DOTA 2: Lý giải thất bại của Evil Geniuses trong trận chung kết trước Alliance

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/01/2016 01:42 PM

Trước khi bước vào trận chung kết DOTA 2 Starladder, không nhiều người đặt niềm tin vào Alliance, mặc dù phong độ của họ đang cực kỳ bùng nổ.

Phần đông các fan hâm mộ DOTA 2 khi đó vẫn nghiêng về một kết quả có lợi dành cho EG, khi đẳng cấp của họ là điều đã được khẳng định, thêm vào đó là phong độ cực kỳ vững vàng trong thời gian gần đây.

Thế nhưng, Alliance đã thật sự làm nên cơn địa chấn khi hủy diệt nhà đương kim vô địch thế giới chỉ sau hai game đấu một cách đầy thuyết phục. Nếu như sự xuất sắc của Alliance là điều mà ai cũng thấy thì khó có thể tìm ra lý do thuyết phục cho màn thể hiện yếu kém đến bạc nhược của Arteezy cùng đồng đội trong trận chung kết vừa rồi. Trước khi trách các yếu tố khách quan thì có lẽ Evil Geniuses nên tự trách bản thân mình trước.

Chủ quan khinh địch

Trước trận đấu, trong khi bên phía Alliance tỏ ra khá dè dặt khi được đề cập đến triển vọng đăng quang thì ngược lại, phía EG tỏ ra hoàn toàn tự tin vào một chiến thắng. Nếu như những tài năng trẻ như Sumail, Arteezy tự mãn còn có thể hiểu được nhưng đến cả một Universe lão luyện thậm chí còn công khai phát biểu họ đã nghiên cứu, hiểu rất kỹ và tìm ra cách khắc chế tối đa lối chơi thường thấy của Alliance trong giải đấu.

Mặc dù tự tin là đức tính tốt, đặc biệt là khi EG sở hữu ppd, một người có thể coi là ông vua draft. Nhưng nên nhớ, bên phía Alliance cũng có s4, lão làng dày dặn và đặc biệt trưởng thành hơn nhiều sau quãng thời gian khoác áo Team Secret. Ngay ở game đấu thứ nhất, s4 đã tỏ ra trên cơ ppd một bậc khi Alliance có được gần như đội hình tủ của mình.

Bulldog có Nature Prophet, s4 được cầm Puck trong khi bộ đôi IO – Wraith King của EGM và Loda đã giúp Alliance gần như hủy diệt toàn bộ đội hình bên phía EG. Những pick lạ từ phía ppd như Luna hay Jakiro hoàn toàn tỏ ra thiếu sự hiệu quả.

Có thể phần nào hiểu được ý đồ của EG, khi họ chủ trương pick một đội hình cũng với xu hướng push để đáp trả lại chiến thuật bên phía Alliance, tuy nhiên khả năng càn lướt cũng như sự cơ động của bộ đôi Wraith King – IO đã giúp Loda cùng đồng đội hoàn toàn làm chủ trận đấu ngay từ những phút đầu tiên. Một chiến thắng đơn giản dành cho Alliance ngay ở game đấu thứ nhất.

Mặc dù bị hủy diệt hoàn toàn chỉ sau 27 phút ở game đấu thứ nhất, nhưng ppd dường như vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm cho bản thân. Alliance tiếp tục có Chen của Akke, Juggernaut cầm bởi Loda và đặc biệt là Lone Druid trong tay Bulldog.

Mặt khác, chiến thuật của EG cũng trở nên bị động, khi họ pick Spectre cho Arteezy với ý đồ nuôi late lộ liễu. Batrider, Zeus hay Venormancer là những quân bài giúp EG def trước những đợt công phá mạnh mẽ từ phía Alliance. Ý đồ là vậy, nhưng nó đã phá sản ngay khi bước vào trận đấu.

Lane 3 của EG gần như không thể gây bất kỳ sức ép nào lên phía Bulldog, trong khi 2 support của họ mất quá nhiều thời gian để vừa đì đọt Bulldog, vừa bảo kê cho Sumail ở mid trước sự hung hãn tới từ s4. Trong khi Fear và ppd di chuyển trong vô định thì Akke cũng như EGM lại tỏ ra cực kỳ tinh quái trong những pha roam gank của mình.

Đây là trận đấu của riêng Bulldog và Akke, khi chỉ riêng hai người họ với sở thú của mình đã khiến EG ngộp thở. Arteezy không có nhiều khoảng trống để farm trước áp lực mà phía Alliance tạo ra. Vô vọng chống đỡ, EG kéo dài game đấu tới phút 34 rồi cũng phải ngậm ngùi gõ GG trong cay đắng.

Chưa thích nghi với meta game mới

Ngoài ra, không thể bỏ qua yếu tố meta game đã tác động cực lớn đến lối chơi của EG. Họ vẫn chưa thật sự làm chủ cũng như quen được với những thay đổi mà phiên bản 6.86 mang tới. EG thiếu một chiến thuật nhất quán và xuyên suốt như cách mà đối thủ của họ, Alliance đã thể hiện trong suốt giải đấu.

Sau khi thất bại trong việc đấu push, EG ngay lâp tức trở lại với lối chơi sở trường đã giúp họ lên ngôi tại TI5, nhưng tiếc rằng nó đã không còn hợp thời. Họ vẫn thi đấu rất hay và đầy bản lĩnh khi gặp những đối thủ cùng cảnh ngộ, tức là vẫn chưa bắt kịp meta game hiện tại như LGD.Gaming hay Vega. Nhưng trước một Alliance quá tinh quái và linh hoạt thì EG không có bất cứ cơ hội nào.

Mặc dù thất bại tại Starladder chưa phải là thảm họa đối với EG, khi đẳng cấp cũng như phong độ của họ vẫn đang cực kỳ ổn định. Nhưng đây cũng là bài học xương máu dành cho những nhà đương kim vô địch thế giới.

Mọi thứ luôn vận động và nếu không bắt kịp với guồng quay mới, EG hoàn toàn có thể tụt hậu và đánh mất chính mình, mà thất bại vừa rồi là minh chứng không thể rõ ràng hơn dành cho những Fear, Sumail hay Arteezy.