- Theo Trí Thức Trẻ | 14/07/2015 04:40 PM
The International 5 hứa hẹn sẽ đón nhận một làn sóng mới đầy thú vị từ các game thủ trẻ, những người cực kỳ nổi bật như Zai, Arteezy, Sumail hay Maybe, Cty… Thế nhưng, để dìu dắt thế hệ trẻ đến với những thành công không thể không nhắc đến kinh nghiệm của những bậc lão làng, những tượng đài một thời của DOTA 2 thế giới.
Fear
Vắng mặt đáng tiếc ở The International 4 năm ngoái, Fear đang cực kỳ quyết tâm cùng Evil Geniuses đạt thành tích cao hơn tại The International 5 này.
Fear đã tham dự 3 mùa The International trong nhiều màu áo khác nhau.
Những ai đã từng xem bộ phim “Free to play” chắc hẳn vẫn chưa quên hình ảnh khắc khổ của Fear với chiếc máy tính cọc cạch ban đầu để chơi DOTA 2. Chính nghị lực, quyết tâm cùng với đam mê bất tận đã mang lại thành công cho anh như ngày hôm nay. Được người hâm mộ trìu mến gọi với cái tên “Old man DOTA”, Fear xứng đáng được coi là một tượng đài của DOTA 2 thế giới.
Hình ảnh Fear trong Free to Play.
Lối chơi của anh cũng luôn gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi đối thủ, như chính ý nghĩa của cái tên Fear. Thời còn Arteezy trong đội hình, anh phải hy sinh khá nhiều khi EG luôn muốn tạo khoảng trống để RTZ xanh nhất có thể. Tuy nhiên hiện tại, khi được trả về vị trí carry quen thuộc, và được đồng đội tạo điều kiện để farm nhiều nhất, Fear như hổ trở lại rừng và bắt đầu thi đấu cực kỳ ấn tượng.
Không có tốc độ farm khủng khiếp như RTZ hay Burning, nhưng các vị tướng trong tay Fear luôn đảm bảo lượng đồ cần thiết, cũng như cực kỳ bình tĩnh và kinh nghiệm trong mọi tình huống di chuyển và combat. Fear hiểu cực kỳ rõ vị trí và vai trò của mình trong trận đấu, cũng như anh luôn thể hiện mình là chỗ dựa tinh thần cực kỳ vững chãi cho các thành viên EG trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.
Anti Mage là một trong những tướng tủ của Fear.
Burning
Sau kết quả không như mong muốn cùng DK tại The International 4, Burning từng quyết định giải nghệ, chuyển sang làm stream hoặc huấn luyện viên. Nhưng dường như ngọn lửa đam mê với DOTA 2 trong người anh vẫn đang cháy mãnh liệt. Chỉ ít lâu sau quyết định nghỉ hưu, Burning một lần nữa tái xuất đấu trường chuyên nghiệp, lần này là trong màu áo Invictus Gaming.
Burning trong màu áo Invictus Gaming.
Ngay từ thời điểm trở lại IG, Burning đã chứng tỏ kỹ năng của mình không hề thui chột sau từng ấy thời gian không thi đấu chuyên nghiệp. Nhiều nhận định còn cho rằng anh chính là mảnh ghép hoàn hảo còn thiếu của IG. Quả thật, với phong độ cực cao khi vừa gia nhập, Burning cùng với IG đã đè bẹp hàng loạt các team Trung Quốc cũng như quốc tế ở các giải đấu. IG cũng tạo với VG và LGD thành ba thế lực lớn nhất, luôn cạnh tranh lẫn nhau rất gắt gao của DOTA 2 Trung Quốc.
Thế nhưng, kể từ khi phiên bản 6.84 ra mắt, IG có sự chuyển mình khá chậm chạp trong việc thích nghi với những sự thay đổi. Bằng chứng là chuỗi phong độ bết bát của cả đội suốt từ giai đoạn đó đến tận thời điểm này.
Ferrari_430 vẫn cố gồng gánh đồng đội, nhưng Burning lại không thể hiện được điều đó. Hầu hết những tướng tủ của anh Cháy đều đã out meta trong phiên bản này. Chưa kể, lối chơi của Burning bị nhiều ý kiến đánh giá là khá lỗi thời, vẫn rập khuôn y nguyên phong cách carry của Trung Quốc từ trước đến nay.
Hy vọng, tại The International 5 tới đây, Burning sẽ tỏa sáng và thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình, một lần được đứng trên đỉnh thế giới.
Dendi
Từng được biết đến với tên gọi “thần đồng DOTA 2”, thế nhưng tại thời điểm này, Dendi đã là một lão làng đầy kinh nghiệm của làng DOTA 2 thế giới.
Giành được vô số danh hiệu lớn nhỏ trong màu áo Na`vi, cũng như 3 lần liên tiếp lọt vào trận chung kết tại The International, Dendi đơn giản là đã đạt được hầu hết những vinh quang trong sự nghiệp. Nhưng như anh đã phát biểu “DOTA 2 đã ngấm vào máu thịt của tôi”, đam mê của Dendi vẫn là bất tận. Cứ nhìn cái cách anh ăn mừng sau khi Na`vi vượt qua Vega giành vé trực tiếp tới The International 5 là có thể hiểu, ngọn lửa đam mê của anh vẫn còn rực rỡ lắm.
Dù đã không còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng Dendi vẫn giữ được cho mình kinh nghiệm, cùng chất quái cực kỳ riêng biệt. Lối đánh của anh cũng ít đi những tình huống liều lĩnh, hổ báo như xưa mà thay vào đó là sự bình tĩnh, chắc chắn. Điều này cũng nói lên phần nào sự trưởng thành cả trong lối chơi lẫn suy nghĩ của anh.
Trong giai đoạn Na`vi khủng hoảng, Dendi không một lần đổ lỗi cho bất cứ ai, mà chỉ tự trách mình chưa làm tốt trách nhiệm. Anh cũng không một lần phàn nàn hay bức xúc, mà chỉ buồn bã một cách im lặng rồi lại lao vào tập luyện. Dendi hôm nay đã không còn là “thần đồng” thuở nào, anh đã trở thành một người đàn ông, một cá tính lớn đích thực.
Dendi nay đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Không được kỳ vọng đạt thành tích cao ở The International 5, thế nhưng đừng nên xem thường Dendi và đồng đội nếu không muốn phải trả giá đắt. Na`vi luôn là một ẩn số và bất ngờ trong mọi trận đấu mà họ tham dự.
Universe
Bằng tuổi với Dendi, nhưng dấu ấn của Unvierse lại mờ nhạt hơn khá nhiều so với người đồng nghiệp. Tuy nhiên, sẽ thật là bất công nếu bỏ qua offlaner đang được coi là hay nhất thế giới này.
Anh được đánh giá là offlaner hay và ổn định nhất thế giới thời điểm hiện tại.
Lối chơi của Universe cũng phản ánh đúng tính cách của con người anh, một người trầm tĩnh, không ưa sự hào nhoáng và nổi bật. Universe được coi là offlane tốt nhất thế giới, không hẳn vì kỹ năng của anh là tốt nhất, mà đơn giản là anh hiểu rõ nhất cách để hoàn thành vai trò của mình.
Rất hiếm ở Universe có những tình huống di chuyển lỗi, chết lẻ ở giai đoạn đầu game. Anh chọn cho mình lối chơi chậm rãi, an toàn mà chắc chắn, chấp nhận làm nền cho sự tỏa sáng của đồng đội. Không phải ngẫu nhiên mà RTZ từng phát biểu “Được chơi với Universe là vinh hạnh của tôi”.
Faceless Void trong tay Universe một thời là nỗi kinh hoàng của mọi đối thủ.
Gạt qua sự buồn bực khi RTZ ra đi, Universe tiến cử Sumail thay thế vị trí solo mid. Và chính quyết định dũng cảm này của anh đã khiến EG thoát khỏi cơn đau đầu tìm người lấp đầy vị trí RTZ, khi mà màn thể hiện của Sumail là cực kỳ thuyết phục. Hướng tơi The International 5, Universe cùng đồng đội đang hừng hực khí thế.
Năm ngoái vắng Fear, EG chỉ đạt hạng 3 tại The International 4, xếp sau hai team Trung Quốc là VG và Newbee. Lần này, Universe lộ rõ quyết tâm đạt thứ hạng cao hơn so với năm ngoái, ít nhất cũng phải lọt vào trận chung kết của The International 5.