- Theo Trí Thức Trẻ | 06/10/2017 04:23 PM
Port game từ nền máy này sang nền máy khác luôn là sự khó khăn của các nhà phát triển game, ngay cả khi họ làm game trên PC cho máy PS4 và sử dụng phiên bản đó... port ngược lại để làm ra bản game PC. Mới đây đồng sáng lập Disparity Games, Jason Stark đã chia sẻ những khó khăn này trong cuộc phỏng vấn với PCGamer.
"Game thủ thường hỏi, tại sao chúng tôi không tung ra luôn cái phiên bản chúng tôi phát triển trên PC luôn cho tiện. Đến khi làm đúng những gì game thủ muốn, đó là phát hành phiên bản game chưa tút tát sửa lỗi, họ lại kêu gào và cho rằng nhà phát triển game lười nhác."
Lấy một ví dụ. Cấu hình máy tính của mỗi game thủ là thứ biến thiên nhiều nhất. Mỗi chiếc máy tính lại sử dụng những phần cứng khác nhau, của các hãng sản xuất khác, vì thế cho nên driver cũng khác, chưa kể driver cũ hay mới. Những phần mềm và phần cứng này tương tác với nhau không bao giờ đồng nhất, và có thể ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân tựa game. Bạn còn nhớ bug xưa kia giữa CS 1.6 và Internet Download Manager không? Cứ bật IDM, vào game CS 1.6 là không chọn được phe để chơi, trừ phi tắt phần mềm đi.
Tương tự như vậy, với những tựa game không được kinh qua giai đoạn test lỗi bởi rất nhiều phần cứng khác nhau, không được chỉnh sửa để phù hợp với mọi phần cứng chơi game, chúng sẽ giống như cơn ác mộng mang tên Batman: Arkham Knight ra mắt năm 2015, khi ấy ngay cả GTX 970 và 980 chơi game còn bị sụt khung hình, trong khi PS4 chẳng gặp chút phiền toái nào, đã thế còn được toàn điểm 9 với 10 vì quá hay.
Kết cục là, làm game PC ngon hay dở phụ thuộc không phải vào khoảng thời gian phát triển, mà phụ thuộc vào khoảng thời gian "tút" lại tựa game để nó có performance ổn định nhất trên nhiều hệ thống nhất có thể. "Làm game trên console khó thì khó thật đấy nhưng không thể nào khó bằng PC đâu. Ít ra bạn còn biết trên PS4 hay Xbox One sẽ có những lỗi gì do phần cứng gây ra, vì phần cứng của chúng là đồng nhất", Stark chia sẻ.
Khi port game, về cơ bản là các nhà làm game phải tạo ra một phiên bản hoàn toàn khác của chính tựa game đó. Game lên càng nhiều nền tảng, công việc sau đó của họ càng nặng nề để tối ưu hóa trò chơi của mình trên nền tảng tương ứng, dĩ nhiên mệt mỏi khổ sở nhất vẫn là PC. Cứ mỗi lần sửa lỗi, bạn sẽ phải thử nghiệm các bản update và patch lỗi trước khi tung ra chính thức để không khiến mọi chuyện đã tồi còn thêm tệ.
Bạn phải luôn chắc chắn rằng update game tương thích với phiên bản trước đó, bạn phải chắc chắn rằng cân bằng game được đảm bảo, không có những lỗi đồ họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến gameplay, và quan trọng nhất là bạn phải chắc chắn được rằng trên PS4, Xbox One hay PC, game của bạn chạy ổn định.
Vấn đề thứ hai khi port game lên PC sau cơn ác mộng mang tên cấu hình máy tính chính là tốc độ khung hình. Bạn thấy đấy, một tựa game không thể búng tay một cái để game, vốn đang chạy 30 FPS trên PS4 có được tốc độ khung hình 60 FPS trên PC được. Những tựa game remastered không phải đùng một cái trở nên đẹp lạ kỳ trên nền đồ họa 4K đương thời. Thực tế, để game chạy mượt hơn, nét hơn, ngay cả gameplay lẫn code lập trình cũng phải thay đổi rất nhiều.
Lấy ví dụ trong Vanquish, do port game cẩu thả, nên khi bạn chọn chế độ hiển thị 60 FPS, mỗi lần bị bắn, bạn sẽ nhận... gấp đôi sát thương so với khi chơi ở chế độ 30 FPS. Dark Souls II cũng chẳng khác gì. Trên bản PC có một lỗi là vũ khí của bạn hỏng nhanh gấp đôi so với trên console, đơn giản vì game PC chạy ở tốc độ... nhanh gấp đôi PS4. Mãi 1 năm trời From Software mới sửa nổi cái lỗi không thể tin nổi ấy.
Nghe đáng sợ chứ? Đúng là như vậy đấy, port game lên PC luôn là cơn ác mộng của mọi nhà làm game. Cách tốt nhất và cẩn trọng nhất là tạo ra một phiên bản PC riêng, phát triển độc lập và chỉ dành cho PC mà thôi. Nhưng điều này khiến cho thời gian phát triển game bị ảnh hưởng rất nhiều.