Arteezy
Có thể nói 2015 là năm đánh dấu khá nhiều sự kiện trong sự nghiệp thi đấu của Arteezy. Cùng với người bạn thân Zai, Arteezy quyết định rời bỏ mái nhà EG – nơi phát triển sự nghiệp của anh để chuyển sang Team Secret với những tham vọng cao hơn.
Thế nhưng, quãng thời gian đầu tiên khi chuyển sang team mới, Arteezy vẫn loay hoay trong việc tìm lại bản ngã của mình. Mặc dù có chuỗi 15 trận toàn thắng ở DAC, nhưng việc không có bất kỳ danh hiệu nào trong khoảng thời gian này là điều không thể chấp nhận được với cá nhân RTZ.
Sau DAC, Team Secret tiếp tục bị loại ở một loạt những giải đấu lớn khác. Chỉ tới khi s4 trở thành người draft, cùng với đó là việc RTZ chấp nhận cố định ở vị trí hard carry mới mang lại những thành công ngoài sức tưởng tượng cho Team Secret. Bắt đầu từ sau chức vô địch ở Redbull Battle Ground, Team Secret, với sự tỏa sáng của RTZ bắt đầu hành trình thâu tóm mọi danh hiệu tại tất cả các giải đấu mà họ tham gia.
Để rồi họ vô địch liền một mạch 4 giải đấu lớn sau đó một cách đầy thuyết phục, với dấu ấn không nhỏ của anh chàng hard carry bất đắc dĩ. Ở thời điểm đó, có sự hỗ trợ tối đa từ những người đồng đội, khi cả s4, Zai lẫn bộ đôi support đầy kinh nghiệm Puppey – Kuroky đều tạo khoảng trống cũng như cố gắng làm RTZ xanh hết mức có thể. Không phụ công những người đồng đội, RTZ làm quen khá nhanh với vị trí mới, và dần dần trở thành một con quái vật đúng nghĩa.
Tốc độ farm của RTZ thời còn là solo mid của EG vốn đã kinh khủng thì nay còn tăng lên một tầng cao mới ở Team Secret. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, RTZ cũng đều có thể farm được lượng item với tốc độ đáng kinh ngạc. Chưa kể, kỹ năng cũng như cách chọn vị trí khi tham gia combat của Arteezy cũng tiến bộ khá nhanh. Ở thời điểm đó, anh gần như là carry hoàn hảo nhất của DOTA 2 thế giới.
Thế nhưng, cá nhân RTZ và Team Secret lại thất bại thảm hại tại giải đấu lớn nhất trong năm: The International 5. Sau giải đấu, RTZ vướng vào scandal khi chỉ trích Kuroky là tác nhân chính trong thất bại của Team Secret. Đồng thời, anh cũng trở về EG, ngay sau khi team này kick Aui_2000. Cái tên RTZ đã gây ra khá nhiều tranh cãi với 2 sự kiện này sau The International 5.
Trong lần thứ 2 tái xuất dưới màu áo EG, RTZ đã không còn nổi bật như trước khi giờ đây anh phải chia sẻ khá nhiều đất diễn với Sumail. Những bãi stack camp, những khoảng trống không còn là của riêng RTZ như trước, vai trò của anh cũng không lớn bằng người đồng đội trẻ tuổi. Thậm chí, trong vài lần hiếm hoi mà EG thất bại như tại The Frankfurt Major thì Arteezy cũng trở thành cái tên đầu tiên bị quy trách nhiệm.
Nếu như giữa năm 2015 là khoảng thời gian mà RTZ bùng nổ đáng sợ thì đầu năm và cuối năm lại là những giai đoạn đi xuống của anh chàng này. Khép lại năm bằng chức vô địch The Summit, Arteezy vẫn sưu tập được cho mình tới 5 chức vô địch trong năm nay và xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu ở vị trí carry trong năm 2015.
Agressif
Ở vị trí thứ 2, không cái tên nào xứng đáng hơn Agressif. 2015 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của CDEC, với chiến công hiển hách của họ tại The International 5 vừa rồi. Góp phần không nhỏ vào chiến công ấy, chắc chắn cái tên nổi bật nhất phải là Agressif.
Trước The International 5, gần như không ai để ý tới cái tên CDEC, nhưng rồi màn thể hiện trên cả tuyệt vời của họ tại giải đấu ấy đã khiến tất cả phải thay đổi suy nghĩ. Lối chơi khoa học, gắn kết với Agressif làm hạt nhân đã phát huy hiệu quả tối đa, giúp CDEC thậm chí còn vượt qua vô vàn ông lớn khác để trở thành đội đầu tiên lọt vào chung kết của TI5.
Tuy không thể vượt qua cái bóng quá lớn của EG ở trận đấu cuối cùng, nhưng những gì mà Agressif cùng đồng đội làm được chắc chắn đã để lại rất nhiều dấu ấn. Cũng từ thời điểm đó, CDEC vươn lên trở thành một trong những team tier 1 của Trung Quốc, thay thế cho IG đã quá suy yếu.
Bản thân Agressif cũng trở thành món hàng hot ngay sau giải đấu đó, nhưng rồi anh quyết định vẫn ở lại với CDEC để hướng tới những danh hiệu trong tương lai. Khi mà những Sylar, Burning, Hao đều đã qua thời đỉnh cao, Agressif đang là carry số một của khu vực Trung Quốc thời điểm hiện tại. Lối chơi thông minh, đặc biệt là khả năng ra vào combat cực kỳ hợp lý đã làm nên thương hiệu Agressif.
Anh cũng chính là người chơi Phantom Lancer tinh quái và hiệu quả nhất thế giới, khi những quyết định lên item thông minh tùy theo hoàn cảnh của anh luôn khiến mọi đối thủ phải bất ngờ về sự hiệu quả.
Fear
Bố già của làng DOTA 2 thế giới đã có 1 năm 2015 thu hoạch tương đối thành công, khi EG vô địch 2 giải đấu lớn nhất là DAC và The International 5. Dày dặn kinh nghiệm cùng bản lĩnh, Fear luôn là người đội trưởng thứ 2 cũng như chỗ dựa vững chắc cho những người đồng đội.
Tại những giải đấu lớn, tố chất của Fear càng được thể hiện rõ nét. Hiếm khi người hâm mộ thấy anh chết nhảm, hoặc di chuyển lỗi. Thay vào đó là những bước đi tuy có phần chậm rãi hơn so với các game thủ trẻ nhưng lại đầy tinh quái, chắc chắn.
Tốc độ farm của Fear chắc chắn không bằng những RTZ, Agressif nhưng bù lại, khả năng bao quát bản đồ cũng như đưa ra những quyết định cuối cùng của anh luôn đảm bảo mang lại những lợi thế cho đồng đội. Không quá chú tâm vào farm, Fear luôn là người hy sinh tham gia combat từ sớm, tạo khoảng trống cho Sumail có thể xanh nhất có thể. Nếu không có sự tỏa sáng của “bố già”, EG khó lòng vô địch được The International 5.
Mặc dù từ khi Arteezy trở lại, Fear đã lùi xuống vị trí support nhưng những đóng góp và cống hiến của anh vẫn xứng đáng để đưa tên của “bố già” vào danh sách những carry tiêu biểu của năm.
Xét tới các carry khác, EE-sama có sự bùng nổ từ khi gia nhập Team Secret, nhưng quãng thời gian trước đó, anh chàng này ghi nhiều dấu ấn bằng những tình huống ngáo ngơ và thất vọng ở Cloud9 hơn. Những Sylar, Burning hay Hao đều không đáng được nhắc đến trong một năm thảm họa của DOTA 2 Trung Quốc. Duy chỉ có RTZ và Agressif là 2 carry tiêu biểu nhất năm vẫn đang ổn định ở đội tuyển của mình.