Chưa có lúc nào, cuộc cạnh tranh lại trở nên vô cùng khốc liệt giữa các nhà sản xuất game MOBA mà một trong số những cái tên “nổi đình đám” nhất là Valve với DotA 2. Được sự góp sức của IceFrog – một trong những người đầu tiên tham gia hoàn thiện map DotA hay còn gọi là DotA 1 trên nền tảng Warcraft III – DotA 2 vẫn gặp phải những hạn chế nhất định và gần như không thể đạt được điểm đột phá.
Hệ thống heroes thiếu phong phú
Bỏ qua những chỉ số cơ bản như movement speed, attack speed, attack damage, armor… các heroes trong DotA sở hữu ba chỉ số đặc trưng là Strength (tượng trưng cho sức mạnh), Agility (tượng trưng cho sự khéo léo) và Intelligence (tượng trung cho pháp thuật). Mỗi heroes sẽ thiên về một thuộc tính nhất định dựa trên chỉ số cao nhất mà họ đạt được và chính yếu tố - tưởng chừng như giúp cho hệ thống heroes của DotA 2 trở nên rất phong phú này – lại có “tác dụng ngược”: giới hạn mỗi vị tướng chỉ có thể đi theo một đường nhất định.
Hãy lấy ví dụ với một vị tướng như Rikimaru: Rikimaru có thuộc tính chính là Agility và điều này khiến người chơi bắt buộc phải sắm các item tăng attack damage/attack speed nếu muốn Rikimaru trở nên mạnh mẽ. Pháp sư Rikimaru? Bạn có thể mua Dagon nhưng chiếc “gậy ks” này sẽ hiệu quả hơn nhiều khi được sử dụng trên các heroes thuộc lớp Intelligence.
Một ví dụ khác là Lich, heroes sở hữu hai skills nuke khá kinh và cũng chính vì lí do đó, Lich sẽ trở nên hữu dụng nhất khi mua các trang bị tăng Intelligence như Eul’s Scepter of Divinity (gậy lốc) hay Guinsoo’s Scythe of Vyse.
Tất nhiên, chúng ta cũng có thể nhắc đến những ngoại lệ như Tiny, một tướng Strength nhưng thường được sử dụng theo đường phép như các tướng Intelligence hay Earthshaker cũng có những đặc điểm tương đồng; tuy nhiên, số lượng những vị tướng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chiến thuật bị gò bó
Với nhịp độ trận đấu được đẩy nhanh và quan trọng nhất là sự có mặt của một item “tối thượng”: Black King Bar – khiến các tướng int trở nên hoàn toàn vô dụng trong combat vào early game. Thay vào đó, những semi-carrier nổi lên như một lựa chọn hoàn hảo cho lối chơi đánh nhanh tiêu diệt gọn của các top team trên toàn thế giới. Từ yếu tố heroes pool bị giới hạn xoay quanh vài lựa chọn chủ chốt, các chiến thuật trong DotA 2 cũng không thể có những đột phá nhất định.
Cụ thể, chiến thuật phổ biến nhất tại các trận đấu có Level và Win Rate tầm cao cũng như tầm trung hiện nay luôn là “bốn người vì một người”. Với chiến thuật này, chỉ có một semi-carrier được nhường lane để farm trong suốt thời gian của trận đấu trong khi bốn đồng đội còn lại luôn di chuyển cùng nhau để tạo ra khoảng trống cũng như dẫn dụ đội hình của đối phương.
Ngoài ra, semi-carrier và carry luôn cầm trong mình một cuộn Town Portal để có thể có mặt với đồng đội trong các tình huống giao tranh chỉ với một mục đích duy nhất: last hit tất cả các mạng của đội bởi bốn đồng đội còn lại sẽ tìm cách nhường kill cho semi-carrier hoặc carry một cách nhiều nhất có thể. Sau khi hero này đã đủ cứng cáp, việc cuối cùng cần làm là push nhà đối phương.
Bên cạnh đó, một số chiến thuật khác – bắt nguồn từ DotA 1 – cũng thường được sử dụng như tripple lane, lựa một hero đi rừng – gank liên tục, sử dụng bộ đôi ganker… tuy nhiên tất cả đều xoay quanh một lựa chọn semi-carrier và nếu không có vị trí này, hoặc chúng ta sẽ thua vì thiếu “nhân vật chính” của cả đội hoặc chúng ta sẽ thua vì nổ nhà chính trong khi hard-carrier vẫn đang miệt mài farm ở đâu đó.
Hệ thống xếp hạng không rõ ràng
Mặc dù Valve luôn công bố rằng điểm xếp hạng của người chơi được lưu trong database và không được công bố ra nhưng không ít game thủ đã từng đặt câu hỏi rằng “Liệu hệ thống xếp hạng của DotA 2 có thực sự tồn tại?”.
Hiện tại, người chơi có thể tra cứu thông tin về tài khoản của mình hoặc bất cứ người chơi nào thông qua trang web
http://dotabuff.com/ song ngoài những thông tin cơ bản về các trận đấu, các heroes sử dụng nhiều nhất, tỉ số KDA… thì những con số “có giá trị” nhất, nói lên trình độ và đẳng cấp của người chơi nhất chỉ có Level, Record (số trận thắng/thua) và Win Rate.
Mặc dù DotaBuff có hệ thống phân tích Record (khác với số trận thắng/thua) khá hay như Highest Gold/Minute, Highest Number of Kills hay Highest Number of Lasthits… nhưng những con số này thực sự không nói lên điều gì. Người chơi cần một hệ thống xếp hạng minh bạch và rõ ràng như điểm số ELO của League of Legends hay MMR (Match Making Rating) của Heroes of Newerth.
Kết
DotA 2 vẫn đang tiếp tục theo đuổi cái bóng của DotA 1, và vẫn chịu ảnh hưởng quá nhiều dựa trên nền tảng game WarCraft III cũ. Trong khi đó thì các tựa game cùng thể loại lại đang có được lợi thế lớn và liên tục sáng tạo thêm nội dung mới.