5 hạn chế có thể khiến Heroes of the Storm "thảm bại" khi ra mắt

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/05/2015 01:15 PM

Heroes of the Storm sẽ chính thức ra mắt cộng đồng người hâm mộ trong mùa Hè 2015.

Theo ý kiến của phần đông cộng đồng Heroes of the Storm, bên cạnh khá nhiều mặt tích cực, vẫn còn một số điều mà Blizzard cần lưu ý với tựa game này.

Picture 1

1. Giá cả trong hệ thống cửa hàng của game còn khá đắt đỏ

Picture 2

Heroes of the Storm có một tính năng rất hay khi cho phép người chơi có quyền thử mọi vị tướng trong hệ thống cửa hàng trước khi thật sự quyết định mua. Tính năng này rất hay và xứng đáng để các tựa game khác học theo. Tuy nhiên, một phần lý do ra mắt tính năng này cũng vì hệ thống vật phẩm cũng như tướng trong Heroes of the Storm là khá đắt đỏ. Nhất là khi mà Heroes of the Storm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để ra mắt, cũng như cần phải chứng tỏ nhiều hơn nếu muốn cạnh tranh với các tựa game MOBA khác hiện nay.

Có thể làm một phép so sánh đơn giản giữa HotS với 2 tựa game MOBA đang hot nhất hiện nay là DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại, cũng là hai đối thủ cạnh tranh chính của HotS. DOTA 2 cho phép người chơi có quyền sử dụng mọi vị tướng mà họ ưa thích trong game, không phân biệt cấp độ hay khả năng của người chơi. Liên Minh Huyền Thoại không giống với DOTA 2 khi người chơi vẫn phải sử dụng vàng trong game hoặc Riot Point (tiền nạp thẻ) để mở khóa các vị tướng hoặc các trang phục ưa thích. Thế nhưng, giá đắt nhất của một vật phẩm trong Liên Minh Huyền Thoại cũng chỉ khoảng 10$ ~ 200.000 đồng.

Cũng tương tự như thế, những trang phục trong HotS thường có giá dao động từ 5-10$ mỗi bộ, mặc dù một vài bộ có thể mở khóa bằng một lượng lớn vàng (khoảng 10000 vàng). Tuy nhiên, vẫn có những bộ trang phục mà giá mua lên đến hơn 20$, thường được người chơi gọi là Ultimate Skins.

Thế nhưng, dù đắt đỏ như vậy nhưng các fan vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu vì chúng thường là những bộ trang phục đẹp cũng như thú vị nhất đối với hero đó. Những Ultimate Skins còn cung cấp thêm một số động tác, biểu tượng cũng như âm thanh ngộ nghĩnh cho những vị tướng sở hữu. Tất nhiên, không phải toàn bộ Ultimate Skins đều đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trên, ví dụ như vị tướng Nazeebo có một bộ trang phục khiến hero này trông như một chú hề, và làm không ít người chơi thất vọng sau khi sở hữu.

2. Hạn chế về giao tiếp trong team trước trận đấu

Picture 3

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa Heroes of the Storm và Liên Minh Huyền Thoại đó là sự thiếu sót cũng như hạn chế trong quá trình trước khi bắt đầu trận đấu. Trừ khi bạn chơi với những người bạn của mình trên Battle.net hoặc chơi trong chế độ Hero League (yêu cầu bạn phải đạt cấp độ 30), còn lại, không có cách nào để bạn có thể liên lạc với đồng đội của mình trước khi trận đấu bắt đầu.

Điều này sẽ gây khá nhiều trở ngại cho người chơi khi không thể biết đồng đội của mình chọn hero nào, cũng như không thể thống nhất chiến thuật trong team từ trước trận đấu. Khá nhiều trường hợp sau khi vào game, người chơi nhận ra cả team mình đều chọn những hero support, và khả năng lớn nhất là họ sẽ mắc kẹt trong game đấu đó một thời gian khá dài, và có rất ít cơ hội chiến thắng.

Heroes of the Storm vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm closed beta, thế nên Blizzard vẫn còn thờ gian để lưu tâm và khắc phục những hạn chế này. Người chơi rất mong muốn Blizzard có thể phân loại vị trí của những người chơi và kết hợp họ lại thành một team đồng đều và hoàn hảo, ngoài ra cộng đồng cũng hy vọng sẽ được cải thiện để có thêm những giao tiếp trong team trước khi trận đấu diễn ra. Tuy nhiên với việc Blizzard đã nói trước về sự độc đáo trong hệ thống giao tiếp của mình, khả năng cải thiện vấn đề này của HotS vẫn còn đang bỏ ngỏ.

3. Một số bản đồ không có gì đặc sắc

Picture 4

Một trong những điểm nổi bật của Heroes of the Storm so với các tựa game MOBA khác là về sự đa dạng trong khâu thiết kế. Thay vì xây dựng trò chơi xung quanh một bản đồ duy nhất, Blizzard đã xây dựng nhiều hệ thống bản đồ cho HotS với tính năng và mục đích riêng biệt. Có những bản đồ như Dragon Shire hay Cursed Hollow yêu cầu người chơi phải kiểm soát những khu vực, địa điểm nhất định. Cũng có một số bản đồ như Haunted Mines, người chơi sẽ phải chiến đấu một cách trực diện nhằm thu thập những tài nguyên cần thiết.

Thế nhưng, với hệ thống bản đồ đa dạng như vậy nhưng không phải bất cứ bản đồ nào cũng nhận được đánh giá tích cực từ người chơi. Một số bản đồ, ví dụ như Sky Temple nhận được nhiều đánh giá khá tiêu cực từ phần đông người chơi sau khi trải nghiệm nó. Buồn tẻ, chán ngán, và chỉ phù hợp nếu bạn có những người chơi thật sự hiểu ý – điều rất khó xảy ra với việc phân bổ người chơi hiện nay của Blizzard.

4. Gameplay của trò chơi khá đơn giản và đơn điệu

Picture 5

Chơi Heroes of the Storm, bạn sẽ có một trải nghiệm mới hoàn toàn khác so với những tựa game MOBA thịnh hành hiện nay Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2. Mặt tích cực thì đây là tựa game ít căng thẳng hơn rất nhiều so với 2 game MOBA kể trên. Bạn có thể tìm đến HotS để thư giãn, giải trí sau một ngày học tập hoặc làm việc vất vả mà không quan tâm quá nhiều đến thắng thua. HotS mang tính giải trí và thư giãn cao hơn hẳn nếu so với DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại. Thế nhưng, nếu đứng trên góc độ của một game thủ, hệ thống và cách chơi HotS quá đơn điệu và giản dị so với hai tựa game kia.

Trong HotS, bạn không có hệ thống gold và item. Điều này làm người chơi không cần lưu tâm đến việc last hit những con quái vật trên bản đồ. Bạn chỉ cần tiêu diệt chúng để nhận được lượng kinh nghiệm cần thiết. Mặt khác, bạn chỉ có những Talent – những kỹ năng hỗ trợ sẽ theo bạn đến hết trận đấu mà không cách gì thay đổi, bạn không thể bán cũng như thay thế chúng như những item trong các tựa game khác. Điều này khiến gameplay của HotS trở nên dễ nhàm chán và không khơi gợi được nhiều sự sáng tạo từ game thủ.

Dù vẫn được đánh giá cao ở khía cạnh thư giãn và giải trí, nhưng với hệ thống gameplay đơn giản và không có nhiều đột phá, HotS khó có thể cạnh tranh được với 2 ông lớn trong làng MOBA là DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại.

5. Cốt truyện và tạo hình tướng cũ kỹ

Picture 6

Ngoài ra, những vị tướng trong HotS lấy ý tưởng cũng như cốt truyện từ những tựa game kinh điển một thời như WarCraft hay Diablo. Điều này cũng làm hạn chế khá nhiều sự sáng tạo cũng như các vị tướng mới ra mắt đều đã khá nhẵn mặt với người chơi. Vì tạo hình cũng như tên tuổi của các vị tướng trong HotS, khá nhiều người chơi đã thuộc lòng và quen mặt sau khi chơi những custom map như DDay, hay DOTA 1.

Picture 7

Bên cạnh đó, do bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nguyên mẫu trong từ những hero trong cốt truyện trước đó của Blizzard. Một số hero mới ra mắt của HotS có tạo hình bị người chơi đánh giá là khá đơn điệu, rập khuôn theo những mẫu cũ và không có sự sáng tạo, phát triển cũng như không đáp ứng kỳ vọng của phần đông người hâm mộ.

Sẽ là tốt hơn nếu Blizzard có thể xây dựng cho HotS một chỗ đứng cũng như một hình ảnh riêng của mình mà không phụ thuộc quá nhiều vào các tựa game trong quá khứ. Điều đó sẽ càng thúc đẩy sự phát triển, cũng như sáng tạo từ phía cả người chơi cũng như đội ngũ thiết kế. Hy vọng trong tương lai, HotS sẽ có một bản sắc riêng và đặc biệt của mình, một thứ đi vào tâm trí người hâm mộ mà chỉ cần nhắc đến thôi sẽ khiến cộng đồng người chơi nhớ ngay đến tựa game HotS.

>> Tiểu sử của Kael’thas: Tướng mới ra mắt trong Heroes of the Storm