Công ty Trung Quốc đòi bồi thường 20 tỷ VNĐ vụ tố Gcafe bị sử dụng trái phép

Chidotoji  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/08/2015 01:27 AM

Công ty ShunWang vẫn khẳng định rằng Gcafe đang bị sử dụng trái phép tại Việt Nam và họ yêu cầu các bên có liên quan bồi thường số tiền 20 tỷ VNĐ.

Sau buổi họp báo “Giới thiệu chủ sở hữu chính thức của Gcafe đồng thời khởi kiện yêu cầu các bên ngừng cung cấp trái phép dịch vụ này tại Việt Nam”. Chúng tôi đã liên lạc lại với đại diện bên phía công ty ShunWang (Trung Quốc) và nhận được một số phản hồi hết sức thú vị.

Theo đó, đáng lẽ buổi họp báo kể trên sẽ được tiến hành lâu hơn nhưng vì một số sự cố bất ngờ nên thời lượng của nó đã bị rút ngắn lại, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 15 phút. Nhằm giải đáp một số thắc mắc của mọi người, đại diện phía công ty ShunWang đã có một số chia sẻ thêm cụ thể và chi tiết hơn.

Buổi họp báo của công ty ShunWang diễn ra chóng vánh vì gặp sự cố bất ngờ?

Buổi họp báo của công ty ShunWang diễn ra chóng vánh vì gặp sự cố bất ngờ?

Theo đó, iCafe Mavin (bản gốc của Gcafe) là sản phẩm hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và phân phối độc quyền của công ty ShunWang. Sau đó, phần mềm này đã được nhiều đơn vị mua lại để phát hành tại một số quốc gia trên thế giới. Trong đó, ShunWang có ký kết Hợp đồng phân phối phần mềm iCafe Mavin tại Việt Nam với Công ty Garena Singapore với thời hạn từ ngày 01/02/2012 đến ngày 28/02/2015.

Khi Hợp đồng hết hạn, phía công ty ShunWang đã có thông báo với Công ty Garena Singapore về việc gia hạn hợp đồng. Trong thời gian đó ShunWang điều tra được rằng phần mềm iCafe Mavin vẫn đang được triển khai tại Việt Nam và ngay lập tức họ đã đưa ra những cảnh báo về mặt pháp lý với Garena Singapore. Sau đó, công ty Garena Singapore cũng xác nhận là đã chấm dứt việc phân phối phần mềm này tại Việt Nam.

Phần mềm Gcafe vốn đã hết hạn phân phối tại Việt Nam?

Phần mềm Gcafe vốn đã hết hạn phân phối tại Việt Nam?

Mặc dù vậy, công ty ShunWang tiếp tục phát hiện ra rằng, trên thực tế, tại Việt Nam có phần mềm Gcafe đang được phân phối bởi Công ty Cổ Phần Tin Học Hòa Bình, là phần mềm sao chép phần mềm iCafe Mavin của họ.

Nghiêm trọng hơn, công ty Shunwang nhận thấy Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình vẫn tiếp tục thu phí các phòng máy đang sử dụng các sản phẩm này, đồng thời tiếp tục ký hợp đồng với các chủ  phòng máy và thu lợi từ phần mềm sao chép Icafe Mavin, thứ được phát hành dưới tên gọi Gcafe.

Với hơn 26.000 đại lý Gcafe, trung bình mỗi đại lý có 25 máy tính, công ty Hòa Bình thu khoảng 6.000đồng/máy/tháng thì đến nay, sau 5 tháng "xâm phạm bản quyền", công ty Hòa Bình được cho là đã thu lợi từ các chủ phòng máy tại Việt Nam với số tiền lên đến 20 tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, phía công ty ShunWang đã đưa ra 3 "yêu sách" khá cứng rắn, cụ thể như sau:

1. Chấm dứt hành vi vi phạm bao gồm: Chấm dứt phân phối, triển khai, sử dụng, sao chép phần mềm Gcafe trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Yêu cầu công ty Hòa Bình phải đền bù thiệt hại 1 triệu USD, tương đương với số tiền được thu lợi bị cho là "bất hợp pháp" từ 26.000 phòng máy từ ngày 01/03/2015 đến 12/08/2015.

3. Lập tức gỡ bỏ phần mềm Icafe Mavin được phát hành trái phép dưới tên gọi phần mềm Gcafe ở máy tính của tất cả các đại lý, cá nhân tại Việt Nam.

Kết

Rõ ràng, cho tới thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn được ai đúng, ai sai trong cuộc tranh chấp bản quyền phân phối Gcafe tại Việt Nam. Bên phía công ty ShunWang mặc dù đã đưa ra rất nhiều văn bản chứng cứ pháp lý, nhưng họ vẫn chưa có hành động nào cụ thể ngoài việc tổ chức buổi họp báo chóng vánh cả.

Trong khi đó, đại diện phía công ty cổ phần tin học Hòa Bình cũng đã lên tiếng và đưa ra các bằng chứng khẳng định bản quyền sử dụng và phân phối phần mềm Gcafe của mình.

Giấy đăng ký bản quyền tác giả với phần mềm Gcafe do công ty cổ phần tin học Hòa Bình cung cấp!

Giấy đăng ký bản quyền tác giả với phần mềm Gcafe do công ty cổ phần tin học Hòa Bình cung cấp!

Mọi thông tin về vụ việc này sẽ liên tục được chúng tôi cập nhật!