Có thể nói với mỗi người chơi DOTA 2 chuyên nghiệp, việc được có mặt và thi đấu tại giải đấu Dota 2 danh giá này đã là phần thưởng lớn hơn tất cả. Nhưng cuộc sống của một người chơi DOTA 2 chuyên nghiệp đâu chỉ có thể sống bằng việc hít thở bầu không khí của The International mỗi năm được. Chính vì thế, tuy nhiều player DOTA 2 chuyên nghiệp nói tiền không phải là tất cả khi họ đến với giải đấu này, nhưng từ lâu sự phân bố giải thưởng của The International từ lâu đã luôn là vấn đề khá bức xúc.
Cụ thể, tại The International 3 có 16 đội tham gia. Đội vô địch ẵm trọn 50% quỹ giải thưởng, đội hạng nhì được 22% và các vị trí tiếp theo đó được 10%, 7%, 4% và 1.5% ở vị trí thứ 8, khiến 8 đội còn lại ra về tay trắng. Liquid và Fnatic, 2 đội đạt vị trí thứ 7 và 8 đã ra về với số tiền $43,116, số tiền có thể nói là tương đương với vị trí vô địch ở nhiều giải đấu khác tại thời điểm đó.
Liên tục các mốc giải thưởng bị phá dễ dàng.
The International 4 đã gây một cơn sốt khi Compendium và những hệ thống điểm thưởng của Valve đã góp phần đẩy mức tiền thưởng lên hơn 6 triệu đô tính đến thời điểm hiện tại. Nếu The International 4 áp dụng mức chia giải thưởng như cũ, đội thứ 7-8 sẽ có số tiền ~$75,000.
Thiết nghĩ, việc phân bổ số tiền thưởng khổng lồ này nên được thay đổi để tạo nhiều điều kiện hơn cho các đội chơi còn lại. Chúng ta đều biết, việc duy trì một nguồn thu ổn định là điều kiện cần để một tổ chức hay đội chơi nào đó hoạt động tốt. Và việc duy trì nguồn thu ổn định qua các giải đấu là một thách thức không nhỏ mà Valve cũng đã thể hiện trách nhiệm giúp đỡ của mình qua các kênh phụ để hỗ trợ cho các đội như Compendium cards, các hero sets mang tên những pro player, pennant cho team. Tất cả những điều đó thể hiện Valve hoàn toàn muốn xây dựng một nguồn thu ổn định cho các đội chơi môn thể thao này của họ, mà không hoàn toàn đặt mình vào vị trí trung tâm khiến các đội chơi phải lệ thuộc vào như Blizzard đã làm với StarCraft 2.
Một cách để đảm bảo nguồn thu cho các đội chơi ngoài các kênh phụ kia, chính là phân bố giải thưởng cho tất cả các đội tham gia The International. Với trình độ của các player như hiện nay mà chúng ta cũng đã thấy qua các trận đấu Qualifiers, việc được có mặt tại The Seattle nói không ngoa cũng là một thành công không hề nhỏ cho các đội. Một chút phần thưởng cho sự thi đấu của họ chắc chắn không chỉ làm tăng chất lượng các trận đấu, mà còn góp phần xây dựng, tăng sự nghiêm túc của các đội để đến được giải đấu này.
Với quỹ giải thưởng hoàn toàn có khả năng đạt mốc 10 triệu đô sau 2 tháng nữa với tốc độ như thế này, việc trích 0.5%-1% cho 8 đội chơi còn lại gần như ảnh hưởng rất ít đến những mức thưởng khổng lồ ở các vị trí đầu. Cũng như, khuyến khích những tổ chức eSport khác đầu tư nhiều hơn vào DOTA 2 khi nguồn giải thưởng đang ngày càng ổn định (các giải đấu lớn đều có Compendium). Tiền chắc chắn không phải là tất cả nhưng, tiền đã luôn là vấn đề đau đầu cho những đội chơi chuyên nghiệp.