eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn?

longtx  - Theo Helino | 10/07/2018 04:49 PM

Đã quá lâu rồi, phải ngót chục năm kể từ khi StarBoba tan rã, tôi chẳng thấy các team eSport Việt có thành tích nào đáng kể.

Mới đây nhất, 2 đại diện của Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) Việt Nam là GAM và EVOS lại thất bại ê chề tại Rift Rivals 2018. Dù khu vực đối đầu với chúng ta không quá mạnh, nhưng kết quả các chàng trai Việt vẫn chưa thể khẳng định được mình trên trường quốc tế.

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 1.

Archie - "cựu" Starboba, lớp game thủ hiếm hoi còn thi đấu tới thời điểm này. Tuy nhiên anh vẫn chưa tìm lại được ánh hào quang xưa. Anh cùng GAM trắng tay tại Rift Rivals 2018.

Nhìn vào thực trạng nền eSport nước nhà có thể thấy rằng: Thể Thao Điện Tử bước đầu đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Các hãng phần cứng đã bắt đầu bỏ tiền vào tài trợ cho các đội tuyển. Điều này đã giúp cho đời sống của game thủ đi lên, có lương thưởng và việc tập luyện cũng vì thế mà thuận lợi hơn trước rất nhiều. Song so với lớp đàn anh, những người "đấu vì đam mê không màng vật chất" thì lớp trẻ còn thua kém rất nhiều.

Trước đây, những Starboba - DotA, 1st.vn - Counter Strike, clan ProA với lớp tuyển thủ Thuốc Lào bộ môn Starcraft, BlackMoon bộ môn Warcraft 3... từng khuynh đảo các giải đấu trong và ngoài nước, đem về những vinh quang mà đến nay, đã hơn chục năm chúng ta chưa được thấy lại.

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 2.

Team Starboba đem về vinh quang khi vô địch WCG 2009.

Có lẽ, nhiều game thủ tâm huyết sẽ không khỏi chạnh lòng vì eSport Việt Nam như một chú bé nhưng mãi chẳng chịu ăn, chịu lớn và chăm sóc được bản thân. Xuất hiện từ sớm nhưng sau một thời gian, các giải đấu lớn thưa dần rồi mất tích hoặc may mắn thì dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát nên dần kém thu hút trong cộng đồng. Vậy vì đâu nên nỗi?

Nhìn lại eSport Việt thủa sơ khai

Trên thực tế thì những game mang tính chất eSport đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1996. Sớm nhất phải kể đến Warcraft II, Need for Speed II và Quake II rồi tiếp tục đến Age of Empires, Starcraft, Counter Strik e. Khi đó, việc tiếp cận game còn khó khăn bởi chưa nhiều game thủ sở hữu máy tính riêng, hầu hết phải ra quán game. Thêm nữa, đại đa số game này đều được chơi trên mạng LAN vì tại thời điểm đó Internet vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó độ phổ biến chưa cao và cộng đồng bị phân mảnh rõ rệt bởi sự kết nối hạn chế. Những game thủ lão làng thời này thường vào mạng qua Dial-up để tìm hiểu cốt truyện, chiến thuật hay đơn giản là tải wallpaper của game về máy nhằm thỏa mãn đam mê.

Thời gian này đã dần hình thành nên một lớp game thủ đông nhưng trình độ vẫn "tầm trung" do phát triển tự phát, ít có các giải đấu cọ xát hay bởi thói quen sử dụng những map tự tạo quá nhiều lợi thế. Rõ rệt nhất là Starcraft , những map "nhiều tiền" có thể bắt gặp ở bất cứ hàng net nào, game thủ không cần phải lo lắng về mặt tài nguyên mà chỉ đơn giản là xây quân và "vác" sang nhà nhau mà thôi.

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 3.

Một map Starcraft rất được ưa thích trong cộng đồng game thủ Việt Nam.

World Cyber Games – giải đấu eSport tầm cỡ quốc tế bắt đầu tổ chứcvào năm 2002 đã thổi một làn gió mới vào cộng đồng nước nhà, khi Việt Nam có đại diện tham dự bộ môn Age of Empires II: The Conquerors . Tuy Việt Nam không có được bất kỳ giải thưởng nào bởi trình độ của ta so với game thủ thế giới vẫn còn cách khá xa, nhưng sự kiện đó đã phần nào thu hút sự chú ý của cộng đồng và dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Theo thời gian, thành tích của Việt Nam cũng đã dần được cải thiện, xuất hiện nhiều hơn những game thủ có kỹ năng cao, cùng với đó là sự phối hợp ngày càng ăn ý giữa các thành viên trong đội. Có thể thấy rõ ở game FIFA , game thủ của chúng ta đã vào tới vòng 1/16 trong hai năm liên tiếp 2005, 2006. Rực rỡ nhất có lẽ là ở kỳ WCG Asian Championship 2009, ở bộ môn DotA All-Stars và FIFA 09 đã mang về hai tấm huy chương vàng danh giá, giúp quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra tầm châu lục. Ngoài ra đội tuyển Việt Nam tham dự các giải eSport thế giới đều nhận được nhiều giải thưởng.

Thị trường game thi đấu và thể thao điện tử (eSports) tại Việt Nam từng có khoảng thời gian khá hưng thịnh với những Counter-strike 1.6, Age of empires, Starcraft, DotA, Warcraft, Crossfire . Nhưng cộng đồng không giữ được lửa lâu dài, một số game dần bị loại bỏ khỏi các giải đấu và quan trọng nhất là chính bản thân các giải đấu cũng thưa dần đi rồi mất tích. Đơn cử như World Cyber Games cũng dần thu hẹp quy mô (chỉ tổ chức ở Hà Nội), đưa vào các game "lạ"rồi "chết hẳn" (đầu năm 2014).

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 4.

Giải đấu WCG lụi tàn rồi mất hẳn.

Tại sao eSport Việt chưa hưng thịnh đã sớm lụi tàn?

Có thể kể ra một vài nguyên nhân dễ nhận thấy nhất dẫn đến ESport Việt Nam "sớm nở tối tàn" như vậy. Đầu tiên có lẽ là sự phát triển tự phát, nhỏ lẻ thiếu sự định hướng trong cộng đồng của các game thể thao điện tử nước nhà

Khái niệm về eSport chưa được xã hội thừa nhận rộng rãi. Chúng ta có thể cảm nhận được một số định kiến không tốt về thể thao điện tử từ chính các bậc phụ huynh khi họ coi việc chơi game là vô bổ, tốn thời gian, sức khỏe cho con em thậm chí còn gây ra nhiều tệ nạn. Cũng chính vì vậy, chơi game cũng không được coi là một nghề chính thống, game thủ khó có thể kiếm ra tiền từ niềm đam mê và đủ để trang trải cho cuộc sống, gia đình.

Ngay cả khi game thủ vượt qua tất cả để phục vụ cho việc thi đấu đỉnh cao. Đến khi có cơ hội ra nước ngoài thi đấu lại gặp vô vàn khó khăn về tài chính, thủ tục Visa hay rào cản ngôn ngữ. Trên thực tế đã có nhiều team buộc phải dang dở giấc mơ vì chính những tồn tại trên.

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 5.

SF5 đã phải nhường bước cho đối thủ vì không thể hoàn thành thủ tục VISA.

Hầu hết giải game được tổ chức trong quy mô nhỏ, mang tính cục bộ địa phương (đa phần tại Hồ Chí Minh và Hà Nội) và không thường xuyên nên khó có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Có thể thấy rõ vào thời điểm chục năm trở về trước, dễ dàng bắt gặp các trận đấu nhỏ chỉ để trả tiền net hay tiền nước và đến nay vẫn phải duy trì, bởi lẽ các giải lớn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thiếu sân chơi chuyên nghiệp, tầm cỡ khiến cho game thủ khó nâng cao được trình độ và cộng đồng rời rạc thiếu gắn kết.

Tuổi thọ của game ngắn

Game eSport hay bất cứ game nào khác cũng đều phải tuân theo một vòng đời sản phẩm nhất định. Game hay có thể "sống" được 3 đến 5 năm, tùy thuộc vào sự quan tâm của cộng đồng. Trong khi chúng ta còn chưa kịp bắt nhịp với "luật chơi lớn" thì trên thế giới đã chuyển sang một game mới. Có thể kể đến Starcraft, Warcraft III hay Age of Empire . Các trò chơi này xuất hiện ở Việt Nam từ sớm nhưng hầu như chỉ phát triển về lượng chứ chưa đạt được về chất. Giải đấu vẫn chỉ quẩn quanh trong tiệm net, địa phương mà không có sự đầu tư đúng mực. Những ProA.ThuocLao (Starcraft), Moon (Warcraft III) hay ChimSeDiNang (AoE) đều là những cá nhân có kỹ năng cao nhất nhì tại VN nhưng khi đi ra thế giới họ vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng cho mình. Và rồi khi vòng đời sản phẩm đã hết, lại xuất hiện Starcraft II, DotA 2, Leage of Legend game thủ lại phải làm quen từ đầu, trong một điều kiện thiếu thốn.

Sự cạnh tranh từ các game online

Một lý do cũng khá quan trọng, đó là ngày càng nhiều game MMO (online) với nhiều sự lựa chọn và thể loại. Đa số các game này không đòi hỏi nhiều kỹ năng, dễ tiếp cận, hay có sự ưu ái thái quá cho việc nạp tiền để mua vật phẩm dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng trong "thế giới ảo".

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 6.

Thiếu định hướng, các game eSport như DOTA 2, Overwatch không tạo được dấu ấn tại Việt Nam.

Nguyên nhân đến từ nội tại game thủ

Sự thiếu đoàn kết trong cộng đồng game thủ, tình trạng game thủ khi chơi một game này thường bài kích, chê bai tẩy chay các game cùng thể loại. Có thể thấy được thông qua "cuộc chiến không hồi kết" giữa LMHT và DOTA 2. Mỗi bên đều có lập luận và quan điểm riêng để yêu thích game của mình, nhưng không hề muốn chấp nhận nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Ngoài ra, văn hóa chơi game của game thủ Việt cũng chưa thực sự tốt. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều trò chơi bản thế giới đã phải cấm IP của Việt Nam . Bởi lẽ họ thường xuyên thiếu ý thức, troll game hay đơn giản là sử dụng "tiếng mẹ đẻ" vô tội vạ (spam) trong một môi trường quốc tế.

Ngoài ra vấn nạn hack cũng là một thực trạng nhức nhối trong nhiều game phát hành tại Việt Nam. Lạm dụng công cụ hỗ trợ, phần mềm can thiệp vào game đã dẫn đến những hệ lụy buồn như DotA 1 hay Đột Kích luôn trong tình trạng "sống chung với lũ", coi tool hack trong mỗi trận đấu là một phần tất yếu.

eSport Việt Nam: Biết đến bao giờ mới chịu lớn? - Ảnh 7.

Kiêu ngạo và đôi khi sẵn sàng chỉ trích đồng đội không thương tiếc.

Nhà phát hành chung quan điểm: Tự lo lấy thân

Trong eSport, không thể không kể đến các nhà phát hành game bởi chính họ đã giúp game thủ có thể tiếp cận và thưởng thức game một cách trọn vẹn nhất.

Hiện nay, có lẽ chỉ có hai game eSport thành công nhất tại Việt Nam là Liên Minh Huyền Thoại và FIFA Online . Đây là hai sản phẩm cùng được phát hành bởi Vietnam ESports. Họ có sự đầu tư bài bản từ hệ thống giải đấu, stream, caster, cơ sở vật chất cho đến mức thưởng ngày một nâng cao hơn qua các năm. Cộng đồng gây dựng có sự kết nối cao, định hướng chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu phát triển. Nhưng LMHT cũng đã đi qua chặng đường dài, gần đến cuối chu kỳ của một tựa game; Fifa Online 3 thì cũng sắp đóng cửa. Có lẽ phải rất rất lâu nữa, eSports Việt Nam mới có thể "chập chững" bước ra thế giới bên ngoài.