DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 15/10/2013 03:12 PM

Phát triển dựa trên cộng đồng, thay vì độc quyền tạo ra các cosmetic item, Valve đã tạo ra một cơ hội kiếm tiền thực sự cho các họa sĩ 3D DOTA 2.

Mô hình phát triển độc đáo của DOTA 2 với cosmetic item đã tạo ra một lối đi mới cho các tổ chức gaming chuyên nghiệp khi bên cạnh việc tìm tài trợ và thi đấu tại các giải đấu, các đội game đã bắt đầu biết cách kinh doanh thương hiệu của mình trong DOTA 2. Điều này thực sự tạo ra một nền móng ổn định và rõ ràng hơn cho eSport, vốn nổi tiếng bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ bên ngoài.

Phát triển dựa trên cộng đồng, thay vì độc quyền tạo ra các cosmetic item, Valve đã tạo ra một cơ hội kiếm tiền thực sự cho các họa sĩ 3D, và cùng với đó là các đội game chuyên nghiệp. Tổ chức gaming đang đi đầu trong lĩnh vực này chính là Na`Vi. 

DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game 1

Không chỉ là đội game đầu tiên có courier riêng, Natus Vincere cũng đang thực hiện dự án Na`Vi DOTA 2 Workshop, một dự án cộng đồng cho phép tất cả người chơi đưa ra ý tưởng dưới rất nhiều hình thức để tạo ra một cosmetic item mang thương hiệu Na`Vi. Lợi nhuận từ việc bán các items này sẽ được chia sẻ giữa Na`Vi, tác giả và (đương nhiên) Valve. 

Hiện tại, dự án này đã có set Succubus dành cho Queen of Pain được đưa vào DOTA 2, bên cạnh đó là hai set đã hoàn thiện khác của Anti-Mage và Shadow Demon. Mặc dù cả hai set items này đều chưa được Valve chấp nhận vì đang vướng phải những quy tắc về mặt thiết kế chưa phù hợp với tiểu sử và phong cách của bản thân hero, nhưng không thể phủ nhận rằng cái tên Na`Vi tạo ra một hiệu ứng rất tốt với người hâm mộ. Những gì mà Na`Vi đang thực hiện có thể coi là một kiểu mẫu cho các đội game khác noi theo. 

DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game 2

Tất nhiên để thực hiện được điều này không phải là một điều dễ dàng, đội game của bạn phải có được những thành công, phong cách thi đấu giành được trái tim người hâm mộ, bản thân những item tạo ra cũng phải có giá trị xứng đáng. Khi kết hợp tất cả những yếu tố này với một phương pháp marketing hợp lí, nó sẽ đạt được thành công và tạo ra một nguồn thu tương đối độc lập cho đội game. 

DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game 3

Courier rõ ràng là thứ đáng được đầu tư nhất trong tất cả bởi không như các hero: không chỉ xuất hiện trong hầu như tất cả các trận đấu của DOTA 2, courier sẽ dễ dàng trở thành biểu tượng của một đội game, một dạng “linh vật” của DOTA 2. Na`Vi, iG và LGD đã có biểu tượng riêng của mình, trong khi nhiều top team khác đang phát triển courier riêng. “Gà” của Evil Genius đã sẵn sàng trên workshop với cái tên Throe (một cách chơi chữ hài hước khi bản thân EG vẫn thường “throw game” một cách ngớ ngẩn trong các giải đấu). 

Không chỉ các đội game chuyên nghiệp, những bộ phận khác của DOTA 2 có những sản phẩm riêng mang tên mình: các giải đấu tặng kèm item khi bán vé, kênh tường thuật nổi tiếng Beyond the Summit có cặp đôi mèo – cú El Gato, trong khi blogger quen thuộc Cyborgmatt có Sharkbag và giao diện Familiar Woods,...

DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game 4

Thậm chí, việc kinh doang thương hiệu có thể tiến xa hơn nếu các nhà tài trợ, một yếu tố rất quan trọng với eSport hiện nay, chú ý hơn tới việc quảng bá thương hiệu của mình ngay trong DOTA 2. Bạn đã thấy courier đang được TongFu phát triển? Con rùa của đội game này thậm chí đội một cái bát trên lưng với mấy chữ Tàu “Cháo ăn liền TongFu” – sản phẩm chính của công ty tài trợ. 

DOTA 2 và việc kinh doanh thương hiệu trong game 5
Cháo rùa TongFu?

Có thể thấy, mô hình phát triển của DOTA 2 rất thú vị, với những yếu tố rất riêng khó có thể thấy được ở bất kì một tựa game nào khác. Mặc dù vậy, hi vọng rằng điều này sẽ không đi quá xa và làm ảnh hưởng tới yếu tố nghệ thuật của DOTA 2. Valve nên tỏ ra nghiêm khắc trong việc tuân thủ các quy tắc mà họ đã đặt ra, và không quên đi nhiệm vụ chính của mình hiện nay là phát triển DOTA 2.