Đôi điều về việc tăng/giảm sức mạnh các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 07/06/2014 04:00 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Thông thường, khi nói đến chuyện giảm sức mạnh của một vị tướng Liên Minh Huyền Thoại nào đó, người ta sẽ nghĩ ngay tới việc giảm những chỉ số trực tiếp của vị tướng đó, tiêu biểu như sát thương hay khả năng chống chịu.

Cứ mỗi đợt cập nhật phiên bản mới, người chơi Liên Minh Huyền Thoại lại xôn xao về việc tướng nào sẽ bị giảm sức mạnh và giảm tới đâu. Thông thường, những tướng bị “đụng chạm” là những kẻ đang thể hiện sức mạnh vượt trội so với các vị tướng khác và đe dọa tới việc phá vỡ cân bằng trận đấu. Dẫu vậy, không ít người cảm thấy nuối tiếc khi nhìn những vị tướng bị giảm sức mạnh quá nhiều khiến chúng không còn vị trí trong thi đấu. Vậy tại sao Riot Games lại thường xuyên giảm sức mạnh của các vị tướng?

Các cách để giảm sức mạnh một vị tướng

Thông thường, khi nói đến chuyện giảm sức mạnh của một vị tướng nào đó, người ta sẽ nghĩ ngay tới việc giảm những chỉ số trực tiếp của vị tướng đó, tiêu biểu như sát thương hay khả năng chống chịu. Tất nhiên đó là một phần nhưng với LMHT, một vị tướng bị giảm sức mạnh bởi nhiều cách hơn thế. Giảm chỉ số trực tiếp là một cách, cách khác chính là việc báo hiệu cho đối phương về những hành động mà vị tướng đó chuẩn bị thực hiện. Ví dụ gần đây là Corki với kỹ năng Bom Phốt Pho. Đây là một kỹ năng dồn sát thương lớn và trước kia khi Corki sử dụng kỹ năng này, nó sẽ ngay lập tức gây sát thương và khiến đối phương không thể đề phòng.

Đôi điều về việc tăng/giảm sức mạnh các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại 1

Nhận thấy điều đó, Riot Games quyết định biến Bom Phốt Pho thành một kỹ năng định hướng có đường đạn kèm theo việc báo hiệu cho đối thủ về phạm vi ảnh hưởng của kỹ năng ở dưới chân. Như vậy, những người chơi cứng tay hoàn toàn có thể né được kỹ năng này đồng thời tránh được lượng dồn sát thương lớn mà Corki đem lại. Morgana cũng là ví dụ điển hình khi chiêu cuối của cô ta hiển thị phạm vi tối đa mà sợi xích còn tác dụng. Nói cách khác, nếu đối thủ cố gắng vượt ra được khu vực đó, sợi xích sẽ bị đứt và chiêu cuối của Morgana sẽ không phát huy được hiệu quả. Như vậy, có thể thấy rằng, hạn chế chỉ số trực tiếp của một vị tướng không phải là cách duy nhất để giảm sức mạnh của chúng.

Tăng/giảm sức mạnh chỉ là tương đối

Khi một vị tướng bị giảm sức mạnh, nhiều khả năng chúng sẽ trở nên yếu đuối hơn so với những vị tướng khác. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chỉ giảm nhẹ sức mạnh của vị tướng hiện tại và tăng sức mạnh cho các vị tướng khác. Dẫu vậy, cả hai điều này đôi khi không đem lại tác dụng ngay lập tức. Thực tế chỉ ra rằng, một số vị tướng sau khi bị giảm sức mạnh vẫn cực kỳ bá đạo trong khi những vị tướng khác được tăng khá nhiều chỉ số vẫn lận đận trong việc tìm chỗ đứng cho riêng mình.

Đôi điều về việc tăng/giảm sức mạnh các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại 2

Sở dĩ như vậy bởi sức mạnh của các vị tướng trong LMHT dựa khá nhiều vào trình độ người chơi. Hãy lấy ví dụ như Kha'Zix với một đợt giảm sức mạnh đáng kể khi bị giảm sức mạnh kỹ năng Nếm Mùi Sợ Hãi và chỉ được tăng một chút vào chiêu cuối Đột Kích Hư Không. Tuy nhiên, chính điều này, tưởng như giết chết Kha'Zix, lại mở ra cho hắn một lối đi hoàn toàn mới mẻ với việc người chơi Kha'Zix sẽ chọn nâng cấp chiêu cuối trước nhằm tạo ra một lượng chống chịu tương đối cho Kha'Zix trong khi vẫn đảm bảo sát thương đầu ra lớn.

Một cái tên khác là Lee Sin, Thầy Tu Mù. Anh ta đã có mặt ở LMHT từ rất lâu rồi và hiển nhiên, anh ta cũng đã bị giảm sức mạnh cực nhiều. Từ một vị tướng siêu cơ động có thể bay nhảy linh hoạt và thi đấu tốt ở cả đường trên, đường giữa và đi rừng, Lee Sin gần như chỉ còn có thể xuất hiện trong khu vực rừng trong những trận đấu hiện tại. Thế nhưng, nhìn lại những giải đấu lớn, những trận đấu đỉnh cao, Lee Sin luôn là một con bài ưa thích của nhiều đội. Điều này có được bởi sức mạnh của Lee Sin trong tay những người chơi đẳng cấp, Lee Sin có thể tạo ra vô số những tình huống đặc sắc. Nói như vậy để thấy rằng, một vị tướng bị giảm sức mạnh không phải là đã mất đi tất cả.

Đôi điều về việc tăng/giảm sức mạnh các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại 3

Ở phía ngược lại, một vị tướng dù được tăng chỉ số khá nhiều nhưng chưa chắc đã ngay lập tức có được vị trí. Ví dụ như Kog'Maw ở phiên bản 4.4 được chỉnh sửa khá nhiều với những kỹ năng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Kog'Maw vẫn không thực sự có chỗ đứng vững chắc trong các trận đấu đỉnh cao ở mọi khu vực, điều mà những vị tướng khác như Lucian hay Twitch đang có được. Nói như vậy để thấy rằng, việc tăng/giảm sức mạnh của một vị tướng chỉ là tương đối. Việc chúng được ưa chuộng hay thất sủng phụ thuộc nhiều vào chiến thuật hiện hành hơn là những chỉ số sức mạnh trực tiếp.

Mở ra những hướng đi mới

Không phủ nhận rằng, có khá nhiều trường hợp đáng buồn khi một vị tướng bị giảm sức mạnh, chúng lập tức bị đẩy vào quên lãng. Để khắc phục điều này, Riot Games có thể hướng tới việc tăng thêm sức mạnh cho những vị tướng khác (điều mà họ đã rất nỗ lực làm xuyên suốt thời gian qua) hay đơn giản là mở ra những hướng đi mới. Gragas là ví dụ khá điển hình trong việc này khi anh ta, từ một pháp sư đường giữa rất mạnh, trở thành một tướng đỡ đòn với việc bộ kỹ năng được chỉnh sửa khá nhiều. Một vài vị tướng khác được trở lại nhờ ăn theo các trang bị hoặc chiến thuật như trường hợp của Master Yi, Warwick,... ở vị trí đi rừng với sự thay đổi của Lồng Đèn Wriggle.

Đôi điều về việc tăng/giảm sức mạnh các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại 4

Hi vọng rằng, trong tương lai, những vị tướng đã bị giảm sức mạnh sẽ có cơ hội trở lại đấu trường chuyên nghiệp trong khi những vị tướng khác sẽ giữ được vị thế của mình để tạo ra sự đa dạng trong việc lựa chọn tướng.