Elon Musk tự tin về công nghệ 'cấy chip não'

Đông Phong  ttvn.toquoc.vn | 19/06/2023 04:52 PM

(Tổ Quốc) - Elon Musk cho biết thử nghiệm cấy ghép não Neuralink đầu tiên trên người có thể bắt đầu ngay trong nửa cuối năm 2023.

Elon Musk tự tin về công nghệ cấy chip não - Ảnh 1.

Neuralink, startup công nghệ thần kinh do tỷ phú Elon Musk đồng sáng lập, cho biết đã nhận được sự đồng thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên con người.

Lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào năm 2017, Neuralink là một BCI (Brain Computer Interface) có thể được cấy ghép bằng robot phẫu thuật (hiển thị trong hình trên). Khi thiết bị Neuralink được cấy vào não bệnh nhân, nó có thể giao tiếp với máy tính bên ngoài. Tóm lại, nó cho phép bộ não của bạn kết nối với công nghệ.

Với việc được các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cấp phép, Elon Musk cho biết thử nghiệm cấy ghép não Neuralink đầu tiên trên người có thể bắt đầu ngay trong nửa cuối năm 2023 này. “Có vẻ như trường hợp đầu tiên sẽ xảy ra vào cuối năm nay,” vị tỷ phú cho biết trong bài phát biểu tại sự kiện VivaTech ở Paris mới đây. Tuy nhiên, Elon Musk từ chối đề cập đến những thông tin chi tiết khác như có bao nhiêu bệnh nhân sẽ được cấy ghép và trong bao lâu.

Trên thực tế, Neuralink đã bắt đầu chương trình tiếp nhận tình nguyện viên đăng ký vào đầu năm nay. Trong đó, người tham gia sẽ được đánh giá tổng quát xem liệu họ có đủ điều kiện sơ bộ cho các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai hay không. Công ty cho biết trên trang web của mình rằng "bất kỳ ai ở Hoa Kỳ ít nhất 18 tuổi và ở độ tuổi trưởng thành theo quy định tại tiểu bang nơi họ sinh sống. Những người muốn tham gia phải cam kết chấp nhận rủi ro bị liệt tứ chi, liệt nửa người, giảm thị lực, mất thính lực và/hoặc không có khả năng nói.

Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận xung quanh khả năng sử dụng Neuralink, nhưng trọng tâm hiện tại của công ty là giúp những người bị liệt nửa người hoặc liệt tứ chi có cuộc sống dễ dàng và bình thường hơn. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách cho phép bệnh nhân điều khiển các thiết bị, chẳng hạn như điện thoại thông minh và chuột máy tính, chỉ bằng việc sử dụng suy nghĩ của họ.

Ngoài thiết bị cấy ghép, Neuralink cũng đã thiết kế một robot phẫu thuật chuyên dụng để thực hiện quá trình cấy ghép. Cho đến nay, công ty chỉ tiến hành nghiên cứu trên động vật.

Neuralink nghe có vẻ như là một bước nhảy vọt thú vị về mối quan hệ giữa con người và máy tính. Tuy nhiên việc cấy ghép các thiết bị điện tử, dù là tối tân nhất vào não bộ đã làm dấy lên không ít lo ngại hoặc thậm chí gây nên ám ảnh về sự xâm phạm đến quyền riêng tư cũng như gây nguy hại cho sức khỏe con người. Sẽ thế nào nếu gần như mọi suy nghĩ của chúng ta đều được máy móc thu thập và gửi về cho Neuralink? Đó thực sự là một kịch bản tồi tệ của công nghệ tưởng chừng như siêu việt này.