DotA – Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

DH  | 26/09/2011 0:00 AM

Một minh chứng hùng hồn cho việc đồ họa chỉ là yếu tố phụ để lôi kéo và giữ chân game thủ đến với game, và gameplay mới là yếu tố quyết định.

Dù ra đời cùng thời điểm cộng đồng WarCraft 3: Frozen Throne (WC3) bắt đầu phát triển, thế nhưng đến tận năm 2008 khi Garena ra đời và trở thành hệ thống hỗ trợ chơi game mạng Lan ưu việt trên toàn thế giới thì DotA mới bắt đầu trở thành một eSport game thực sự.
 
Tứ cường của làng eSport games.

Không còn những cộng đồng chơi DotA nhỏ lẻ trên Battle.net (một hệ thống của Blizzard) nữa mà nó dần dần phổ biến, lan tỏa hơn và cuối cùng hình thành nên một cộng đồng đông đảo. Lượng người chơi tăng chóng mặt theo cấp số nhân đã tạo nên một thương hiệu DotA, một eSport game mới đến nỗi sự phát triển của DotA đã làm hại người anh em của mình là WarCraft III melee thế nhưng nó lại giúp cho thương hiệu của tựa game này trở thành tượng đài số 1 trong làng eSport thế giới với không chỉ 1 mà đến 2 game có tuổi đời vượt ngưỡng 10 năm.
 
Lý do cho sự thành công của Blizzard chỉ có thể là "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Nhưng hãy đi sâu hơn để hiểu rõ vấn đề:

Dung lượng map tối đa chỉ vỏn vẹn 8 MB

8 thể hiện dung lượng tối đa mà một custom-map của WarCraft III có thể đạt đến. Quá nhỏ so với dung lượng mà những trò chơi nổi tiếng như Crysis, Deus Ex hay các RTS đình đám khác Shogun 2, những game mà dung lượng có thể gấp 1000 lần con số 8. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể so sánh như vậy được vì thực chất các custom-map được chạy dựa trên game WarCraft III cũng có dung lượng lên đến 1,5 GB. Nhưng ở đây là nói đến ý tưởng, dù chạy trên nền của game vốn đã cũ kỹ, lỗi thời nhưng DotA vẫn cứ thu hút được nhiều người chơi, trong khi những game bom tấn thì ngày càng hoàn thiện cả về đồ họa lẫn công nghệ làm game lại chỉ phát triển đến một thời điểm là dừng.
 
Shogun 2 có dung lượng lên đến 20 GB.

Rõ ràng những game bom tấn nặng hàng GB đến nỗi chúng ta phải mua DVD về cài, thậm chí có khi phải nâng cấp máy mới đủ sức chơi thì lại không duy trì được một cộng đồng game thủ lớn như DotA hay StarCraft. Có thể lúc mới ra đời, những  game đó cũng thu hút được rất đông người chơi nhưng rồi nó cũng biến mất khi những game bom tấn mới hơn ra đời. Nhưng đối với DotA nói riêng hay với các eSport game khác nói chung thì ngược lại, dù có những trò chơi cùng thể loại ra đời để cạnh tranh thì cộng đồng vẫn ổn định. Hay nói đúng hơn là không bị suy giảm. Tại sao lại như vậy?

Gameplay và cộng đồng mới chính là yếu tố thu hút và duy trì người chơi

Có thể thấy được Blizzard rất giỏi trong việc xây dựng những trò chơi thể loại RTS (Real-Time Strategy) như StarCraft hay WarCraft. Nếu để ý bạn sẽ thấy cả 2 trò chơi thuộc hàng kinh điển này có giao diện tựa tựa nhau nhưng cốt truyện game và nhân vật bên trong game thì hoàn toàn khác nhau.
 
Chính vì thế, ngay từ những cái nhìn đầu tiên, những eSport game trên đã thu hút được người chơi đến với nó và họ sẽ rất khó để thoát khỏi trò chơi này. Đơn giản, cân bằng và thú vị là những gì mà gameplay của Blizzard hướng đến để chinh phục game thủ. Tuy nhiên, đáng lẽ WarCraft III cũng sớm bị soán ngôi trước StarCraft II nhưng may mắn là tựa game này lại có một môi trường thiết kế map khá mạnh (World Editor) và với những mô hình và thư viện sẵn có, hàng loạt custom-map ra đời và nó góp phần duy trì thương hiệu WarCraft III đến ngày hôm nay. Trong đó nổi bật nhất là DotA.
 
World of WarCraft có đến hơn 10 triệu người chơi là nhờ gameplay xuất sắc của mình.

Được IceFrog cải tiến và tiếp tục phát triển, DotA bước vào thời kỳ hoàng kim của mình khi đang lăm le bùng nổ trên hệ thống Battle.Net thì Garena xuất hiện. Như hổ mọc thêm cánh, ngay lập tức DotA trở thành eSport game có đông đảo người chơi nhất hiện nay. Thế nhưng điều quan trọng khiến game này thành công lại là sự đơn giản, trong khi WarCraft III melee bắt người chơi phải điều khiển hàng chục đơn vị quân khác nhau tựa như StarCraft thì DotA chỉ yêu cầu người chơi sử dụng 1 hero và cố gắng để tiêu diệt những người chơi khác. Chính sự đơn giản trong lối chơi đã giúp DotA lôi kéo số đông người chơi, đồng thời sự cân bằng và thú vị trong lối chơi như skill của các hero đã giúp DotA duy trì và tạo lửa đam mê trong lòng game thủ.
 
Một số lý do khác để tạo nên sự thành công đó là việc cả Blizzard và Icefrog liên tục cập nhật thay đổi để phục vụ cộng đồng, các giải đấu mà cộng đồng tạo nên do tính cạnh tranh giữa những người chơi,... Những điều mà những game lớn lại không có được. 
 
Blizzard rất giỏi trong việc phát triển thể loại game RTS.

Khi có nhiều người chơi, các game thủ sẽ giúp quảng bá và giữ chân bạn bè họ chơi trò chơi đó, có thể có một trò chơi khác hấp dẫn nhưng khi thấy bạn bè mình cứ chơi trò chơi đó, mình sẽ không thay đổi.  Một yếu tố khác nghe có vẻ bất hợp lý nhưng lại rất hợp lý, đó là cấu hình máy đòi hỏi để chơi được những trò chơi như WarCraft III là rất thấp. So với những chiếc máy tính đời mới hiện nay thì bạn không cần đầu tư nhiều cũng có thể chơi cùng bạn bè, chính nhờ điều này mà game thủ dễ dàng tiếp cận và rủ rê chiến hữu cùng chơi.

Niềm vui từ bạn bè, sự đơn giản trong lối chơi và yếu tố mới lạ trong mỗi trận thư hùng chính là yếu tố quyết định việc game thủ gắn bó với trò chơi hay không. Những hình ảnh bóng bẩy, hiệu ứng hoành tráng và hàng tá công nghệ làm game khác cũng không thể làm được những điều đó. Nên bạn hãy tin rằng DotA sẽ còn rất nhiều người chơi dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.