[GameK Tiểu Sử] FIFA Football Series – Ông vua của dòng game thể thao mô phỏng

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/10/2015 03:54 PM

Được phát hành tại 51 quốc gia với 18 ngôn ngữ và hơn 100 triệu bản tiêu thụ, FIFA Football Series đang là dòng game bóng đá được yêu thích nhất trên thể giới.

Lịch sử ra đời và phát triển

FIFA Football hay còn được gọi là FIFA Soccer là một seri game thể thao mô phỏng về bóng đá, được EA Sports giới thiệu lần đầu tiên vào ngày 15/7/1993. Ở thời điểm đó, sản phẩm của EA Sports là dòng game đầu tiên có được giấy phép chính thức từ liên đoàn bóng đá thế giới. Trong phiên bản FIFA International Soccer 1993, người chơi chỉ có thể điều khiển các đội tuyển quốc gia để tham dự các trận đấu giao hữu đơn lẻ (sản phẩm này chưa có sự xuất hiện của các câu lạc bộ và các giải đấu).

Sau thành công của phiên bản đầu tiên, EA tiếp tục tung ra thế hệ thứ hai của FIFA vào năm 1995. Một năm sau đó, phiên bản FIFA 96 được Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) thừa nhận và cho phép EA sử dụng hình ảnh của hàng vạn cầu thủ chuyên nghiệp tại nhiều giải đấu trên thế giới. Phiên bản này cũng đánh dấu sự bành trướng của FIFA sang các hệ máy console như PlayStation, 32X và Sega Saturn.


Hình ảnh trận chung kết World Cup 1994 tại Mỹ giữa Brazil và Italy được tái hiện trong FIFA 1995.

Hình ảnh trận chung kết World Cup 1994 tại Mỹ giữa Brazil và Italy được tái hiện trong FIFA 1995.

Đến năm 1998, để cổ vũ cho World Cup được tổ chức tại Pháp, EA đã tung ra một phiên bản đặc biệt có tên Road to World Cup 98. Đây là phiên bản đánh dấu một bước ngoặt lớn của dòng game FIFA khi lần đầu tiên hệ thống giải đấu vô địch thế giới đã được đưa vào trò chơi. Bên cạnh đó, FIFA 98 còn nổi bật với nền đồ họa thế hệ mới và một lối chơi hoàn chỉnh, tiệm cận với thực tế.

Những phiên bản đáng nhớ nhất

Trong những năm đầu của thập niên 2000, FIFA 2001 là phiên bản đột phá và mang nhiều cách tân nhất. Trong phiên bản này, lần đầu tiên người chơi có thể tạo cho mình một cầu thủ hoặc đội bóng riêng để tham gia các giải đấu. Bên cạnh đó, chế độ chơi trực tuyến thông qua mạng internet cũng đã được bắt đầu từ phiên bản này.

Khi World Cyber Game được tổ chức lần đâu tiên vào tháng 12/2001, sản phẩm của EA cũng góp mặt với tư cách một bộ môn thi đấu chính thức. Tại kỳ đại hội đó, game thủ người Hàn Quốc – Doo Hyung Kim đã xuất sắc giành huy chương vàng ở bộ môn này.


FIFA bắt đầu được thừa nhận là một bộ môn eSports từ sau World Cyber Game 2001.

FIFA bắt đầu được thừa nhận là một bộ môn eSports từ sau World Cyber Game 2001.

Trong các năm sau đó, EA tiếp tục cải tiến và bổ sung thêm nhiều chi tiết phong phú cho FIFA Game Sereies. Ở phiên bản 2002, FIFA bổ sung thêm một giải vô địch quốc gia khác tại Châu ÂU như: Hà Lan, Thụy Sĩ, Hy Lạp. Các giải ở Nam Mỹ lần lượt được xuất hiện trong các phiên bản từ 2003 đến 2005.

Bước sang năm 2006, EA quyết định làm một cuộc “đại phẫu” cho “đứa con cưng của họ”. Hơn một nửa mã của trò chơi đã được viết lại cùng với đó là một game engine hoàn toàn mới được trình làng (tương tự như việc Valve tung ra DOTA 2 Reborn). Bước đột phá táo bạo và sáng suốt này của EA đã tạo ra một bệ phóng vứng chắc giúp dòng game FIFA tiếp tục phát triển và bùng nổ trong thời gian sau đó.

Trong năm 2008, FIFA đã giới thiệu một chế độ chơi mới được gọi là “Be a Pro”, trong đó người chơi chỉ có thể điều khiển và quản lý một cầu thủ duy nhất. Từ một cái tên vô danh, bạn sẽ từ từ tập luyện và phát triển cho cầu thủ của mình để biến anh ta thành một ngôi sao thực thụ. Cũng tại phiên bản này, FIFA lần đầu tiên được phát hành trên hệ console PlayStation 3 và Wii.

Sau khi chinh phục các hệ máy PC và console, FIFA tiếp tục lấn sân sang thị trường di động bắt đầu từ phiên bản FIFA 2010. Phiên bản này có thể tích hợp với hầu hết các hệ điều hành Mobile bấy giờ như Java ME, iOS và Android.

Tháng 9/2011, FIFA 12 đã xác lập một kỷ lục khi bán hết 3,2 triểu bản và thu về hơn 186 triệu USD chỉ sau 1 tuần phát hành. Tính đến nay, đây vẫn được xem là phiên bản thành công và ăn khách nhất trong lịch sử phát triển của các dòng game thể thao mô phỏng.

Đối thủ “truyền kiếp”

Nhắc đến dòng game bóng đá, sẽ là vô cùng thiếu sót nếu chúng ta chỉ nói đến FIFA Football. Ở bên kia bờ đại dương, vẫn còn một kỳ phùng địch thủ luôn song hành và cạnh tranh khốc liệt với FIFA trong suốt nhiều năm qua. Không phải cái tên nào khác, đó chính là Pro Evolution Soccer (PES) – con gà đẻ trứng vàng của Konami Digital Entertainment.

Mối duyên nợ giữa hai tên tuổi lớn này bắt đầu nhen nhóm từ năm 2002 khi Konami đã hớt tay trên của EA Sports trong thương vụ độc quyền hình ảnh của đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Theo đó, kể từ sau phiên bản FIFA 2002, đội tuyển Nhật Bản sẽ không còn xuất hiện trong các sản phấm tiếp theo của EA.

Sự căng thẳng và đối địch tiếp tục được đẩy cao trong những năm sau đó với nhiều cuộc chiến chạy đua phát hành và tranh giành hình ảnh đại diện (đa phần đều là các cầu thủ nổi tiếng). Nổi tiếng nhất trong số các sự kiện này là việc Lionel Messi đã “lật kèo” với Konami để bắt tay với EA trong năm 2012.

Ở thời điểm hiện tại, FIFA và PES vẫn đang là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt trên “miếng bánh màu mỡ” của thể loại game bóng đá mô phỏng. Xét cho cùng, đây là một điều hoàn toàn tích cực cho thị trường và cả cộng đồng game thủ. Khi nào hai ông lớn này còn cạnh tranh là khi đó chúng ta vẫn còn được thưởng thức những sản phẩm tuyệt vời từ cả hai phía.