DotA 2 thay thế DotA ở thị trường Việt: Còn khuya?

PV  | 04/07/2012 0:00 AM

Đây thực sự là một vấn đề được rất nhiều game thủ quan tâm.

StarCraft, WarCraft III Melee, WarCraft III DotA xứng đáng là những trò chơi chiến thuật huyền thoại sau những gì mà nó đã làm được cho cộng đồng eSport thế giới. Thế nhưng cái gì cũng có giới hạn, những tượng đài này đã trải qua một quãng thời gian tồn tại trên dưới chục năm và với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của cộng nghệ như hiện nay thì chúng đã dần dần tỏ ra lỗi thời về mặt hình ảnh cũng như gameplay.

Ngay tại kinh đô của làng eSport thế giới – Hàn Quốc, WarCraft III Melee cũng đã chính thức bị khai tử, StarCraft đang trong những ngày tháng cuối cùng của mình trước khi bị thay thế bởi người anh em StarCraft II. Việc này vốn rất dễ hiểu bởi nó là một quy luật tự nhiên theo kiểu “Tre già, măng mọc”. Thế nhưng liệu quy luật đó có đúng tại thị trường eSport Việt Nam?

Tại Hàn Quốc thì sự chuyển giao quyền lực đã chính thức bắt đầu.

Thủa ban đầu, khi DotA 2 còn đang nằm trong “trứng nước” thì phần lớn cộng động Việt chúng ta đã khẳng định rằng siêu phẩm này sẽ nhanh chóng thay thế DotA (lúc đó DotA vẫn đang là trò chơi hấp dẫn nhất thế giới). Thế nhưng sự thật thì sao? Số lượng người chơi DotA vẫn luôn tỏ ra áp đảo so với DotA 2 bất chấp việc Ice Frog đã không còn quá bận tâm đến đứa con đầu lòng của mình.

Rất nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho vấn đề này, người thì cho rằng do thiếu key, người thì cho rằng bởi DotA 2 yêu cầu cấu hình quá cao, người thì cho rằng khi nào ra bản chính thức thì mới hút khách được… Nhưng tất cả các lý do trên đều không đủ sức thuyết phục. Vào thời điểm hiện tại số lượng key DotA 2 được đưa vào thị trường Việt là không hề nhỏ nhưng kết  quả thì sao? Bạn sẽ mất 5 phút, 10 phút để có thể tìm được đủ 10 người chơi DotA 2, mà đó còn là tìm kiếm trên phạm vi toàn thế giới,  chứ nếu chỉ tìm ở khu vực ĐNA thì…

Để tìm được đủ 10 người cho một game DotA 2 tốn không ít thời gian.

Trong khi với DotA, bạn chỉ cần đăng nhập Garena là nó thể thấy một loạt room vẫn liên tục đầy ắp người chơi như thủa ban đầu. Rõ ràng số lượng người thích chơi DotA ở Việt Nam vẫn áp đảo hơn hẳn so với DotA 2. Một phần lý giải cho hiện tượng này có thể là do người chơi quá quen với hình ảnh Hero, những gương mặt, cử động đã ăn vào tiềm thức của họ để rồi khi bước sang thế giới DotA 2 họ lập tức bị ngợp.

Trong khi DotA thì vẫn rất "hot".

Hãy nhìn StarCraft II, khi tựa game mới này bước chân vào thị trường Việt thì cũng là lúc StarCraft: Brood War thoái trào. Những tưởng sự chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra nhanh chóng nhưng không, StarCraft II cho tới tận thời điểm hiện tại vẫn không thể phát triển ở đất nước chúng ta bất chấp việc nó đã được Crack để có thể chơi Lan miễn phí. 

StarCraft II vẫn chưa thể lớn tại Việt Nam.

Quay lại với chủ đề chính, khi DotA 2 bước chân vào thị trường Việt thì DotA vẫn đang ở vị thế độc tôn, rõ ràng việc siêu phẩm này có thể ngay lập tức đánh bại người anh em của mình là điều rất khó nhưng không phải là không thể. Hãy nhìn cách mà Vavle đã làm để đẩy DotA 2 lên đỉnh cao, họ đầu tư cực nhiều tiền cho các giải đấu tầm cỡ quốc tế (hàng triệu $), điều này đã kéo được hàng loạt game thủ có tiếng tăm ở làng DotA chuyển sang chơi siêu phẩm mới và đương nhiên fan hâm mộ cũng sẽ đi theo các thần tượng của mình.

Nhưng ở Việt Nam chúng ta lại khắc, chẳng có một giải đấu DotA 2 nào đủ sức nặng để kéo các game thủ nổi tiếng của DotA chuyển sang. Các huyền thoại nước nhà cũng chẳng còn nhiệt huyết với game như xưa, một phần lý giải là bởi giải đấu DotA đã ít dần đi. Ngoài ra họ đều đã lớn tuổi và còn nhiều việc phải lo chứ không thể mãi chạy theo niềm đam mê được.

Lớp game thủ gạo cội đã không còn quá nhiều nhiệt huyết như xưa.

Lớp tiền bối đã không còn nhiệt huyết thì việc lớp trẻ sau này có thể tiếp bước đàn anh là cực khó, rõ ràng nếu đem so sánh về tinh thần thì họ không được như thế hệ đi trước. Ngoài ra, việc game online đang ngày một bùng nổ mạnh mẽ cũng khiến cho mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Giới trẻ hiện nay đa số đều chơi game online, chỉ một phần nhỏ là còn hứng thú với game eSport.

Vâng, những game thủ cũ thì vẫn thích chơi DotA hơn, các game thủ mới thì bị lôi cuốn bởi những tựa game online hấp dẫn thì thử hỏi làm cách nào DotA 2 có thể phát triển mạnh ở Việt Nam? Đến khi trò chơi này chính thức thông báo cho đăng ký miễn phí ư? Có lẽ là không, để DotA 2 có thể phát triển ở Việt Nam thì vấn đề thiết yếu là phải có một “Mạnh Thường Quân” dám đứng ra làm các giải đấu với phần thưởng hấp dẫn.

Tìm đâu ra những giải đấu eSport với quy mô lớn như thế này?

Sở dĩ nói như vậy là bởi giờ đây mọi thứ đều đã bị thương mại hóa, các game thủ cày trâu đều với mục đích kiếm tiền còn nếu nói về chơi vì niềm đam mê thì chắc cả tuần họ mới chơi được một vài trận. Ngoài ra chơi game online vẫn thích thú hơn và nhiều khi may mắn lại có thể kiếm bội tiền. Nhưng đến bao giờ mới tìm được một “Mạnh Thường Quân” đây? 

Chính vì những lý do kể trên mà có thể nhận định rằng ngày DotA 2 vượt mặt DotA tại thị trường Việt vẫn còn rất xa vời bất chấp việc nó có thực sự được chơi miễn phí hay không. Và biết đâu, trong tương lai thì tựa game có thể thay thế DotA Việt lại không phải là DotA 2? Chúng ta hãy cùng chờ xem. 
Xem thêm:

eSport