DOTA 2: Một chút hoài niệm về đội hình All-Star cùng các “lão tướng”

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/01/2016 11:34 AM

Hãy cùng hoài niệm về đội hình All-Star tập hợp những lão tướng DOTA 2 từ thời The International 1 nhé.

Năm 2015 và đã chứng kiến những cái tên đầy mới lạ, tài năng và trẻ tuổi gia nhập đấu trường DOTA 2 chuyên nghiệp. Đi đầu trong làn sóng thú vị đó là những Sumail, Miracle hay w33 và rất có thể trong năm 2016 này, vẫn còn nhiều cái tên nữa đang ẩn mình và chờ cơ hội thể hiện như Badman, game thủ 8k MMR của máy chủ châu Âu.

DOTA 2 phát triển là như vậy, nhưng liệu có ai còn để ý tới những cựu binh một thời của DOTA 2, cái thời mà The International 1 mới ra mắt. Không ít người trong số họ đã trở thành những tượng đài và vẫn luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Hãy cùng hoài niệm về đội hình Allstar tập hợp những lão tướng từ thời The International 1 nhé.

Carry: Burning (dự bị XBOCT)

Mặc dù không thể cùng EHOME giành chức vô địch The International 1, khi gục ngã trước chính Dendi của XBOCT trong trận chung kết nhưng chắc chắn rằng cái tên Burning vẫn nhiều sức nặng hơn anh 4 trong cuộc chạy đua vào vị trí carry chủ lực của đội hình Allstar này.

Ngay từ khi vẫn còn gắn bó với DOTA 1, Burning đã nổi danh toàn cầu bằng lối chơi chì chạc, chắc chắn và cực kỳ khoa học cũng như hiệu quả của mình. Sang DOTA 2, phong cách ấy vẫn không thay đổi nhiều khi ở thời kỳ đỉnh cao, anh vẫn là cái tên nổi bật nhất trong đội hình EHOME và DK huyền thoại.

Mặc dù XBOCT có thể 3 lần vào chung kết The International trong 3 mùa liên tiếp, nhưng xét về đẳng cấp và kỹ năng, Burning vẫn là nhất. Điều đáng tiếc duy nhất là đến thời điểm này, khi phong độ đã có dấu hiệu sa sút, Burning vẫn chưa có bất kỳ lần nào được nâng cao chiếc khiên Aegis tại các kỳ TI.

Solo mid: Dendi (dự bị Ferrari_430)

Không có ai ngoài Dendi xứng đáng hơn cho một vị trí solo mid trong đội hình các lão tướng Allstar. Anh đã từng ở trên đỉnh thế giới, đã từng thăng hoa và bùng nổ như những nghệ sĩ thật sự.

Ở Dendi, khán giả thấy được sự hoa mỹ, bình tĩnh và cực kỳ hiệu quả trong từng pha xử lý, từng trận đấu. Là gương mặt tiêu biểu nhất trong đội hình Na`vi ở 3 kỳ The International đầu tiên, Dendi đã trở thành tượng đài trong làng DOTA 2 thế giới và xứng đáng có tên trong danh sách này.

Ferrari_430 mặc dù cũng xuất sắc và đã được thừa nhận rộng rãi nhưng anh còn thua xa Dendi về sự nổi tiếng và đặc biệt là độ dị. Chưa kể, tính giải trí mà Dendi mang lại cho khán giả qua từng game đấu là khá cao, khác xa với sự nghiêm túc và try hard mà Ferrari_430 luôn thể hiện.

Offlane: iceiceice (dự bị YYF)

Giống với người đồng đội cũ Burning, iceiceice cũng đã nổi tiếng ngay từ thời DOTA 1. Mặc dù thi đấu rất nỗ lực và đã tham dự cả 5 kỳ The International, thế nhưng ấn tượng cũng như thành tích của iceiceice tại đấu trường này là không nhiều.

Tuy nhiên, mặc dù cả đội có trồi sụt như thế nào thì iceiceice vẫn luôn giữ được thương hiệu của mình. Khả năng phán đoán bản đồ cực kỳ tinh tế, óc nhạy bén và nhãn quan siêu việt, cùng với đó là những tình huống xử lý trên cả tuyệt vời cùng sự mãn nhãn, iceiceice đã trở thành thần tượng trong lòng người hâm mộ.

Nếu xét trên bình diện các offlane trên toàn thế giới hiện nay, chỉ có Universe là người được đánh giá ngang bằng với iceiceice về mặt đẳng cấp.

YYF tuy không được đánh giá cao về mặt kỹ năng như iceiceice nhưng anh lại có sự chắc chắn, cũng như khả năng lãnh đạo tuyệt vời. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp iG của anh đăng quang The International 2 với lối chơi vô cùng an toàn và chắc bài. Và ngay sau khi YYF giải nghệ, iG cũng suy yếu tức thì khi tới thời điểm này, vẫn không cái tên nào đủ sức thay thế anh trong vai trò lãnh đạo.

Support: Puppey + ChuaN

Bàn về bộ đôi support, có rất nhiều những cái tên đã trở thành huyền thoại như 820 hay ArtStyle, nhưng trong đội hình Allstar này, xét về mặt ổn định và danh hiệu thì ChuaN và Puppey xứng đáng góp mặt nhất.

Cả 2 đều đã một lần nâng cao chiếc khiên Aegis, cùng với việc gần như chưa từng vắng mặt tại bất kỳ mùa The International nào trong lịch sử cũng góp phần giúp họ vào ngôi đền lịch sử này. Về Puppey thì có lẽ không phải bàn nhiều, khi chính tài năng cũng như tố chất lãnh đạo bẩm sinh đã biến anh thành game thủ bỏ túi nhiều chức vô địch DOTA 2 nhất trong lịch sử.

Từ Na`vi cho tới Team Secret, ở đâu Puppey cũng biết cách tạo dấu ấn và mang lại thành công cho những người đồng đội.

ChuaN béo thời gian gần đây tuy có hơi trầm lắng sau khi rời bỏ mái nhà thân quen iG, nhưng đó có lẽ là quyết định để nâng tầm bản thân của anh. Vốn được biết đến như một trong những người chơi đầy kỹ năng cũng như sở hữu cá tính mạnh, ChuaN hoàn toàn không phù hợp với một iG đang tỏ ra hết động lực và định hướng kể từ sau YYF giải nghệ. Cùng với Puppey, ChuaN xứng đáng đứng trong đội hình Allstar của các lão tướng này.