[GameK Tiểu Sử] World Cyber Games – Sứ mệnh của người tiên phong

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/10/2015 03:19 PM

Với sứ mệnh của người tiên phong, World Cyber Games đã nâng cao vị thế của thể thao điện tử và khiến bộ môn này được xã hội công nhận.

Lịch sử hình thành và phát triển

World Cyber Games (WCG) là một sự kiện thể thao điện tử mang tầm cỡ quốc tế được điều hành bởi công ty World Cyber Games Inc (Hàn Quốc) dưới sự tài trợ của Samsung và Microsoft. Kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 với sự tham dự của 174 vận động viên đến từ 17 quốc gia. Đây được xem như cột mốc khởi đầu quan trọng, đánh dấu bước nhảy vọt lớn trong lịch sử phát triển của cộng đồng eSports thế giới.

Kể từ khi được thành lập, World Cyber Games luôn được xem như sự kiện eSports số một hành tinh. Với vị thế như một đại hội Olympics dành riêng cho các môn thể thao điện tử, đây là nơi quy tụ của những tay chơi hàng đầu trên thế giới. Từ năm 2001 – 2009, Hàn Quốc đã có 5 lần về nhất toàn đoàn, tiếp sau là Mỹ với 2 lần, Đức và Hà Lan mỗi nước cũng có 1 lần đứng trên ngôi vị cao nhất.

Không chỉ là một đại đấu trường, nơi các vận động viên hàng đấu thế giới tranh tài để giành huy chương, WCG còn là một ngày hội lớn của ngàng công nghiệp game nói chung và thể thao điện tử nói riêng. Với sự góp mặt của những “ông trùm” trên lĩnh vực trò chơi điện tử, họ tổ chức các cuộc hội thảo, quảng bả và diễn thuyết cùng sự tham gia của những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới. Tại đây, những vấn đề chính chủ yếu xoay quanh về hiện tại và tương lai của eSports cũng như những tác động mang tính văn hóa của nó lên sự phát triển của xã hội.

Các kỳ đại hội đáng nhớ

Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2000, các kỳ đại hội sau đó được diễn ra đều đặn trong các năm 2001, 2002 và 2003 tại Hàn Quốc. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về số lượng vận động viên và các quốc gia tham dự, tổng giải thưởng của World Cyber Games cũng tăng trưởng chóng mặt qua từng năm, từ 600.000 $ (2001) lên đến 2.000.000 (2003). Seoul 2003 cũng đánh dấu một điểm nhấn quan trọng khi lần đầu tiên một game trên hệ máy console đươc đưa vào nội dung thi đấu. Đó là bộ môn Halo: Combat Evolved của Xbox.

Lần đầu tiên WCG bước chân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc là khi Mỹ đăng cai kỳ đại hội năm 2004. Với 642 vận động viên tham gia cùng 2.500.000 $ tiền thưởng, đây là sự kiện thể thao điện tử lớn nhất tại thời điểm đó. Kể từ sau năm 2004, các kỳ đại hội tiếp sau được tổ chức luân phiên tại nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đã từng là chủ nhà của World Cyber Games bao gồm: Hàn Quốc (5 lần), Mỹ (3 lần), Trung Quốc (3 lần), Singapore (1 lần), Italia (1 lần) và Đức (1 lần).

Trong năm 2006, Microsoft trở thành nhà tài trợ thứ hai cho World Cyber Games (sau Samsung). Kể từ đó, các bộ môn thi đấu của WCG hoàn toàn chỉ tập trung trên hệ điều hành Windows (đối với game PC), Windows Phone (đối với game mobile) và hệ máy chơi game Xbox.

Trong hai năm từ 2012 – 2013, World Cyber Games được tổ chức liên tiếp tại Côn Sơn, Trung Quốc. Kỳ đại hội 2013 cũng chính là sự kiện cuối cùng của WCG qua đó khép lại 14 năm lịch sử vàng son của giải đấu huyền thoại trong lịch sử eSports thế giới.

Những sai lầm mang tính hệ thống từ khâu tổ chức chính là nguyên nhân chú yếu dẫn đến sự lụi tàn của một “đế chế”

Tháng 2/2014, WCG bị khai tử sau 14 năm tồn tại và phát triển. Ở thời điểm bấy giờ, đây là một thông tin cực sốc với hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới. Đối với họ, sự kết thúc của WCG đồng nghĩa với việc eSports sụp đổ.

Nhưng không, thực tế lại diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn ngược lại. Kể từ khi World Cyber Games đóng cửa, làng eSports thế giới còn phát triển thần tốc hơn xưa. Hàng loạt những sự kiện thể thao điện tử đình đám thi nhau phất lên như diều gặp gió. Nổi bật nhất trong số này phải kể đến 2 vòng chung kết DOTA 2 The Inernational Championships 2014 và 2015. Với tổng giải thưởng lần lượt là 10 triệu và 18 triệu USD, DOTA 2 The International đã lọt vào tốp những sự kiện thể thao đắt giá nhất hành tinh.

Vậy nguyên nhân do đâu mà WCG lụi tàn trong khi nền eSports thế giới vẫn đang phát triển như vũ bão?

Đây cũng là vấn đề tốn khá nhiều giấy mực của báo chí và những nhà chuyên môn trong thời gian qua. Qua nhiều đánh giá phân tích, chúng ta có thể nhìn ra được một điểm chung đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự lụi tàn của WCG chính là việc WCG và nên eSports thế giới vốn từ lâu đã không đi chung trên một con đường.

Trên thực tế, WCG đã dần dần tự tách mình ra khỏi sự phát triển của eSports kể từ khi họ đặt bút ký vào bản hợp đồng độc quyền với Microsoft. Với sự ràng buộc đó, WCG đã gạt sang một bên tất cả các nhà phát triển khác mà chỉ tập trung hoàn toàn trên những hệ thống của Microsoft (Windows, Windows Phone và Xbox). Điều này đã xé bỏ tôn chỉ ban đầu của WCG là chung tay góp sức, cùng nhau phát triển nền eSports thế giới. Không những vậy, hành động của WCG còn đi ngược với tinh thần thể thao và phá vỡ “tính chất Olympics” của đại hội thể thao điện tử lớn nhất thế giới.

Khi mà mảnh đất thượng tầng là cuộc đua xem ông lớn nào nhiều tiền hơn thì những cuộc thi đấu bên dưới cũng chỉ là những chiêu bài quảng bả mang tính thương mại. Dẫu biết rằng tính thương mại và nền thể thao chuyên nghiệp là hai mặt không thể tách rời nhưng cách vận hành của WCG làm bọp nghẹt sự phát triển chung của cả cộng đồng là không thể chấp nhận được. Sự kìm kẹp hệ máy PlayStation, Wii và các hệ điều hành IOS, Android là những ví dụ điển hình.

Sau những sai lầm trong quá khứ, đến năm 2013, World Cyber Games tiếp tục đưa ra một quyết định khiến cộng đồng eSports thế giới phải phẫn nộ khi ký hợp đồng độc quyền với League of Legend và loại thẳng tay DOTA 2 khỏi các kỳ đại hội. Ở thời điểm đó, một bài báo đã mỉa mai rằng cách làm việc của WCG điên rồ ná ná như kiểu IOC (liên đoàn Olympics thế giới) loại bỏ bộ môn cầu lông vì liên đoàn Tennis đã ủng hộ nhiều tiên tài trợ hơn. Dĩ nhiên là IOC không bao giờ làm điều này và hành động điên rồ đó chỉ có thể tồn tại ở World Cyber Games.

Sai lầm nối tiếp sai lầm, sự sụp đổ của WCG là một điều đã được báo trước từ sớm khi mà tôn chỉ hoạt động của họ không còn nhắm đến sự phát triển chung của cả cộng đồng.

Tạm kết

Dù mắc phải nhiều sai lầm mang tính hệ thống trong những năm cuối cùng nhưng không thể phụ nhận được công lao to lớn của World Cyber Games trong lịch sử phát triển của nền eSports thế giới. Với sứ mệnh của người tiên phong, WCG đã nâng cao vị thế của những trò chơi điện tử và khiến chúng được công nhận chính thức như một môn thể thao hiện đại.

Qua những đóng góp mang tính cách mạng cao, WCG là bệ phóng vững chắc và nguồn cảm hứng bất tận cho những sự kiện eSports sau này. Hy vọng trong tương lai không xa, người hâm mộ trên toàn thế giới sẽ có dịp được chứng kiến sự hồi sinh của World Cyber Games cũng như tinh thần khởi nguồn của nó.