Sau trận thua 2-1 trước Invasion, Aces Gaming đã chính thức dừng bước và không thể lọt vào vòng loại của The International 5 khu vực SEA. Trận thua để lại nhiều tiếc nuối khi các chàng trai của chúng ta đã dẫn trước 1-0, nhưng rồi lại để vuột mất chiến thắng mặc dù đã nỗ lực cũng như quyết tâm hết mình. Nhưng xét cho cùng, đấy cũng là hệ quả tất yếu, phản ánh đúng thực trạng của DOTA 2 Việt Nam.
Hãy cùng chúng tôi nhìn lại thực trạng của DOTA 2 Việt Nam cũng như đi tìm giải pháp để có thể giúp cộng đồng này phát triển hơn nữa, giúp các đội trong nước như Aces, Best Friend Forever (BFF), Phoenix Cyber Game (PCG) có cơ hội vươn mình ra đấu trường khu vực cung như quốc tế.
1. Cộng đồng DOTA 2 tại Việt Nam chưa lớn mạnh
Đầu tiên, chỗ dựa cũng như nguồn gốc của mọi đội DOTA 2 tại Việt Nam đều xuất phát từ cộng đồng, Nếu một cộng đồng mà không thật sự lớn mạnh cũng như bền vững thì rất khó để làm nền tảng phát triển cho những team DOTA 2 muốn đi lên chuyên nghiệp, hay muốn vươn mình ra tầm khu vực như Aces. Thực trạng cộng đồng DOTA 2 tại Việt Nam đang từng bước được cải thiện, với những buổi offline, những buổi pubstorm của một số giải đấu lớn. Những sự kiện đấy quả thực là tín hiệu đáng mừng cũng như đáng phát huy khi chính nó sẽ giúp cộng đồng DOTA 2 tại Việt Nam ngày một gắn kết, bền chặt hơn.
Aces Gaming, nhân tố được coi là có thể tiếp nối người đàn anh Star Boba.
Thế nhưng vẫn còn đó một số thành phần “con sâu làm rầu nồi canh” kìm hãm sự đi lên đó. Đó là những kẻ chuyên bới móc, đánh giá các game thủ, đội tuyển cũng như những người khác theo một cách nhìn phiến diện, gây ra những tranh cãi không đáng có trong một cộng đồng DOTA 2 đang phát triển như hiện nay.
2. Không có một môi trường cọ xát thường xuyên
Một đội tuyển DOTA 2 mạnh không nhất thiết phải là tập hợp của 5 cái tên có kỹ năng cá nhân tốt, mà về cơ bản đó cần là 5 con người hiểu ý, cũng như có chiến thuật, tư duy một cách bài bản trong mọi trận đấu. Kỹ năng cá nhân, chiến thuật cũng như kinh nghiệm sẽ càng được các game thủ trau dồi sau những trận đấu, từ đấu tập cho đến đấu giải.
Thế nhưng, đáng buồn khi thực trạng hiện nay ở Việt Nam có quá ít các giải đấu được tổ chức dành cho những team chuyên nghiệp, hay có ước mơ muốn lên chuyên. Lâu lâu mới có một giải đấu mang tính phong trào, thường chỉ quy tụ những team trong một thành phố, chứ hiếm khi có những giải đấu lớn với sự góp mặt đầy đủ của những đội cả trong Nam cũng như ngoài Bắc.
Chúng ta cần nhiều hơn các giải đấu DOTA 2 chuyên nghiệp.
Không có một môi trường cọ xát thường xuyên, các top team Việt Nam thường phải train với môt số đội nước ngoài, và điều này đôi khi bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiều yếu tố như lag, disconnect hay những khó khăn trong khâu liên lạc, tổ chức. Ngoài ra, việc thiếu đi các giải đấu trong nước cũng khiến người hâm mộ khó lòng nắm bắt được tình hình cũng như phong độ của các đội DOTA 2, qua đó cũng gây khó khăn một phần cho sự phát triển của tựa game này ở Việt Nam.
3. Môi trường thi đấu còn quá thiếu chuyên nghiệp
Nếu nhìn sang so với tựa game Liên Minh Huyền Thoại, đối thủ trực tiếp của tựa game DOTA 2 tại Việt Nam, chắc hẳn không ít người hâm mộ phải thấy thèm thuồng cho sự chuyên nghiệp của các team LOL Việt Nam. Có riêng cho mình một gaming house, được trả lương cũng như hưởng mọi chính sách như một người lao động bình thường là những gì mà một số đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại thuộc Garena đang được hưởng.
Chưa hết, những game thủ còn có cơ hội phát triển rất nhiều khi có huấn luyện viên cũng như đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, khiến họ có thể chỉ tập trung vào luyện tập và thi đấu. Bên cạnh đó còn là hệ thống giải đấu trong nước cũng như quốc tế cực kỳ đa dạng và luôn mở cho mọi đội tuyển có khả năng, với khung giải thưởng cũng khá hấp dẫn.
Sự kiện DOTA 2 The Gathering, cộng đồng cần lắm những sự kiện như thế này.
Nhìn lại DOTA 2, chúng ta không có một đội tuyển nào có khả năng vô địch tại đấu trường khu vực như Liên Minh Huyền Thoại, cũng không có nhiều đội tuyển thật sự chuyên nghiệp, hay hệ thống giải đấu thật sự quy mô. Tất cả những gì chúng ta có chỉ là sự đam mê, nhưng đam mê thôi thì chưa đủ. Trong thời buổi hiện nay, nếu không có một nền tảng bền vững, sẽ rất khó để nâng tầm DOTA 2 Việt Nam lên chuyên nghiệp.
Hình ảnh Star Boba giương cao lá cờ Việt Nam ngày nào.
Rất ít người nghĩ hay xác định game thủ là một nghề lao động, như bao nghề bình thường khác trong xã hội. Họ thường chỉ có suy nghĩ lập team cho vui, hay nếu có khả năng thì đấy là nghề tay trái, chứ ít người nghĩ rằng mình có thể kiếm sống, cũng như có một cuộc sống ổn định nhờ eSports. Điều đấy hoàn toàn có thể hiểu khi DOTA 2 tại Việt Nam rất thiếu những nhà tài trợ, những người có thể đảm bảo về mặt tài chính cho các game thủ chuyên nghiệp, cũng rất thiếu những người có khả năng quản lý, hoạch định các kế hoạch cho sự phát triển của tựa game này tại nước ta.
Chừng nào những khó khăn trên còn chưa có lời giải, chừng đó DOTA 2 Việt Nam khó có thể phát triển được hơn, chí ít là ngang bằng với các quốc gia khác trong khu vực. Cũng như sẽ là rất khó để một đội Việt Nam có thể vô địch một giải đấu khu vực, chưa nói đến một suất vào vòng loại The International, hay cao hơn là một suất tham dự The International. Thôi thì đành chờ đến TI69.
>> Ngỡ ngàng DOTA 2 Hàn Quốc 'trẻ trâu' không kém Việt Nam