DOTA 2 vs Liên Minh Huyền Thoại: Câu chuyện dê đen, dê trắng

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/03/2015 05:41 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Hãy cùng thảo luận về hai tựa game MOBA hàng đầu thế giới hiện nay là Liên Minh Huyền Thoại và DOTA 2.

Năm Mùi nói chuyện về những chú dê. Chắc hẳn mọi người trong chúng ta đều thuộc lòng câu chuyện ngụ ngôn dê đen, dê trắng. Nếu coi thị trường game MOBA (A-RST) Việt như một chiếc cầu thì cộng đồng DOTA 2Liên Minh Huyền Thoại là hai con dê hiếm khi nhìn cùng về một hướng.

DOTA 2, chú dê mang dòng máu danh giá.

DOTA 2, chú dê mang dòng máu danh giá

Trước khi đề cập đến thành công của DOTA 2, chúng ta hãy cùng lật mở lại những trang sử của hơn 10 năm trước, nơi mà người anh cả DotA đang làm mưa làm gió tại các đấu trường thể thao điện tử trên khắp thế giới.

Tháng 7/2002, dưới bàn tay của người cha đẻ EUL, phiên bản DotA – Defend of the Ancient đầu tiên chính thức được chào đời. Với tư cách là một custom map của The WarCraft 3, DotA nhanh chóng được đón nhận và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Liên tiếp gặt hái được nhiều thành công vang dội, từ một màn chơi riêng lẻ của WarCraft 3, DotA đã có những bước tiến thần kỳ để trở thành một trong những bộ môn e-Sports được yêu thích nhất trong lịch sử.

EUL – người sáng tạo ra DotA. Tên anh đã được lấy làm tên cho chiếc “gậy lốc” trong DOTA 2

EUL – người sáng tạo ra DotA. Tên anh đã được lấy làm tên cho chiếc “gậy lốc” trong DOTA 2

Và rồi như một phần tất yếu của cuộc sống, khi tre già măng sẽ mọc. Để tiếp nối thành công của người anh cả DotA, DOTA 2 được chào đời vào năm 2011. Dưới bàn tay tài hoa của IceFrog và sự đầu tư bài bản của Vavle, DOTA 2 lập tức tạo được tiếng vang. Liên tiếp giành được những giải thưởng lớn từ cộng đồng cũng như giới chuyên môn, DOTA 2 đã tạo được bệ phóng vững chắc để gia nhập vào thị trường game MOBA thế giới.

Từ năm 2011 đến nay, đã có tổng cộng 4 giải The International DOTA 2 Championship (TI) được tổ chức. Sở hữu tổng giải thưởng lên đến 10 triệu USD, TI 4 đã trở thành giải đấu thể thao điện tử có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Với hơn 40 triệu người chơi thường xuyên, DOTA 2 đang có một tốc độ phát triển như vũ bão. Trong tương lai không xa, DOTA 2 chắc chắn sẽ còn thiết lập nên nhiều giới hạn và kỷ lục mới.

Liên Minh Huyền Thoại, chú dê chiến được “chăn nuôi” bài bản

Tháng 10/2009, Liên Minh Huyền Thoại chính thức được công bố và phát hành miễn phí rộng rãi trên toàn thế giới. Là con át chủ bài của Riot Games trên thị trường MOBA thế giới, Liên Minh Huyền Thoại được đầu tư bài bản từ khâu phát triển cho đến điều hành và quảng bá thương hiệu.

Kể từ khi phát hành, Liên Minh Huyền Thoại đã nhanh chóng được phổ biến và đón nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Theo một bài báo của Forbes năm 2012, Liên Minh Huyền Thoại là game PC được chơi nhiều nhất ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Đến tháng 1/2014 đã có 67 triệu người chơi Liên Minh Huyền Thoại mỗi tháng, 27 triệu người mỗi ngày và hơn 7,5 triệu người chơi cùng lúc vào giờ cao điểm. Ngày 8/8/2012, Liên Minh Huyền Thoại chính thức ra mắt tại Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, Liên Minh Huyền Thoại đã xây dựng được một hệ thống giải đấu mang tính cạnh tranh cao và quy mô lớn. Tại Bắc Mỹ và Châu Âu, Riot Games tổ chức giải League of Legends Championship Series với 8 đội tuyển chuyên nghiệp ở mỗi châu lục. Những giải đấu khu vực khác cũng được tổ chức ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á. Những giải đấu khu vực này chọn ra những tên tuổi hàng đầu để tham gia vòng chung kết thế giới được tổ chức hàng năm.

Cộng đồng DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam như hai chú dê đen và dê trắng

Như đã đề cập ở trên, cả DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại đều là những bộ môn e-Sports mới phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2012 với sự phát triển nhỏ lẻ và manh mún, cho đến nay DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại Việt đã xây dựng được cộng đồng đông đảo và vững mạnh. Chỉ có điều đáng buồn là hai cộng đồng lớn này luôn đối đầu nhau như dê đen dê trắng và ít khi tìm được tiếng nói chung.

Sự so sánh và cạnh tranh giữa hai game diễn ra ở nhiều mặt. Từ lối chơi cho đến hình ảnh đồ họa, từ các giải đấu, các ngôi sao cho văn hóa cộng đồng hay thậm chí là đổ tuổi người chơi, tất cả đều được đem ra cân đong đo đếm một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những thứ đó vô hình chung đã tạo nên một cuộc đối đầu căng thẳng khi mà ai cũng muốn bảo vệ và tôn vinh những gì mình yêu thích.

Trong cuộc chiến ác liệt này, các chú dê đen và dê trắng liên tục húc vào nhau bằng thứ vũ khí là những dòng comment, những lời nói phân biệt, miệt thị hay tiêu cực hơn là sỉ nhục và lăng mạ. Thứ vũ khí này không gây sát thương, không làm đối thủ sợ hãi hay nể phục, nó chỉ đem lại cảm giác thỏa mãn cho bản thân và chọc tức sự giận dữ của đối thủ. Cứ như thế, cuộc chiến được kéo dài dai dẳng từ ngày này qua ngày khác mà chưa có hồi kết.

Tạm kết

Nếu lấy thảm kịch của dê đen và dê trắng ra làm bài học thì cộng đồng DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại Việt nên nhìn nhận lại vấn đề. Chúng ta hãy thử mở lòng để tìm được tiếng nói chung hoặc chí ít cũng học cách tôn trọng lẫn nhau. “Chiếc cầu” MOBA đang ngày càng chật hẹp trong khi những con dê mới nổi như Heroes of the Storm đang lăm le phi nước đại. Nếu cứ mãi phung phí thời gian vào những cuộc cãi vã vô bổ, cộng đồng DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại sẽ bị tụt lại lúc nào không hay.

>> Ly kỳ câu chuyện game thủ ăn, ngủ chơi Liên Minh Huyền Thoại cùng búp bê