Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 25/03/2013 04:12 PM

Mô hình quản trị của Valve được gọi là Miền đất phẳng - Flat land, họ có hơn 300 nhân viên nhưng không hề có một ông sếp hay quản lí nào.

Giống như mọi công ty công nghệ nổi tiếng khác, tại văn phòng của Valve có đủ mọi thứ: cà phê, tiện nghi làm việc tuyệt vời, khu vực thư giãn và giải trí cho nhân viên, dịch vụ giặt là. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở công ty đứng phía sau những tựa game đình đám DOTA 2, Counter Strike, Portal là: không có một ông sếp nào cả.

Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve  1
Mr. Valve – Hình ảnh quen thuộc với các tựa game mà công ty này sản xuất.

Với hầu hết mọi người, một văn phòng không có quản lí giống như một đội bóng mà không có huấn luyện viên, nhưng tại Valve thì khác. Kể từ khi được thành lập từ năm 1996, Valve không có quản lí, cũng không có việc giao dự án. Thay vào đó, 300 nhân viên của công ty này sẽ làm việc cho bất kì dự án nào mà họ thấy thích, và không cần phải báo cáo về công việc cho bất kì ai. Điều này được khẳng định qua website của công ty, và Sổ tay hướng dẫn nhân viên mới của Valve.

Sổ tay này cũng nêu rõ, ngay cả người sáng lập Valve Coporation, Gabe Newell cũng không can thiệp vào công việc của các nhân viên. Một nhân viên của Valve, Greg Coomer, cho biết: “Tôi nghĩ về căn bản ông ấy là CEO, nhưng buồn cười là tôi cũng không chắc về việc đó”.

Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve  2
Valve handbook.

Các dự án của Valve sẽ được thực hiện khởi đầu bằng việc tạo lập các nhóm và tự các nhân viên sẽ nhận phần việc phù hợp với mình, một ai đó sẽ đứng ra nhận trách nhiệm leader, nhưng tất cả đều dựa trên sự tự nguyện. Bàn làm việc tại Valve được thiết kế gọn nhẹ với các bánh xe, để một người có thể chuyển từ nhóm này sang nhóm khác bất kì lúc nào, điều họ cần chỉ là sự đồng ý của những người trong nhóm.

Vấn đề đánh giá nhân viên cũng hoàn toàn dựa trên  cơ chế dân chủ: một người sẽ được các đồng nghiệp của anh ta đánh giá theo những yếu tố như: khả năng làm việc và những đóng góp của người đó cho cả nhóm và dự án. 

Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve  3
Bàn làm việc với những bánh xe.

Việc tuyển dụng hay sa thải cũng dựa trên cơ chế tương tự. Yanis Varoufakis, chuyên viên kinh tế đang làm việc tại đây cho biết: “Mọi việc tiến hành rất đơn giản. Tôi và bạn tán gẫu tại hành lang, hay trong một phòng hội thảo nào đó, bất kì đâu. Kết quả là chúng ta nhận thấy cần phải có thêm một kĩ sư phần mềm, hay họa sĩ, nhà tạo hình, hay chuyên viên phần cứng. Hay một vài người trong số họ. Điều chúng ta có thể làm là, gửi email cho những đồng nghiệp khác ở Valve và mời họ tham dự trong việc thành lập một ủy ban tìm kiếm nhằm mà không cần có sự cho phép của người quản lí, đơn giản là vì chẳng có người quản lí nào cả”.

Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve  4

Nhược điểm lớn của hệ thống quản trị phẳng như thế này là nếu một ai đó làm việc không tốt, sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra và khắc phục vấn đề. Gabe Newell cho biết: “Nếu ai đó làm hỏng chuyện, chúng tôi không có nhiều biện pháp quản lí để phát hiện ra điều đó. Chúng tôi xác định rằng mọi người phải biết việc mà họ đang làm. Trong quá trình phát triển Half-Life 2, một trong những nhân viên đã đưa ra nhiều quyết định dở tệ. Không có hệ thống nào giám sát, cho nên chúng tôi mất thêm tận 6 tháng để phát hiện ra nó. Nó khiến tất cả mọi người phải làm việc nhiều hơn rất nhiều”.

Cùng đến với mô hình quản trị kì lạ của Valve  5

Vậy làm sao một tổ chức có phần “lộn xộn” như vậy vẫn có thể làm việc hiệu quả và cho ra đời sản phẩm đỉnh cao? Valve cho biết, mấu chốt là ở nhân tố con người. Việc tuyển dụng một ai đó được coi là vai trò quan trọng nhất của một nhân viên công ty, họ phải tìm được những người có đủ khả năng và yêu thích công việc, bởi mục tiêu của họ không chỉ là lợi nhuận, mà còn ở việc tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.