Vấn đề hack/cheat trong game online Việt Nam không còn xa lạ với các game thủ cũng như các nhà phát hành. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong khi các nền game online phát triển kiên quyết nói đấu tranh đến cùng với hacker/cheater, thì game online Việt Nam lại tỏ ra “sống vui, sống khỏe” với căn bệnh nan y này.
Các game online Việt Nam ngập tràn hack/cheat
Chỉ cần một thao tác đơn giản với công cụ tìm kiếm Google, người chơi có thể dễ dàng tìm thấy vô số thông tin về các công cụ hack, cheat, auto… trong game online Việt Nam. Như một khối ung thư phát triển dần dần qua năm tháng, các công cụ hack/cheat đã dần dần xâm chiếm, chèn ép sự phát triển của game online Việt Nam. Trong giai đoạn 2005-2006, khi những mầm mống của hack/cheat mới manh nha xuất hiện thông qua những công cụ như Hack Speed trong MU, Auto trong Võ Lâm, Auto PK…, một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía người chơi và những nhà phát hành đã được dấy lên.
MU từng điêu đứng với vấn nạn hack.
Cuộc chiến giữa những người bảo vệ game online và bộ phận người chơi sử dụng hack/cheat đã nổ ra, kéo dài đến hết năm 2008. Thị trường game online Việt Nam tương đối phức tạp và khốc liệt đã lái cuộc chiến này đi theo một hướng tiêu cực đáng sợ. Thay vì cùng chung tay xây dựng một nền game online trong sạch, không ít nhà phát hành đã cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách khai thác lỗi game của nhau và tung ra hàng loạt những công cụ hack làm suy yếu đối thủ.
Không chỉ dừng lại ở đó, để thu hút thêm người chơi, các nhà phát hành còn “thả rông” các công cụ hack/cheat để biến cac game online trở thành các món “mì ăn liền” dễ dàng cho các game thủ. Từ việc Vinagame (nay là VNG) cho phép người chơi thỏa sức dùng Auto, cho đến việc VTC bất lực trước hack ở CrossFire, Audition,.. hay Asiasoft đóng cửa những game hấp dẫn như Gunbound, Cabal vì hack/cheat, là hiện trạng đáng buồn trong suốt một thời gian dài.
NPH gần như bó tay với những trường hợp hack như thế này.
Không còn niềm tin từ các nhà phát hành, các game thủ Việt Nam đành chấp nhận “sống chung với lũ” bằng cách sử dụng công cụ hack/cheat nếu không muốn bị bỏ xa trong các cuộc đua Top, cày cấp. Bộ phận những người kiên quyết chống lại hack/cheat đã rời bỏ các server Việt Nam, tìm niềm vui mới trong các game online nước ngoài, để lại một bộ mặt game online nội địa u ám và đáng buồn.
Sự hoành hành của Hack/Cheat trong các bộ môn eSports
Không chỉ dần dần bóp chết các game online, căn bệnh hack/cheat còn tác động mạnh tới sự phát triển của thể thao điện tử. Trong số đó, hai bộ môn thể thao điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam là DotA và Đế Chế đã bị cơn bão hack tàn phá nặng nề. Với DotA, đó là những công cụ như hack-map, custom-kick,… Những công cụ này không làm cho người chơi giỏi hơn, mà ngược lại, nó thu hẹp khả năng tư duy của các game thủ. Nhưng vì sĩ diện hão cá nhân, các game thủ thi nhau sử dụng hack để đánh bại đối thủ một cách dễ dàng hơn.
Một bản hack map DotA được đông đảo người chơi sử dụng.
Đế Chế (Age of Empires) cũng không có một kết cục tốt đẹp hơn. Các trò hack soi bản đồ, hack “xin dân”… đã biến bộ mặt của cộng đồng eSports lâu đời nhất Việt Nam xấu đi trầm trọng. Là những game có tuổi đời phát triển tương đối lâu dài và không còn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà phát triển, DotA và Đế Chế gần như không có cơ hội chống lại những kẻ hack/cheat, ngoài một niềm tin le lói vào sự thay đổi của cộng đồng.
Một tương lai tăm tối dành cho game online Việt
Giải quyết nạn hack/cheat vẫn là bài toán khó cho các nhà phát hành game online Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về kĩ thuật và cạnh tranh kinh doanh, ý thức của game thủ Việt Nam vẫn ở mức độ thấp. Game thủ Việt có thể tựu trung lại với năm đặc điểm: Thích đồ rẻ (miễn phí thì càng tốt!), có mới nới cũ, dễ dãi với các công cụ hack/cheat, ích kỉ và đôi khi hơi thủ đoạn.
Ý kiến trên về game thủ Việt Nam có thể nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng một điều không thể phủ nhận: Game thủ Việt Nam bị đánh giá rất thấp trong nền game online khu vực và thế giới. Vì ngại bỏ công sức, ngại tư duy, vì tư tưởng luôn muốn làm “trùm”, game thủ Việt Nam đã và đang tiếp tay cho những công cụ hack/cheat được thoải mái hoành hành. Trong khi đó, phong trào chống hack/cheat rầm rộ một thời dường như đã bị dập tắt từ lâu và rơi vào lãng quên.
Trào lưu Webgame nổi lên trong khoảng một năm gần đây không giúp gì nhiều cho game online Việt Nam, trái lại, nó còn là mảnh đất màu mỡ cho hack/cheat “làm tổ”. Những game hoành tráng, được bảo mật vững chắc còn không đứng vững trước những kẻ dối trá, thì làm sao có thể mong chờ sự “trong sạch” từ các webgame đơn giản. Có thể nói, các webgame chỉ làm cho bức tranh game online Việt Nam thêm đáng buồn.
Chỉ cần vài thao tác search google đơn giản là chúng ta đã có thể tìm kiếm hàng loạt công cụ hack.
Hiện trạng game online Việt Nam đang không cho thấy bất kì một điểm sáng nào trong việc ngăn chặn căn bệnh hack/cheat ngày một tồi tệ. Hàng ngày, game thủ Việt Nam vẫn khoái trá sử dụng hack/cheat đến nỗi, ai cũng công nhận rằng: “Chơi game online mà không dùng hack thì chỉ có thiệt thân!”. Đại bộ phận các game thủ Việt Nam ngày nay chỉ online để thi xem ai biết sử dụng nhiều công cụ hack hơn, ai hack giỏi hơn, chứ không còn hứng thú với bất kì điều gì trong game.
Game online Việt Nam đang đứng trước một tương lai mù mịt khi cả nhà phát hành lẫn cộng đồng game thủ ngày càng lún sâu vào vũng bùn hack/cheat. Cứ đà này, chẳng mấy chốc, các game online Việt Nam sẽ cho hack thoải mái để “ai ai cũng được bình đẳng”. Nếu viễn cảnh trên trở thành sự thật, đó sẽ là dấu chấm hết đau đớn cho nền game online Việt của chúng ta.