eSport Việt 2011: Chờ đợi một cuộc cách mạng mới?

DuyTung  | 06/03/2011 05:00 PM

Mặc dù hiện tại mới chỉ là thời điểm đầu năm 2011 thế nhưng nền eSport đã có khá nhiều tín hiệu đáng mừng.

Rất nhiều game thủ Việt sau khi chứng kiến một số giải đấu lớn nhỏ khác nhau của cộng đồng thế giới (mà điển hình là ở Hàn Quốc) đều có chung suy nghĩ rằng chỉ có nền eSport Việt là đang đi xuống trong khi ở các nơi khác thì phong trào ở thể loại game này vẫn đang pháp triển mạnh mẽ. Lời nhận định này cũng có phần nào đó chính xác nhưng chắc chắn đó không phải là tất cả.
 
Nếu như bạn đem so sánh Việt Nam với Hàn Quốc – nơi mà eSport đã vượt qua ngưỡng trò chơi giải trí để trở thành một ngành kinh doanh thì thật là khập khiễng. Mà ngay cả Hàn Quốc thì phong trào chơi game hiện tại cũng đã phần nào đó suy giảm, chính bởi vì từ trước đến nay nó quá mạnh nên chúng ta không thể ngay lập tức nhìn ra được điều đó mà thôi.
 
So sánh eSport Việt với Hàn Quốc là một sự khập khiễng.
 
Điển hình ta có thể kể đến World Cyber Games, một trong những ngày hội thể thao điện tử lớn nhất hành tinh được tài trợ bởi một “ông bầu” cực nổi tiếng là SamSung cũng đã phải cắt giảm chi tiêu rất nhiều ở các kỳ đại hội gần đây, số lượng game thủ được tài trợ tham gia cũng không còn đông đảo như trước nữa.
 
Ngay đến eSport thế giới cũng còn như vậy thì việc ở Việt Nam, các phong trào, giải đấu gần như lặn mất tăm là điều không quá khó hiểu. Việc thiếu những “Mạnh Thường Quân” có lòng đam mê và sẵn sàng bỏ tiền ra để tổ chức các sự kiện, giải đấu thường được cộng đồng eSport đưa ra làm lý do cho sự “lụi tàn” trông thấy.
 
Giờ đây các game thủ Việt rất hiếm có cơ hội tham gia các giải đấu onLan quốc tế.
 
Thế nhưng, proA.Moltres – một game thủ rất nổi tiếng trong cộng đồng StarCraft nói riêng và eSport Việt nói chung lại có quan điểm khá khác, anh chia sẻ: “Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện nay đó chính là thiếu các sân chơi giao lưu dành cho mọi người, lớp trẻ hiện nay thường chỉ thi đấu online là chủ yếu, nếu có đánh Lan thì cũng chỉ là với bạn bè mà thôi...”.
 
“... Điều này làm cho cộng đồng eSport Việt ngày càng tách rời nhau ra và với một tập thể rời rạc thì việc tồn tại được đã là khó chứ đừng nói đến phát triển. Nếu chỉ trông đợi vào các cá nhân đứng ra tổ chức tự phát thôi chắc chắn không thể đủ để phát triển cộng đồng được. Muốn làm được điều này trước tiên chúng ta cần phải gắn bó được người chơi lại với nhau và đặc biệt hơn là cần phải tập trung đào tạo tầng lớp game thủ trẻ...”.
 
Gắn kết cộng đồng là điều buộc phải làm nếu muốn vực dậy nền eSport Việt.
 
Những ý kiến chia sẻ của proA.Moltres đã phản ánh khá đúng tình trạng của nền eSport Việt hiện nay, một tập thể rời rạc, luyện tập cũng như thi đấu nhỏ lẻ và hầu như các giải đấu đều dưới dạng tự phát, rất hiếm giải có được nhà tại trợ hoặc diễn ra thường niên cả.
 
Ở Việt Nam, ngoài một số cộng đồng đã thực sự “lụi tàn” như StarCraft, WarCraft III thì hầu hết số còn lại đều ở trong tình trạng báo động. Thế nhưng, có vẻ như sâu trong đường hầm tối chúng ta vẫn có thể tìm thấy một tia sáng hi vọng nhỏ nhoi và tia sáng đó được xuất phát từ chính tựa game “hot” nhất hiện nay – DotA.
 
Sự kiện team DotA StarsBoba tìm được nhà tài trợ cho các cuộc du đấu onLan nước ngoài đã trở thành một cú hích rất mạnh vào cộng đồng eSport Việt. Nó khiến cho những người bi quan nhất hiểu ra một điều rằng việc kiếm nhà tài trợ cho eSport ở Việt Nam không phải là điều bất khả thi.
 
StarsBoba đã kiếm được nhà tài trợ cho các cuộc du đấu của mình.
 
Vẫn biết để có thể khiến nhà tài trợ quan tâm, chú ý đến là điều rất khó (StarsBoba đã phải thể hiện mình rất nhiều ở các giải đấu quốc tế) thế nhưng DotA đã thành công thì các tựa game khác cũng hoàn toàn có thể hi vọng làm được điều tương tự. Và trên thực tế, cộng đồng eSport Việt đầu năm 2011 đã có những bước chuyển mình rất tích cực.
 
Ngoài DotA thì một số cộng đồng khác cũng đã tạo được cho mình những sân chơi tập thể riêng mà tiêu biểu có thể kể đến là PES hay AoE. Các bạn có thể dễ dàng bắt gặp các giải đấu (mà thực chất là buổi họp mặt, giao lưu giữa các game thủ) hàng tháng, thậm chí là hàng tuần.
 
Những ngày tháng hoàng kim của eSport Việt hoàn toàn có khả năng trở lại?
 
Mặc dù hầu hết các giải đấu đó đều không hề có tài trợ (hoặc rất ít) thế nhưng chúng cũng góp phần không nhỏ trong việc kéo cộng đồng xích lại gần với nhau hơn, đó chính là bước đầu tiên cần phải có để vực dậy nền eSport nước nhà. Và một khi cái bản lề đã được làm tốt thì việc chuyển mình của eSport Việt là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Hi vọng rằng với những nỗ lực không ngừng hiện tại thì trong một tương lai không xa eSport sẽ có những bước phát triển mang tính đột biến để có thể trở lại đúng vị thế của mình trong làng game Việt.