- Theo Trí Thức Trẻ | 23/11/2021 07:29 PM
Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc được chuyển thể thành phim nhiều nhất. Phiên bản năm 1986 do đạo diễn Dương Khiết thực hiện gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Tuy nhiên, ở thời điểm phiên bản này ra mắt, nó vẫn không vượt qua được sự thành công của phiên bản 1978 do Nhật Bản sản xuất.
Khác với các phiên bản của Trung Quốc có tạo hình nhân vật sát với nguyên tác, tạo hình các nhân vật trong phiên bản Nhật Bản có sự thay đổi đáng kể. Điểm khiến khán giả ngạc nhiên và gây tranh cãi nhiều nhất là việc nhà sản xuất đã mạnh dạn để diễn viên nữ thủ vai Đường Tăng.
Tây Du Ký năm 1978 do hai đài truyền hình lớn đầu tư sản xuất với số vốn lên đến 1 tỷ yên, thuộc dự án được đầu tư mạnh tay nhất thời đó. Hiệu ứng hình ảnh do chuyên gia nổi tiếng của điện ảnh Nhật Bản là Nakano Akira, Takano Koichi (đạo diễn của series Ultraman) đảm nhận với sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật lành nghề.
Vai diễn Đường Tăng do nữ diễn viên xinh đẹp Natsume Masako thủ vai. Ngoài ra, các nhân vật quen thuộc như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đều có vẻ ngoài khá giống với người bình thường thay vì kỳ lạ như bản 1986.
Nhân vật Đường Huyền Trang của Natsume Masako được khán giả Nhật Bản yêu thích nhờ tính cách nhẹ nhàng, nho nhã. Được biết nhà sản xuất đã giải thích rằng lựa chọn phụ nữ đóng Đường Tăng nhằm thể hiện vẻ đẹp cao quý của nhân vật này. Vai diễn thành công của Natsume Masako là lý do khiến các phiên bản Tây Du Ký sau này do Nhật Bản sản xuất cũng sử dụng diễn viên nữ đóng vai Đường Tăng. Ngoài Natsume Masako, nhiều vai diễn khác trong phim như vai Phật Tổ Như Lai cũng do diễn viên nữ đảm nhận.
Sau khi phát sóng tại Nhật, tác phẩm đón nhận được sự yêu thích nồng nhiệt từ khán giả nên nhà sản xuất đã bắt tay thực hiện phần 2. Bên cạnh đó, các nước như Anh, Úc,... cũng mua bản quyền phát sóng.
Tuy nhiên, bộ phim chỉ chiếu được 3 tập trên đài Trung ương Trung Quốc CCTV và buộc ngừng phát sóng vì chịu nhiều chỉ trích khi quá xa rời nguyên tác.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc quyết định phải sản xuất một phiên bản khác, bám sát nguyên tác nhất có thể. Dự án này sau đó được giao cho nữ đạo diễn Dương Khiết và kết quả là sự ra đời của phiên bản kinh điển 1986.