- Theo Trí Thức Trẻ | 30/09/2015 04:55 PM
“Ông tổ” Aeon of Strike và thời kỳ sơ khai
Lật lại những trang sử đầu tiên về khái niệm custom map, chúng ta cùng quay ngược thời gian để trở lại thời điểm cách đây gần 20 năm, nơi mà kỷ nguyên của StarCraft đang làm mưa làm gió trên thị trường game toàn cầu. Vào thời kỳ đó, StarCraft đã có tình năng UMS (Use map Settings) cho phép người dùng có thể thay đổi những tùy chỉnh về địa hình và lối chơi của các bản đồ. Chính từ nơi đây, khái niệm custom map dần dần được hình thành.
Aeon of Strife - Map được chỉnh sửa bởi game thủ mang nickname Gunner_4_ever là một trong số những custom map đầu tiên. Nó có lối chơi đồng đội 4 người, mỗi người chơi điều khiển một hero tiêu diệt creep trên mỗi lane để bảo vệ lãnh địa. Phía người chơi cũng có creeps cùng tham gia chiến đấu, nhưng dĩ nhiên là chúng yếu hơn đối phương.
Những hình ảnh hiếm hoi về Aeon of Strike.
Sau đó, dần dần game tiếp tục “tiến hóa” với một phiên bản chơi 4 người ở 2 phe đối đầu nhau 2v2. Như vậy là nền tảng của DotA nói riêng và MOBA nói chung đã được xây dựng một cách nguyên vẹn.
Ngày 3/7 năm 2002, WarCraft III: Reign of Chaos (ROC) ra đời cùng với đó là hệ thống Map Editor mới của Blizzard, công cụ này giúp những nhà phát triển thỏa sức sáng tạo ra các custom map đa dạng và thú vị. Thừa hưởng những ý tưởng từ Aeon of Strike và Valley of Dissent (custom của WC III), một nhà phát triển trẻ tuổi có tên Eul đã tạo ra một trò chơi của riêng mình và đặt tên là Defence of the Ancients (DotA). Ỏ thời điểm đó, có lẽ Eul cũng không thể tưởng tượng được rằng sản phẩm của anh sẽ trở thành một huyền thoại làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của eSports thế giới hơn 10 năm sau.
Sự ra đời của DotA Allstars
Sau thành công từ phiên bản đầu tiên, Eul tiếp tục phát triển sản phầm của mình lên thế hệ thứ 2 với DotA: Thirst for Gamma. Tuy nhiên, sản phẩm mới này không đem lại thành công như mong đợi, thậm chí không thể thay thế người anh em trước đó của mình. Cái tên Eul từ đó cũng biến mất, mã nguồn của DotA được chia sẻ tự do và trôi nổi trên mạng. Dẫu chỉ góp mặt trực tiếp ở 2 phiên bản đầu tiên của DotA nhưng công lao khai sáng của EUL vẫn được Valve ghi nhận và tên của anh đã được lấy làm tên cho chiếc “gậy lốc” trong DOTA 2.
Sau khi mã nguồn của DotA được EUL công khai chia sẻ, hàng loạt những phiên bản khác nhau của DotA được ra đời dưới bàn tay của nhiều nhà phát triển đơn lẻ. Những cái tên đáng chú ý có thể kể đến như: DotA DX Series, DotA Unforgiven hay DotA Outland…
Tháng 2/2004, DotA bước sang một thời kỳ phát triển mới khi phiên bản DotA Allstars Beta v0.95 được ra đời. Đây là sản phẩm của một nhóm phát triển gồm hai thành viên có tên Meian và Ragn0r. Nhóm đã tập hợp tất cả các hero từ nhiều phiên bản DotA khác nhau để tụ họp vào chung một phiên bản. Đây cũng là lý do vì sao cụm từ “Allstars” được ghép thêm phía sau.
Guinsoo và kỷ nguyên phát triển thần tốc của DotA Allstars
Trải qua thời gian, DotA Allstars đã phát triển đến phiên bản 4.xx, đây cũng là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên của Guinsoo. Phiên bản DotA Allstars v.4.0a lần đầu ra mắt vào ngày 26/4/2004 đánh dấu sự xuất hiện của Roshan – lúc bấy giờ mang tên Guinsoo's bowling ball (quả bóng bowling của Guinsoo).
Tương tự như Eul, Guinsoo (trái) cũng được Valve khắc vào bảng công thần khi đặt tên chiếc gậy “hex” trong DOTA 2 là Guinsoo’s Scythe of Vyse.
Tuy nhiên, thời đại hoàng kim của DotA mới thực sự bắt đầu ở các phiên bản 5.xx. Lúc này, DotA Allstars đã thực sự phát triển đầy đủ và bắt đầu xuất hiện những mode chơi thi đấu (competitive mode) và các giải đấu phòng trào.
Có thể điểm lại qua những cột mốc đáng nhớ của series DotA 5.xx như sau: Tidehunter ra mắt tại phiên bản 5.74, sau đó là Ursa Warrior và Atropos tại phiên bản 5.75 và cuối cùng tiếp đến là phiên bản 5.76 với Keeper of the Light, Tinker, Ogre Magi, Pudge 2.0 và Sand King.
DotA 5.84 là phiên bản đầu tiên áp dụng cho thi đấu chính thức.
Sản phẩm cuối cùng của seri DotA 5.xx đó là phiên bản DotA Allstars 5.84c. Đây được coi như phiên bản thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên của DotA.
Những giải đấu chuyên nghiệp bắt đầu được hình thành
Những nhà tổ chức giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên cho DotA có thể kể đến đó là Clan TDA (Team DotA Allstars). Được thành lập vào tháng 4/2004, đây là tập hợp của những thành viên năng nổ trong cộng đồng DotA lúc bấy giờ. Sau này, chính thành viên Pendragon của nhóm đã đứng ra lập website DotA-Allstars.com vào 14/10 năm 2004, đây là cổng thông tin chính thức đầu tiên dành cho DotA.
Không lâu sau đó, một tổ chức khác mang tên IGS (International Gaming Syndicate) bắt đầu đứng ra để tổ chức các giải đấu DotA. Trong khi mùa giải đầu tiên mới chỉ có 20 team tham dự, đến mùa giải thứ hai, đã có hơn 45 cái tên đăng ký tham gia thi đấu. Tốc độ tăng trưởng khiến nhiều người phải chóng mặt.
Tuy nhiên, với sự tăng lên của số lượng người chơi cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện càng nhiều những đòi hỏi cải tiến trong lối chơi và gameplay. Guinsoo không thể một mình gánh vác được công việc này, anh tìm đến sự giúp đỡ của 2 modder khác là Neichus và IceFrog. Không lâu sau đó, Guinsoo “giải nghệ” và nhường quyền tiếp quản cho những người đàn em.
IceFrog, người viết tiếp những câu chuyện cổ tích
Sau sự ra đi của Guinsoo và Neichus, IceFrog đã tiếp quản công việc với sự bắt đầu của phiên bản 6.10. Trong phiên bản này, “ếch băng” đã đưa ra nhiều thay đổi mang tính cách mạng. Anh sửa lại hoàn toàn Faceless Void và đưa Blood Elf Invoker trở lại đấu trường DotA. Trên thực tế, vị vua phép thuật này đã xuất hiện ở nhiều phiên bản sơ khai nhưng vì quá “imba” nên đã bị “tạm cất” trong một thời gian.
Ở phiên bản 6.12, lần đầu tiên DotA Allstars được dịch sang tiếng Trung Quốc với sự hỗ trợ của nhà phát triển Heintje. Kể từ đó về sau, Heintje và IceFrog đã có sự cộng tác ăn ý để từng bước xây chắc nền móng cho DotA tại xứ sở gấu trúc.
Trong những phiên bản tiếp sau, IceFrog tiếp tục công việc nerf hero, thêm vào một hero mới, bên cạnh đó cũng thay đổi model hoàng tử Arthas cho Omni Knight (trước đây sử dụng model thuyền trưởng Kunka hiện tại). Mọi thứ dần trở nên cân bằng hơn khi 6.27 ra mắt, đây là một phiên bản khá ổn định và tồn tại được trong một khoảng thời gian lâu dài.
Trong suốt thời kì này, có một sự kiện đáng nhớ diễn ra đó là trong kì WCG 2005 (World Cyber Game, giải đấu được coi là World Cup của ngành game) diễn ra tại Singapore, phiên bản DotA 6.27b được chọn làm phiên bản chính thức tổ chức bộ môn thi đấu này. Đây cũng chính là phiên bản thi đấu thứ hai trong lịch sử DotA thế giới thay cho phiên bản đầu tiên là 5.84.
Trải qua nhiều thử thách, cuối cùng thì IceFrog cũng đã tạo nên được dấu mốc đầu tiên rất đáng tự hào. Nếu đem so với những gì ở phiên bản 6.10 thì đây có thể coi là một cuộc cách mạng lớn, nhà phát triển tài năng này đã đưa một custom map thoát khỏi cái bóng của chính mình và phát triển lên một tầm cao mới, trở thành một môn thể thao điện tử được yêu thích nhất trong lịch sử eSports thế giới.
DOTA 2 và con đường tiếp nối huyền thoại của “cha, anh”
Như một phần tất yếu của cuộc sống, khi tre già măng sẽ mọc. Để tiếp nối thành công của người anh cả DotA, DOTA 2 được chào đời vào năm 2011. Dưới bàn tay tài hoa của IceFrog và sự đầu tư bài bản của Vavle, DOTA 2 lập tức tạo được tiếng vang. Liên tiếp giành được những giải thưởng lớn từ cộng đồng cũng như giới chuyên môn, DOTA 2 đã tạo được bệ phóng vững chắc để gia nhập vào thị trường game MOBA thế giới.
Từ năm 2011 đến nay, đã có tổng cộng 4 giải The International DOTA 2 Championship (TI) được tổ chức. Sở hữu tổng giải thưởng lên đến 18 triệu USD, TI 5 đã trở thành giải đấu thể thao điện tử có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Với hơn 40 triệu người chơi thường xuyên, DOTA 2 đang có một tốc độ phát triển như vũ bão. Trong tương lai không xa, DOTA 2 chắc chắn sẽ còn thiết lập nên nhiều giới hạn và kỷ lục mới.