Hành trình của Puszu ở Fnatic
Khởi đầu tệ hại ở
LMHT LCS Châu Âu (4-6), Fnatic quyết định chấm dứt hợp đồng với nRated và đẩy YellOwStaR xuống hỗ trợ trong nỗ lực cải thiện tình hình. Họ đã rất chật vật trong việc tìm kiếm một xạ thủ đủ khả năng gánh vác đường dưới và Puszu – vốn chỉ là một người chơi xếp hạng ở máy chủ châu Âu – là cái tên được chọn.
Puszu (thứ 2 từ phải qua) trong màu áo Fnatic.
Bất chấp mọi nghi ngờ, game thủ người Estonia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng thế khi cùng Fnatic trở lại mạnh mẽ ở LCS và lọt vào top 4 đội xuất sắc nhất thế giới. Có thể hành trình ở Fnatic đã chấm dứt, nhưng những đóng góp của Puszu đã được cộng đồng ghi nhận và chắc chắn anh sẽ còn tỏa sáng trong tương lai.
Evil Geniuses: cuộc chia ly
Evil Geniuses (tiền thân là CLG.EU) là một trong những đội tuyển lâu đời nhất của LMHT thế giới. Sau thất bại trong việc giành vé tham dự Chung kết mùa ba, bộ ba Snoopeh, Krepo và Yellowpete đã quyết định tìm kiếm thử thách mới ở khu vực Bắc Mỹ.
Từ trái qua: Yellowpete - Krepo - Wickd - Snoopeh - Froggen.
Trong khi đó, Froggen và Wickd rời đội để đầu quân cho Alliance, tiếp tục chinh chiến ở châu Âu. Thành tích của hai đội hiện tại là khá tốt khi EG vượt qua DTG 3-0 để có được suất tham dự LCS Bắc Mỹ còn Alliance thì thắng áp đảo Dignitas 2-0 trong khuôn khổ Đại chiến Đại Tây Dương.
Sự thống trị của Cloud 9
Khởi đầu với thất bại tại vòng loại LCS Mùa xuân, Cloud 9 dưới sự dẫn dắt của Hai và LemonNation đã tập luyện không ngừng nghỉ với quyết tâm giành được chiếc vé ở giai đoạn sau. Có được sự bổ sung sức mạnh cần thiết từ Meteos, C9 đã hoàn toàn lột xác và đè bẹp compLexity Gaming 3-0 để chính thức bước vào sân chơi lớn nhất khu vực.
Hai – đội trưởng của Cloud 9.
Không ngủ quên trên chiến thắng, các chàng trai C9 kết thúc giai đoạn vòng bảng với thành tích khủng 30-3 và lên ngôi vương thuyết phục. Ở đấu trường quốc tế, họ cũng có kết quả khá tốt (thắng 1 thua 1) sau hai loạt trận Bo3 với Fnatic – một trong những đội mạnh nhất châu Âu vào thời điểm hiện tại.
Kỷ nguyên thống trị của Taipei Assassins đã chấm dứt
Với màn trình diễn thuyết phục ở giai đoạn cuối mùa giải thứ hai, tưởng như Taipei Assassins sẽ duy trì đế chế của mình trong một thời gian dài. Tuy nhiên sau sự ra đi của người quản lý Erika cùng đội trưởng MiSTakE (chuyển sang Taipei Snipers), TPA bắt đầu sa sút không phanh.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Taipei Assassins.
Tháng 6/2013, người hâm mộ đón nhận tin dữ khi Toyz không thể tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp (chấn thương tay) còn Stanley thì nghỉ hưu. Lilballz bị đẩy xuống dự bị và tuyên bố giải nghệ không lâu sau đó. Thất bại trong việc giành suất tham dự chung kết mùa ba và Taipei Assassins chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Edward
Mặc dù kết thúc vòng bảng LCS ở vị trí thứ hai cùng Gambit nhưng Edward vẫn dứt áo ra đi bởi những vấn đề trong việc giao tiếp. Đến với Bắc Mỹ, siêu sao người Armenia đã giúp cho Team Curse – mặc dù có khởi đầu chật vật – giành được vé tham dự vòng đấu loại trực tiếp.
Edward tái hợp các đồng đội cũ ở Gambit.
Kết thúc cuộc phiêu lưu ở nước ngoài, có tin đồn cho rằng anh sẽ tham gia SuperTeam cùng Froggen nhưng Edward đã quyết định trở về mái nhà xưa. Gambit như hổ mọc thêm cánh và đang thể hiện một bộ mặt hết sức thuyết phục, giống như thời còn thi đấu dưới cái tên Moscow Five.
SK Telecom T1 Faker
Sau màn trình diễn LeBlanc ấn tượng trước với MVP Blue, Faker bắt đầu được người hâm mộ chú ý. Thần đồng của SKT T1 liên tục thể hiện khả năng thiên phú với vốn tướng khổng lồ qua từng trận đấu.
Thần đồng Faker (thứ 2 từ trái qua).
Thuật ngữ #ThingsFakerDoes (tạm dịch: Những điều chỉ có Faker làm được) trở nên cực kỳ phổ biến, đặc biệt là sau pha tay đôi Zed thần thánh cùng KT Ryu. Chức vô địch chung kết thế giới mùa ba là thành quả xứng đáng cho nỗ lực của SKT T1 nói chung và Faker nói riêng.
Cuộc cách mạng ở SK và CLG
Thành tích nghèo nàn buộc SK Gaming phải thay máu đội hình. Lần lượt Kev1n, hyqrBot rồi ocelote ra đi, thay vào đó là Jesiz, Svenskeren (người đi rừng cũ của NIP), Freddy122 (cựu thành viên aAa). Trong trận chiến trụ hạng, mặc dù bị dẫn trước 2-0 nhưng SK với những nỗ lực không biết mệt mỏi đã thắng liền 3 ván còn lại. Đội trưởng Nyph sau đó cũng đã rời đội để gia nhập Alliance.
Cuộc cải tổ của CLG bắt đầu từ thời điểm HotshotGG nghỉ hưu để tập trung cho việc quản lý. Sau khi kết thúc LCS Mùa hè ở vị trí thứ 5, bigfatlp cùng Chauster cũng tiếp bước người đội trưởng cũ của mình. Các thành viên hiện tại gồm có: Nien, Dexter (đang trong giai đoạn thử nghiệm), Link, Doublelift, Aphromoo.
Tabe – người anh cả của Royal Club Huang Zu
Một trong những điểm nhấn của Vòng chung kết thế giới mùa ba là việc Royal Club Huang Zu giành được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng LMHT, đặc biệt là sau cuộc phỏng vấn với đội trưởng Tabe. Thái độ khiêm nhường cùng những chia sẻ chân thật khiến cho game thủ này rất được lòng người hâm mộ.
Người đội trưởng mẫu mực của Royal Club Huang Zu.
Tầm ảnh hưởng của Tabe cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của Royal. Từng nghỉ hưu một lần nhưng anh đã trở lại vì muốn giúp đỡ người bạn thân Wh1t3zZ. Thần đồng Uzi cũng từ chối đánh cặp với tất cả các hỗ trợ trừ Tabe.
Sau ngôi á quân thế giới, Tabe chính thức nghỉ hưu. Trong một lần công khai chỉ trích nền LMHT nước nhà, anh đã bị Hiệp hội Thể thao Điện tử Trung Quốc cấm tham gia bất cứ đội tuyển nào trong tương lai.
Team SoloMid
Là một trong những đội có ít sự thay đổi về mặt nhân sự nhưng những mâu thuẫn nội bộ đã khiến Chaox phải ra đi và thay thế anh là WildTurtle. Bất chấp vụ việc lùm xùm đó, Team SoloMid thể hiện một bộ mặt khá ấn tượng và lọt vào Top 2 (với 1 chức vô địch) ở cả hai giai đoạn LCS.
WildTurtle là sự thay thế hoàn hảo của Chaox.
Tuy nhiên chừng đó là không đủ để TSM có thể tiến xa ở chung kết thế giới và Reginald cũng lui về hậu trường không lâu sau đó. Bjergsen của NIP là người được chọn thay thế, hứa hẹn sẽ đem một luồng gió mới cho đội tuyển đến từ Bắc Mỹ.
Giấc mơ Mỹ của Quantic Gaming
Mọi chuyện bắt đầu khi 3 thành viên của MiG Blitz quyết định chuyển tới Bắc Mỹ cùng Locodoco để thi đấu dưới cái tên Quantic Gaming. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, họ đã giành được chiếc vé đến vòng bảng và tràn trề hy vọng tham dự LCS 2014.
Sự nghiệp của Locodoco không mấy suôn sẻ.
Khởi đầu như mơ với 2 chiến thắng nhưng Quantic lại bất ngờ để thua ở 3 trận còn lại, đồng nghĩa với việc giấc mơ chấm dứt. Họ không được gia hạn visa và phải trở về nước trong sự thất vọng. Locodoco tuyên bố rằng anh sẽ tập trung vào học và đoạn tuyệt với LMHT chuyên nghiệp.
Đại chiến LMHT Đại Tây Dương
Với mong muốn giải quyết mâu thuẫn giữa hai khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, Riot Games đã tổ chức giải đấu Đại chiến LMHT Đại Tây Dương nhằm phân định thắng thua. Mặc dù châu Âu có nhiều trận thắng hơn nhưng Bắc Mỹ mới là khu vực giành chiến thắng cuối cùng theo hệ thống tính điểm. Có lẽ phải chờ đến Siêu sao đại chiến 2014 chúng ta mới có được câu trả lời chính xác cho vấn đề này.
Siêu sao đại chiến 2013
Siêu sao đại chiến 2013 đã kết thúc tốt đẹp với nhiều sự kiện đáng nhớ:
- Trận chiến 1vs1 Bo5 giữa sOAZ và Wickd để chọn ra đại diện của châu Âu.
- InSec với pha combo tạo nên thương hiệu và chiến thắng trước Diamondprox.
- Pha Pentakill của Doublelift.
- Lần xuất hiện cuối cùng của Toyz ở đấu trường quốc tế cùng danh hiệu ‘’Người đi đường giữa xuất sắc nhất’’.
- Phong độ chói sáng của PDD và Madlife.
Cú xPeke
Vẫn luôn là một trong những người chơi hàng đầu khu vực châu Âu nhưng pha thi đấu trong trận gặp SK đã đẩy tên tuổi xPeke lên một tầm cao mới. Cộng đồng LMHT đã có thêm một thuật ngữ mới ám chỉ việc backdoor: Cú xPeke!