DOTA 2: Những điều khiến người chơi carry ức chế nhất

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/10/2015 09:00 AM

Cảm giác ức chế là một trong những tâm trạng quen thuộc của các game thủ DOTA 2, đặc biệt là với những người chơi ở vị trí carry.

DOTA 2 là một tựa game đồng đội, cũng như yêu cầu sự gắn kết khá cao giữa các thành viên trong team. Thế nhưng, không phải lúc nào các game thủ của chúng ta cũng thể hiện được tinh thần đoàn kết trước sau như một. Đặc biệt là khi đồng đội có dấu hiệu “lệch sóng” và liên tục làm những điều khiến chúng ta có cảm giác một trận thua đang hiện dần lên trước mắt.

Chính vì thế mà cảm giác ức chế cũng là một trong những tâm trạng quen thuộc của các game thủ DOTA 2, đặc biệt là với những người chơi ở vị trí carry.

Sở dĩ như vậy vì đây là một trong những vị trí chủ chốt nhất trong team. Nếu carry của bạn xanh, trong một thế trận mà cả team có dấu hiệu thọt thì team của bạn vẫn tràn trề hy vọng lật kèo. Đồng nghĩa với việc tinh thần của cả đội sẽ không tới mức suy sụp thảm hại mà vẫn nuôi một niềm tin vào carrier.

Ngược lại, trong một thế trận tăm tối, khi đảo mắt sang carry team bạn và không thấy item đâu thì có lẽ, ý nghĩ của hầu hết các game thủ lúc này chỉ là muốn gõ GG càng sớm càng tốt. Chính vì nắm giữ vai trò quan trọng như vậy, thế nên hầu hết các carry đều luôn mong muốn được đồng đội tạo điều kiện tốt nhất để farm và gánh team.

Nhu cầu cao, thế nhưng không phải carry nào cũng có thể thỏa mãn và hài lòng với những gì mà đồng đội mình mang lại. Không ít trường hợp, các carrier là những người rage và blame chính đồng đội mình.

1. Không được support cắm mắt

Một trong những ức chế phổ biến nhất mà các carry thường dành cho đồng đội, hay cụ thể ở đây là những support chính là việc không được cung cấp lượng sight cần thiết, dẫn tới những mạng chết vô nghĩa. Càng ức chế hơn khi rõ ràng một Observe Ward giờ chỉ có 75 gold – số tiền vô cùng nhỏ nhoi để đổi lấy việc carry của mình có thể yên tâm farm một cách an toàn.

Và rõ ràng việc bực mình như vậy là hoàn toàn có cơ sở, dù bạn cũng có thể tự bỏ ra 75 gold để cắm mắt, nhưng rõ ràng nó không khiến tâm lý của bạn thoải mái cũng như thư thả khi thấy support bên mình tận tụy cắm mắt như công việc thường nhật.

2. Bị bỏ rơi

Gần như không có carry nào muốn rơi vào tình cảnh “được” solo lane ngay từ những level đầu tiên mà không có sự bảo kê của support. Các carry càng khỏe về late thì thường cực kỳ yếu đuối và mỏng manh ở giai đoạn đầu game. Và nếu như thiếu sự chăm sóc, bồi dưỡng của các support thì hầu hết những người chơi carry sẽ phải trải qua một “tuổi thơ” dữ dội, đầy biến động.

Rõ ràng bạn không thể đòi hỏi một hero như Anti Mage hay Naga Siren có thể đi solo lane với ít nhất là 2 hero bên phía đối thủ ở giai đoạn đầu game. Chưa nói tới việc farm được hay không, khả năng được hít level của những hero này cũng đã bị đặt một dấu hỏi.

Ngoài ra, việc tự lực cánh sinh cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ có những camp stack trong mơ, cũng như không bao giờ được định nghĩa khái niệm farm an toàn khi không được bất cứ support nào bảo kê và sẵn sàng chết thuê.

3. Bị KS creep

Đây cũng là một trong những điều ức chế nhất mà các carry hay gặp phải. Ví dụ này càng sinh động hơn nếu bạn cầm Clinkz – hero có animation tương đối khó last hit, đồng thời support cho bạn là một Spirit Breaker có Quelling Blade.

Viễn cảnh chắc ai cũng có thể mường tượng, khi Spirit Breaker sẽ farm chủ đạo, và từ vi trí support vụt sáng thành một core hero. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đẩy Clinkz thành một cỗ máy soi sight di động khi không có item và không thể farm được với đồng đội.

4. Chơi với 4 thằng carry còn lại

Không gì ức chế và khổ sở hơn khi một team không có support, cùng với đó là sở hữu tới 5 carry trong team. Nếu bạn là người pick đầu tiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều cơ sở và lý do hơn để bực mình với 4 gã đồng đội. Tuy nhiên điều đó cũng không giải quyết nhiều vấn đề, khi mà trong 1 thế trận mà ai cũng nghĩ mình có vai trò quan trọng thì chắc chắn hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi.

Những câu hỏi như ai mua gà, ward, smoke, dust sẽ được đặt ra nhưng dường như không ai quan tâm khi ai cũng tự cho mình là carry. Không phải ngẫu nhiên mà DOTA 2 thường có tới 2 support trong một team – chiếm số lượng đông đảo gấp đôi những vị trí còn lại. Và như đa số người chơi DOTA 2 chuyên nghiệp thừa nhận thì support mới là vị trí khó chơi, áp lực nhất so với các role còn lại.

5 carry trong một team thường mang đến những tiếng cười, nhưng là trong cay đắng cũng như sự ức chế, bực dọc cùng với đó là vô số những cụm từ blame lẫn nhau xuất hiện trên màn hình máy tính. Có thể nói tình huống này không phải thảm họa, mà là đại thảm họa với những người chuyên chơi carry.