1. Gia đình, người thân và tuổi tác

Nhằm có được cái nhìn rõ ràng và chi tiết nhất, trang The Verge đã cùng trò chuyện với hai game thủ Dota 2 nổi tiếng: Peter Dager (22 tuổi, nickname trong game là ppd, là đội trưởng của team Evil Geniuses - EG) và Saahil Arora (25 tuổi, nickname là UNiVeRsE, thành viên ở vị trí offlane của team EG). Mặc dù có tuổi đời rất trẻ nhưng cả hai anh chàng này đã gặt hái vô vàn thành công, đặc biệt là chức vô địch hơn 6 triệu USD tại giải Dota 2 The International 5 do Valve tổ chức vừa qua. EG đã có chiến thắng thuyết phục trước đội game CDEC Gaming đến từ Trung Quốc, qua đó ẵm trọn chiếc khiên Aegis danh giá nhất của giới Dota 2.

Và để đạt được những thành công vang dội như bây giờ, cả Peter và Saahil nói riêng cũng như những game thủ chuyên nghiệp khác nói chung phải đánh đổi rất nhiều thứ. Cuộc sống của những người theo đuổi nghiệp game đòi hỏi những kỷ luật không bình thường và sự kiên trì, bởi những rào cản để vươn đến thành công ở thế giới game thủ sẽ thực sự rất đáng sợ.

maxresdefault.

Cụ thể như thế nào, những bậc phụ huynh sẽ không coi trọng bất kỳ những gì bạn làm, người hâm mộ không thấu hiểu mỗi khi bạn thua cuộc, và phần lớn tiền thưởng sẽ chỉ dành cho những ai giỏi nhất. Thế nhưng, khó khăn không thể nào ngăn cản được đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ. Tinh thần đồng đội, niềm nhiệt huyết, và đặc biệt hơn khi e-Sport đang ngày càng được chấp nhận như một bộ môn thể thao chính thống, tất cả sẽ giúp cho con đường trở thành game thủ trở nên dễ dàng hơn nhưng cũng cạnh tranh hơn.

Vào năm ngoái, để quảng bá cho sự kiện The International 4, Valve đã cho ra mắt ba đoạn video phóng sự về cuộc đời của ba game thủ gạo cội trong giới Dota 2: Fear (Mỹ), Benedict Lim (hyhy, Singapore) và Danil Ishutin (Dendi, Ukraina).

Có một chi tiết mà nhiều người sẽ nhận ra rằng đó là: mặc dù khác nhau về hoàn cảnh sống cũng như nguồn gốc phát triển, cả ba đều có điểm chung đó là họ phải đối mặt với sự không đồng tình của người thân xung quanh. Đặc biệt là Fear và hyhy, cả hai phải đối diện với sự phản đối mạnh mẽ từ cha mẹ và những người họ hàng thân cận, bởi thể thao điện tử vẫn còn là một điều gì đó “quá khó để mang lại thành công” mà các bậc phụ huynh có thể tin tưởng. Trở thành người đi đầu đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở nên lẻ loi, ít nhất là bạn sẽ không còn nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ phía người thân.

Những rào cản để trở thành một game thủ chuyên nghiệp chính thống rõ ràng đang trở nên bớt khắc nghiệt hơn nhờ vào mức tiền thưởng lớn, khán giả ủng hộ đông đảo của những giải đấu. Bai Fan (nick name rOtK) cho biết anh ấy chỉ thực sự nói chuyện trở lại với gia đình mình sau khi đã gặt hái được một số thành công nhất định ở nghiệp game thủ.

Và giờ đây, cha của rOtK là fan ruột của anh ấy, luôn theo dõi mỗi khi anh ấy thi đấu, nhưng nhìn chung sự chấp thuận sẽ tốn rất nhiều thời gian và vô cùng gian nan. Cho dù vậỵ, có một sự an ủi lớn đó là khi mà mọi người đều chia sẻ chung sự gian khổ để trở thành game thủ chuyên nghiệp, tình bạn của họ trở nên đằm thắm và gắn kết hơn.

Tương tự như những môn thể thao khác, Dota 2, League of Legends, Starcraft hay CS:GO dành cho những game thủ trẻ tuổi. Cả Universe và ppd đều không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục sự nghiệp Dota 2 đỉnh cao ở độ tuổi 30. Ngay cả Clinton Loomis (nickname là Fear, vị trí carry của team EG) dù 26 tuổi nhưng cũng được gọi với cái tên thân mật là “Old Man Dota”. Fear đã tham gia tổng cộng 3 kỳ The International (TI), ở TI4 thì Fear không thể tham gia trực tiếp cùng đồng đội do chấn thương khuỷu tay.

Đến đây thì sẽ có nhiều bạn thắc mắc tại sao hơn 30 tuổi hay già hơn thì không thể tham gia chơi game chuyên nghiệp? Với nhiều người thì game chỉ mang tính giải trí, lúc chơi chúng ta thoải mái và thư giãn. Tuy nhiên game ở mức độ cạnh tranh, ở cái mức mà chỉ một sơ suất là bay mất cả triệu USD thì lại khác, nó đòi hỏi phản ứng nhanh của đôi tay, và sự minh mẫn, tập trung tuyệt đối của đầu óc, của sức trẻ. Chính vì vậy, những game thủ trẻ tuổi thường mang đến sự mới lạ và nhaỵ bén hơn - điển hình nhất là game thủ đi Mid của team EG, Suma1l mới chỉ ở độ tuổi 15, 16.

2. Luyện tập mỗi ngày và mối quan hệ với người hâm mộ

Chưa hết, tất cả những người chơi game chuyên nghiệp đều phải đối mặt với một cơn ác mộng rất “phổ biến”. Cụ thể hơn là những buổi stream trên Twitch vào buổi tối khuya hoặc stream liên tục nhiều giờ đồng hồ, và những buổi stream này dường như là điều bắt buộc. Vì sao? EG và những đội game lớn khác phải làm việc chăm chỉ để đánh bóng trang cá nhân của các game thủ, thu hút nhiều người hâm mộ hơn đến với các kênh mạng xã hội, cũng như thu hút nhiều lượt xem video stream.

Như là điều tất yếu, các game thủ nổi tiếng sẽ trở nên gần gũi hơn với người hâm mộ, mặc dù nhiều lúc họ cũng tỏ ra tự cao tự đại và nói nhiều câu thô lỗ, khó nghe (bạn nào hay xem stream Dota 2 trên Twitch của Secret.Arteezy hay SingSing thì sẽ rõ). Tất nhiên có yêu thì cũng có ghét, tại các sự kiện game lớn, “có rất nhiều cơ hội để game thủ có thể nghe thấy những lời chỉ trích, đặc biệt là khi giao lưu trực tiếp với khán giả”, ppd cho hay.

Screen Shot 2015-08-14 at 12.27.54 PM.

Những đội thể thao điện tử Trung Quốc thì lại có cách đào tạo bài bản hơn, họ thường cho toàn đội sống chung và sinh hoạt dưới một mái nhà trong năm. Người Trung Quốc nghĩ rằng sẽ không có phương pháp nào thực sự hiệu quả, trừ khi tất cả 5 game thủ luyện tập chung một phòng, làm việc như một đội thống nhất. Và quả thật, cách đào tạo của họ đã mang lại những thành quả rất đáng khen ngợi: Chung kết TI4 của những người Trung Quốc, và ở TI5 thì Trung Quốc vẫn tiến rất sâu với LGD Gaming và CDEC Gaming.

Ppd nói rằng anh cảm thấy như “rã rời” cơ thể trong buổi chiều, sau ít nhất 6 tiếng luyện tập với đội mỗi ngày. Chưa hết, một số game thủ khác còn phải stream trên Twitch vào buổi tối nhằm phục vụ khán giả và fan hâm mộ. Universe nói thêm rằng, sẽ không có một khái niệm nào gọi là ngày nghỉ trong giới game thủ; tất cả sẽ nghỉ ngơi một chút sau kỳ The International, rồi tiếp tục một năm hoàn thiện kỹ năng cá nhân cùng chiến thuật chung cho cả đội.

Tuy mệt mỏi như vậy nhưng vẫn có sự hấp dẫn của việc stream game trực tuyến, theo lời của bình luận viên Dota 2 nổi tiếng Toby Dawson, đó là “thế giới trực tuyến sẽ cho người xem sự tương tác theo thời gian thực và những trải nghiệm thuần khiết nhất, tất cả khiến cho nó trở nên lôi cuốn”. Hấp dẫn là thế, nhưng khi khán giả quá nhạy cảm hay có ấn tượng xấu khi tương tác với game thủ, mối quan hệ hai bên sẽ trở nên tồi tệ. Điều tệ hại đó là sự đam mê những người chơi trẻ tuổi - những người đang từng bước phát triển cả về kỹ năng lẫn cảm xúc bên trong cơ thể - có thể bị ảnh hưởng không tốt bởi các lời bình luận bởi những nhóm người xem tỏ ra không thích, hay những lời chỉ trích của những “bình luận viên vô danh”.

3. Sự hấp dẫn của đồng tiền đen

Mặc khác, những con đường tắt để đi đến thành công về mặt tài chính luôn là một thứ gì đó như ma tuý, rất hấp dẫn người chơi game chuyên nghiệp. Universe thừa nhận anh đã hai lần bị tiếp cận liên quan đến việc bán độ, theo đó anh phải thua một trận quan trọng để nhận được tiền. ppd cũng gặp tình huống tương tự, khi nhiều người thúc giục anh thắng hoặc thua một trận nào đó, tuỳ thuộc vào trận đó họ có cá cược hay không. Một vài trong số những lời đề nghị trên là vô thưởng vô phạt, nhưng tất nhiên, tình trạng đút lót để game thủ bán độ đang ngày một tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh các giải đấu e-Sport đang phát triển rầm rộ.

4. Phân biệt giới tính

Một rào cản cũng rất lớn nữa để trở thành một game thủ chuyên nghiệp đó là giới tính. Trong năm kỳ Dota 2 The International do Valve tổ chức, không có bất kỳ một game thủ nữ nào tham gia. Những giải đấu lớn của tựa game League of Legends cũng không khác là mấy.

jorien-“sheever”-van-der-heijden.

Lý do ở đây là gì? Nhiều người sẽ cho rằng có thể kỹ năng của nữ giới không cao như nam giới, độ nhạy bén và khả năng xử lý tình huống không tốt bằng. Nhưng đó có lẽ là do chúng ta nhận định, lý do chính nhiều khả năng là do những giao tiếp trong game - chúng thường rất thô tục và đôi lúc mang hàm ý phân biệt. Chính những điều đó đã khiến cho các game thủ nữ tin rằng họ khó có thể vượt qua được những rào cản đó để trở thành các tên tuổi lớn.

Thực tế thì Valve cũng nhận thức được điều này khi cho một vài bóng hồng vào các sự kiện The International, như Jorien van der Heijden (nickname là Sheever) đảm nhiệm vị trí phân tích trận đấu.

Vấn đề tài chính và nhà tài trợ

“Một khi bạn đã đạt đến đỉnh cao của sự cạnh tranh, bạn sẽ nghĩ có lẽ mình nên đưa điều này lên một tầm cao mới, nơi mà sở thích giờ đây sẽ là một công việc đích thực”, ppd tâm sự về hành trình dài để có được vị trí đội trưởng của một đội game chuyên nghiệp như ngày nay. ppd thực chất bắt đầu sự nghiệp game thủ của mình ở tựa game Heroes of Newerth, và đã hình thành nên niềm đam mê cũng như những kỹ năng cần thiết qua hơn 6 năm. Universe cũng trải qua một khoảng thời gian tương tự như vậy.

Vậy làm sao để như ppd nói, đó là đưa sở thích hằng ngày trở thành một công việc kiếm tiền? Điều quan trọng ở đây đó là sự phụ thuộc vào những ai sẽ phát hiện tài năng và tuyển dụng bạn để thành lập nên một team e-Sport chuyên nghiệp. Hiện tại thì có khá nhiều tổ chức lớn về thể thao điện tử như Natus Vincere, Evil Geniuses, Cloud9 Gaming hay Virtus Pro. Những tổ chức này sẽ trả lương cho các đội ngũ ở nhiều bộ môn khác nhau như Dota 2, League of Legends, StarCraft II, Call of Duty hay CS:GO).

Coca-Cola-Partnered-with-Riot-Games-Sponsors-League-of-Legends-Challenger-Series-419720-2.jpg.

Nếu như không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào về tài chính từ các nhà tài trợ hay các tổ chức game nói trên, về cơ bản, bạn sẽ không thể nào hoàn thiện các kỹ năng của mình ở cấp độ cao nhất - chỉ đơn giản là bạn không có động lực để làm việc đó.

Dành thời gian cho những trận đấu đỉnh cao thay vì học tập, công việc là việc làm rất không thường thấy ở Mỹ, bởi các trận đấu hấp dẫn thường diễn ra vào buổi sáng. Tóm lại, một là all-in còn không là all-out, bạn phải xác định rõ mình có dám chấp nhận bước vào giới game thủ hay không bởi bạn không thể có đủ thời gian để luyện tập và học/làm việc.

“Ngành công nghiệp này vẫn còn trẻ và đang di chuyển với tốc độ của sự kiệt sức”, Dan Chou thừa nhận, và “bởi những tâm lý chung, rất nhiều game thủ trẻ tuổi và những ai có niềm đam mê lớn đang được tận dụng”. Vẽ ra một bức tranh mà trong đó “các tổ chức vẫn còn lỏng lẻo trong cách làm việc, khi mà các hợp đồng vẫn là những mẩu giấy”, Chou nói rằng vẫn còn rất nhiều quá trình cần được thực hiện để đảm bảo các game thủ được đối xử một cách đúng chuẩn mực.

11057959_962712717104667_5106357014091004137_n.

Thật là dễ dàng để các game thủ cảm thấy biết ơn khi nhận lương từ các tổ chức bảo trợ, nhưng họ lại không hề quan tâm đến việc họ đang bị bóc lột như thế nào. Đây chính là lý do mà có một đội game không có nhà tài trợ chính nào ở Dota 2 được thành lập: Team Secret. Lý do mà họ đưa ra rất đơn giản: họ không muốn tiền thưởng từ các giải game bị ăn bớt bởi những tổ chức đứng sau, họ mong muốn các game thủ xứng đáng nhận hết những công sức mà mình bỏ ra.

Tuy nhiên, dù có đam mê hay được đào tạo bài bản như thế nào đi chăng nữa, tiền thưởng vẫn là thứ hấp dẫn game thủ nhất. Universe thừa nhận rằng anh ấy sẽ không bỏ ra quá nhiều công sức vào Dota 2 nếu như không có The International với tiền giải tăng theo cấp số nhân, cùng với đó là số tiền tài trợ từ đội EG.

Để các bạn rõ hơn về mốc tiền thưởng của Dota 2 The International, đây là giải đấu Dota 2 lớn nhất trong năm do Valve tổ chức. Nó bắt đầu vào năm 2011 với giá trị giải thưởng lên đến 1,6 triệu USD, năm 2012 vẫn là 1,6 triệu USD, năm 2013 là gần 3 triệu USD, đến năm 2014 thì nó đã nhảy lên đến hơn 10 triệu USD. Và cuối cùng là năm 2015 với The International 5 vừa rồi, tổng giá trị giải thưởng đã đạt hơn 18 triệu USD (tính đến thời điểm hiện tại). Nếu vẫn chưa thấy con số 18 triệu USD là quá lớn, thì các bạn hãy xem biểu đồ so sánh một giải đấu game với các môn thể thao thông thường khác ở dưới đây.

Dota2-TI5-prize-pool-How-it-compares-with-10-traditional-sports-m1.

Đó là về mặt giải thường, còn số lượng người xem thì sao? Theo những thông tin mà mình biết được thì có khoảng gần 5 triệu người xem trận chung kết tổng giữa EG và CDEC Gaming của giải Dota 2 The International 5.

Còn đối với League of Legends World Championships Season 3 vòng chung kết (giải do Riot Games tổ chức) hồi năm 2014, có hơn 27 triệu lượt xem, thực tế thì con số này ít hơn 32 triệu lượt xem vào năm 2013. Chính nhờ lượng khán giả khổng lồ, sự cạnh tranh cao độ nhờ vào giải thưởng hấp dẫn, tất cả đã hấp dẫn những nhà tài trợ (mặc dù không liên quan đến ngành công nghiệp game) như Coca-Cola hay American Express.

Thực tế thì cho dù là phương pháp của Valve - là bỏ một phần tiền rồi kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng người chơi Dota 2 - hay cách làm của Riot Games với League of Legends (trả trực tiếp cho game thủ), khả năng tài chính của nền e-Sport và các đội game luôn được cải thiện một cách đều đặn. “Tại thời điểm này, rất nhiều người than phiền rằng chỉ một phần trăm nhỏ những game thủ đỉnh cao mới có thể có được cuộc sống ổn định, tuy nhiên con số đó đang tăng lên theo từng năm”, Dan Chou, một bình luận viên e-Sport chuyên nghiệp cho biết. Anh ấy còn tin rằng “e-Sport thì tương tự như Hollywood hoặc những ngành công nghiệp giải trí khác”, nơi mà những người xuất sắc hơn cũng dành phần lớn tiền thưởng.

Kết

Tóm lại, thể thao điện tử vẫn là một “nền công nghiệp của sự đam mê”. Nó có thể mang lại vinh quan và tiền bạc cho một số ít game thủ tài năng, nhưng rất nhiều người vẫn mong muốn theo đuổi e-Sport một cách nghiêm túc, hơn là xem nó như một sở thích, bởi họ nghĩ nó khiến cho bản thân cảm thấy hài lòng. Khó khăn và thử thách luôn luôn hiện hữu nếu như bạn muốn trở thành một game thủ, nhưng chỉ cần giữ vững niềm đam mê, cộng thêm tài năng thiên bẩm, bạn sẽ có được những gì mình đáng nhận được vào một ngày không xa.

Trở thành một chuyên gia, trở nên chuyên nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào đều đỏi hỏi cá nhân phải luyện tập chăm chỉ, phải đam mê, và phải biết chấp nhận rủi ro cùng sự hy sinh. Game thủ có lẽ là những người hiểu rõ những điều đó nhất, họ luôn phải cải thiện bản thân qua từng ngày, vì họ biết rằng thành công và thất bại trong một trận đấu game sẽ được quyết định trong từng bước di chuyển, từng suy nghĩ dù là nhỏ nhất.

(Tham khảo Tinh Tế)