DOTA 2: Vengeful Spirit và Silencer - khi Support trở thành Carry

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/12/2015 01:20 PM

DOTA 2 là một tựa game khá linh động và kích thích sự sáng tạo vô bờ từ những người chơi, đặc biệt là ở khía cạnh các vị tướng.

Không giống như Liên Minh Huyền Thoại – đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong thể loại game MOBA, nơi mà hầu hết các vị tướng hỗ trợ hay những vị trí khác đều được phân loại và vị trí rõ ràng.

Trong DOTA 2, lượng tướng đông đảo cùng với đó là vô vàn chiến thuật đã khiến cho ngay cả những hero thường gắn liền với thân phận support vẫn có dịp “nở mày nở mặt” khi được sử dụng như một hard carry hoặc các vị trí core trọng yếu.

Đó là đặc trưng, sự khác biệt cũng như là nét đột phá đầy thú vị của DOTA 2 so với các tựa game cạnh tranh khác. Hãy cùng điểm qua 2 “chú cá chép” đã từng có cơ hội “hóa rồng”.

Vengeful Spirit, Phục cừu chi hồn

Một trong những vị tướng support nổi bật và lâu đời nhất của DOTA 2, Vengeful Spirit chính là một trong những lựa chọn carry phổ biến gần đây. Đây là vị tướng đã gắn liền với tên tuổi của huyền thoại 820, cũng như vô vàn những người chơi hỗ trợ khác.

Với khả năng stun, trừ giáp cùng với đó là những tình huống sử dụng ultimate để mở combat hay cứu đồng đội, VS dường như từ lâu đã gắn liền trong tâm trí người chơi DOTA 2 ở vị trí support đơn thuần.

Tuy nhiên, vẫn có những luồng suy nghĩ mới lạ về hero này, và FNG – đội trưởng của Virtus Pro là một trong những người như vậy. Thời còn thi đấu cho Na`vi, anh chàng này thường xuyên pick VS cho bản thân mình ở vị trí hard support.

Nhưng gần đây, ngay tại The Frankfurt Major hay một số giải đấu trước, Virtus Pro thường xuyên lựa chọn Vengeful Spirit cho vị trí hard carry, thi đấu bên cạnh 2 support của mình.

Trước hết, ưu điểm của VS – hard carry sẽ bộc lộ rất rõ ngay từ giai đoạn đầu game. Khi mà những vị tướng cùng vị trí phổ biến hiện nay như Anti Mage, Phantom Lancer đều khá yếu ớt và mỏng manh cũng như chưa đủ độ cơ động, việc có một khởi đầu suôn sẻ phụ thuộc rất nhiều vào các support.

Ngược lại, một lane 3 có VS cùng 2 support khác chắc chắn sẽ mạnh và áp đảo hơn rất nhiều so với bên kia chiến tuyến, nơi có ít nhất 1 hero khá “phế” ở thời điểm đầu game như Anti Mage. Cùng với đó, bản chất là một hero support, thế nên VS không cần quá nhiều item để có thể trở nên khỏe khoắn và tham gia combat hay roam gank cùng đồng đội.

Chính vì vậy, VS ở vị trí carry lane 3 hoàn toàn không phải là một ý tưởng tồi, ít nhất là cho tới giai đoạn mid game.

Nhưng đổi lại, do không có những kỹ năng cơ động để chạy trốn hay truy đuổi, cùng với lượng máu ít ỏi, VS hoàn toàn có thể trở thành con mồi ngon ăn cho đối thủ. Hero này cũng không có khả năng farm rừng hay đẩy creep nhanh, thế nên tốc độ lên item của vị trí hard carry này sẽ thua sút hơn rất nhiều ở giai đoạn về sau so với đối thủ.

Tầm đánh ngắn cùng với animation khi ra skill cũng không nhanh cũng là một trong những hạn chế lớn của VS. Chính vì thế, việc sử dụng hero này hiệu quả ở vị trí hard carry sẽ là cả một bài toán khó dành cho những đội nhen nhóm ý định này.

Silencer, Trầm mặc thuật sĩ

Một thời từng nổi tiếng ở vị trí core, thế nhưng theo thời gian, cùng với những thay đổi từ meta game, Silencer dần dần mất đi vị thế vốn có của mình và đành cam chịu thân phận của một support.

Nhưng gần đây, xu hướng pick vị tướng này ở vị trí hard carry đang dần dần trở lại, khi với bộ kỹ năng của mình, đây là hero cực mạnh về late nếu có item.

Mỗi mạng chết của đối thủ trong phạm vi nhất định, Silencer sẽ được hưởng 2 intelligent từ phía đối thủ, chính vì vậy sức mạnh của vị tướng này là không thể đo đếm và ngày càng bá đạo theo thời gian.

Cộng thêm với kỹ năng Glaives of Wisdom sẽ gây ra damage pure cộng thêm trong mỗi đòn đánh của hero này dựa vào số int của bản thân, sát thương của Silencer ở vị trí hard carry cũng khá đáng nể nếu có thể trụ lâu trong combat.

Last Word cũng cải thiện đáng kể sức mạnh của hero này ở giai đoạn early, trong khi ultimate Global Silence thì không cần bàn cãi về sự khó chịu gây ra cho đối thủ.

Mặc dù rất mạnh ở giai đoạn late game, thế nhưng cũng giống với VS, bộ skill của Silencer hoàn toàn không hỗ trợ tốc độ farm của hero này. Thêm vào việc không có kỹ năng để chạy trốn, người chơi Silencer buộc phải rât khéo léo cũng như có thể đọc trận đấu một cách thông minh nhất nếu không muốn trở thành điểm đến hấp dẫn cho những sát thủ bên kia chiến tuyến.

Không có disable cũng trở thành một điểm trừ khá nặng cho Silencer, khi đối thủ hoàn toàn có thể tẩu thoát thành công chỉ với duy nhất 1 item là Town Portal.