Chuyển thể từ quyển sách đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ của Frank Herbert, hai tác phẩm điện ảnh cải biên là Dune và Dune: Part Two đánh dấu hai cột mốc điện ảnh đáng nhớ của thập kỷ này.
Với mục tiêu bày biện, giới thiệu những sự kiện nền và không được chiếu quá rộng rãi tại rạp giữa đại dịch cách đây 2 năm, Dune khiến nhiều khán giả cảm thấy nhàm chán vì nhịp phim chậm, ít diễn biến, ít cao trào và hành động - những kỳ vọng điển hình dành cho một phim khoa học viễn tưởng, sử thi. Khi Dune: Part Two của tác phẩm ra mắt, rất nhiều khán giả đã vỡ oà trong cảm xúc và bắt đầu tìm hiểu, lần giở lại các sự kiện ở phần phim đầu. Phần phim tiếp theo đã mang đến một trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn, đầy tính giải trí, đậm giá trị nghệ thuật và cũng khiến khán giả "nín thở" hơn. Hiện tại tác phẩm đang gây bão trên toàn thế giới, với các suất chiếu IMAX liên tục cháy vé. Nhiều người nhận định rằng Dune: Part Two dễ xem hơn, có tính giải trí hơn hẳn phần phim đầu.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn cả hai phần phim dưới góc nhìn giải trí đơn thuần, câu chuyện "anh hùng cứu thế giới", "người được chọn" hay "quật cường chống đế chế tàn ác" là một câu chuyện đã đi vào lối mòn. Không phải nghiễm nhiên, bộ tiểu thuyết gốc của Herbert được mệnh danh là một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại.
Bài viết này sẽ phân tích về tính nhân bản của tác phẩm qua những phức cảm của nhân vật Paul Atreides khi đã trở thành Kwisatz Haderach - "người được chọn" trong vũ trụ của Dune. Trước hết, có lẽ phải nói về tính nhân bản trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Denis Villeneuve cũng như nói về các Bene Gesserit và kế hoạch của họ.
Nhiều khán giả thắc mắc vì sao lấy bối cảnh tương lai, khi việc di chuyển liên hành tinh không còn xa lạ, nhưng thế giới của Dune vẫn thiếu đi sự tân tiến hay những kì quan công nghệ. Đó là vì thế giới này không hề có sự tồn tại của robot hay các dạng thức AI, trái hẳn với các phim khoa học viễn tưởng khác.
Mọi sự đều có lý do của nó. Trong tác phẩm gốc, có một sự kiện đã diễn ra hơn 4000 năm trước sự kiện của Dune: Thánh chiến Butler (Butlerian Jihad). Đây là một cuộc thanh trừng diện rộng nhằm lật đổ người máy và trí thông minh nhân tạo khi chúng bắt đầu thao túng văn minh nhân loại, đưa mọi quyền kiểm soát về tay con người, từ đó dẫn đến một trong các giáo điều quan trọng được ghi chép trong Kinh thánh Cam của vũ trụ Dune: "Ngươi không được tạo ra cỗ máy tương đồng với tư duy con người". Nhà văn Frank Herbert lấy sự kiện này làm nền tảng để tạo nên thế giới trong Dune, bởi với ông, sci-fi (khoa học viễn tưởng) chỉ là một công cụ để khắc hoạ một thế giới gần sát với thế giới loài người, với đầy đủ các giá trị nhân bản và các mâu thuẫn văn hoá, sắc, tộc, chính trị sâu sắc.
Đạo diễn - biên kịch Denis Villeneuve đã truyền tải đúng tinh thần này của Dune. Ông một trong những đạo diễn có phong cách độc đáo trong dòng phim sci-fi những năm gần đây. Trước Dune, Arrival (2016) và Blade Runner 2049 (2017) là 2 tác phẩm đạt nhiều giải thưởng và cũng cùng một thông điệp bất biến: tương lai càng rộng mở, khoa học càng đột phá thì con người lại càng đào sâu vào các bản ngã bên trong mình.
Thế giới trong các tác phẩm của Denis Villeneuve vốn dĩ tạo ra một cảm giác rất sci-fi: công nghệ tân tiến, du hành không gian và vũ trụ, tồn vong của nhân loại xoay quanh những thực thể sống mới… Câu chuyện trong Arrival bắt đầu khi những chiếc phi thuyền bí ẩn đổ bộ xuống trái đất. Thế giới trong Blade Runner 2049 xoay quanh cuộc truy sát những người nhân bản (replicants) đã lỗi thời. Mâu thuẫn trong Dune xoay quanh việc tranh giành quyền kiểm soát một hành tinh giàu tài nguyên với những người bản xứ sẵn sàng đấu tranh bảo vệ nó. Ở cả 3 mô tả trên, không khó để hình dung rất nhiều trường đoạn hành động hay những trận đấu súng, đọ công nghệ khốc liệt.
Tuy nhiên, Denis Villeneuve đi ngược lại những kỳ vọng về thể loại đó. Mượn bối cảnh một thế giới mới, ở một tương lai xa, ông luôn khiến người xem trăn trở về sự tồn tại của chính mình khi đối mặt với những ý niệm lớn lao hơn thực tại chúng ta đang sống.
Những phi thuyền và sinh vật lạ trong Arrival không quan trọng bằng ngôn ngữ ngoài hành tinh mà tiến sĩ Louise Banks (Amy Adams) học được để từ đó khai mở năng lực đồng hiện cùng lúc ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc săn đuổi người nhân bản trong Blade Runner 2049 không chạm đến khán giả bằng việc cảnh sát nhân bản K (Ryan Gosling) nhận ra rằng anh có thể là con ruột của một người nhân bản - một phép màu bất khả. Tương tự, trong Dune, hành trình trả thù lẫn giải phóng người Fremen của Paul Atreides chỉ là lớp vỏ ngoài phía sau những đấu tranh nội tâm khủng khiếp cậu phải trải qua khi có khả năng nhìn thấy những viễn cảnh kinh hoàng của tương lai nhờ hương dược. Ở cả 3 bộ phim khoa học viễn tưởng này, Denis Villeneuve đều dùng những thủ pháp làm phim tinh tế để nêu bật lên đề tài hiện sinh mạnh mẽ mà ông luôn tâm đắc: tự do ý chí giữa vòng xoáy của tiền định.
Điều gì khiến Paul Atreides giống với Louise Banks hay K ngoài việc họ xuất chúng và là "người được chọn"? Họ đều lâm vào khủng hoảng hiện sinh trước những sự thật mà hành trình đã khai mở cho họ. Năng lực nhìn thấy cùng lúc tương lai và quá khứ của Paul khi tiếp xúc với hương dược và Nước sự sống không khác năng lực trải nghiệm thời gian như một vòng tròn khép kín của Louise Banks khi học được ngôn ngữ lạ và cũng không khác mấy bi kịch của K khi nhớ về một ký ức rất "con người" mà một người nhân bản như hắn không thể có được. Họ đều biết trước những kết cục không thể tránh khỏi, đều đau đớn vì những gì được tiền định và đều khát khao thay đổi kết cục đó. Cũng vì kí ức, K đã đặt dấu hỏi cho nhân dạng, mục đích sống và cả sự tồn tại của mình.
Trong cả 3 bộ phim, ngoài những cú máy toàn mang tính gợi mở không gian (establishing shot), Denis Villeneuve luôn có rất nhiều những cú máy đặc tả các giác quan của con người sống trong thế giới đó: bàn tay chạm vào cát; mưa rơi trên khuôn mặt; gió lùa qua làn tóc hay chỉ đơn giản là một người ngồi dưới bóng râm. Joe Walker - người dựng phim của Dune nói rằng Villeneuve sử dụng thủ pháp này để "kích thích não" người xem, tạo cho các giác quan của khán giả một cảm giác kết nối mạnh mẽ với thế giới của phim. Chúng ta vì lẽ đó dễ đồng điệu hơn với sự tồn tại của nhân vật, bởi họ cũng đang trải qua đầy đủ những giác quan chân thật nhất của một con người.
Vậy nên, khi tính người của các nhân vật bị đặt lên bàn cân, khi họ nhận ra rằng họ chỉ là một con cờ của tất cả mọi thứ đã được sắp đặt trước, họ rơi vào bi kịch cố gắng thoát khỏi số phận được vạch sẵn để kiếm tìm tự do ý chí. Bản chất của mọi biến cố trong Dune thật ra là một ván cờ chính trị và quyền lực rất lớn, nơi mà ai cũng mất khả năng kiểm soát số phận của mình giữa những thế lực lớn, như chính công tước Leto cũng đã biết lệnh tiếp quản Arrakis của Hoàng đế là một án tử nhưng ông không thể làm khác được. Bản thân Paul cũng đang nằm trong một ván cờ khác giữa mẹ của cậu, Lệnh bà Jessica và hội nữ tu Bene Gesserit.
Có rất nhiều diễn ngôn chính trị và hậu thuộc địa xuyên suốt Dune. Motif một con người của đế quốc đi đến một thế giới mới để thuần hóa người bản địa nhưng cuối cùng lại yêu vùng đất, yêu con người và yêu cụ thể một người bản địa để rồi đổi phe và chống lại mẫu quốc là một motif quá quen thuộc của điện ảnh phương Tây. Nhưng ở Dune, Hội các nữ tu Bene Gesserit lại tạo nên một luồng gió mới cho câu chuyện chính trị này, bởi họ là đại diện cho một thứ quyền lực mềm ghê gớm hơn cả: tôn giáo và truyền thông.
Xét về văn hoá học, truyền thông và tôn giáo là hai khái niệm đã phát triển song hành cùng nhau từ những ngày khởi nguồn của văn minh. Sự hình thành và nhu cầu được lan rộng của tôn giáo đã dẫn đến sự ra đời của một trong các dạng thức truyền thông cổ xưa nhất: văn tự tôn giáo. Càng nhiều người tiếp xúc với văn tự tôn giáo, càng nhiều nhóm tôn giáo và tín ngưỡng sẽ được lập nên, trở thành một cấu trúc quyền lực phân tầng.
Bằng việc truyền bá và rao giảng về Đấng Cứu Thế Lisan Al Ghaib ở Arrakis, các Bene Gesserit đã ứng dụng quyền lực mềm của truyền thông và nhu cầu được lan toả, được chiêu mộ tín đồ của tôn giáo để tạo nên cục diện có lợi cho mình. Trong sách, sứ mệnh này gọi là Missionaria Protectiva: gieo mầm những hạt giống tín ngưỡng ở các hành tinh khác. Nếu đế quốc tìm cách nô dịch người Fremen về mặt thể xác và khai thác tài nguyên thì các Bene Gesserit trong bóng tối lại có phần thâm sâu hơn: nô dịch người Fremen về tín ngưỡng để nâng cao vị thế của Bene Gesserit tại Arrakis (bởi trong các truyền thuyết mà họ gieo sẽ luôn luôn xoay quanh hình mẫu đức mẹ là một Bene Gesserit). Sự nô dịch về tín ngưỡng này đã bị Chani phản đối kịch liệt trong Dune: Part Two: "Đây là cách họ nô dịch ta suốt hàng thiên niên kỷ".
Sở dĩ họ phải cực đoan thao túng nhân loại từ trong bóng tối là vì các Bene Gesserit tin rằng họ đang lót đường cho sự xuất hiện của Kwisatz Haderach - một nam nhân Bene Gesserit toàn năng có thể cùng lúc nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai để kiểm soát số phận, đưa nhân loại đến "Hoàng Kim Đạo" - con đường của sự phồn vinh vĩnh cửu. Cũng chính gánh nặng này đã dẫn đến khủng hoảng lớn nhất của Paul Atreides.
Theo kế hoạch ban đầu, sau khi tính toán mọi huyết thống và kiểm soát các nguồn gen trong hàng ngàn năm, Kwisatz Haderach sẽ là con của Feyd-Rautha, cháu của Nam tước Harkonnen, và con gái của Lệnh bà Jessica, một Bene Gesserit.
Tuy nhiên, vì tình yêu với Công tước Leto, Lệnh bà Jessica đã làm trái ý Hội và sinh cho ông một đứa con trai - Paul Atreides. Vì lẽ đó, Kwisatz Haderach đã xuất hiện sớm hơn một thế hệ - một trọng trách mà chính Paul chưa bao giờ muốn phải gánh vác. Anh trở thành hình mẫu "người được chọn", "người hùng" điển hình trong cấu trúc "Hành trình anh hùng", một khái niệm cổ xưa được nghiên cứu bởi Joseph Campbell và trở thành nền móng cho nghệ thuật kể chuyện trên khắp thế giới. Cách Paul được giới thiệu và bước chân vào hành trình anh hùng không hề khác Harry Potter, Frodo Baggins hay Katniss Everdeen.
Dẫu vậy, Paul Atreides lại rất khác những người hùng khác ở chỗ anh không bao giờ thực sự trở thành một người hùng chính nghĩa. Tác phẩm của Herbert tiên phong và vượt xa nhiều lối kể chuyện cùng thời của ông khi đã khắc hoạ một nhân vật phức tạp: trở thành người hùng bằng cách tự biến mình thành một kẻ diệt chủng.
Chúng ta được giới thiệu một Paul Atreides ngây thơ, luôn nhớ đến lời dạy của cha rằng phải tìm đến người Fremen, học lối sống của họ, tập hợp dân tộc của họ và giúp họ tự giải phóng Arrakis khỏi đế chế. Câu chuyện sẽ chẳng có gì phức tạp xoay quanh Paul không có những thế lực trong bóng tối, những ván cờ chính trị từ Hoàng đế, từ gia tộc Harkonnen, từ các Bene Gesserit và cả mối quan hệ tâm linh của cậu với người Fremen. Hành trình trở thành một chiến binh Fremen của Paul giờ đây gặp nhiều ngã rẽ: trả thù Hoàng đế và gia tộc Harkonnen vì đã tàn sát gia tộc mình hay trở thành Lisan Al Ghaib, Đấng cứu thế dẫn lối cho người Fremen được gieo vào tâm thức họ bởi những Bene Gesserit.
Dù là ngã rẽ nào, cậu cũng nhìn thấy những tương lai đẫm máu từ việc tiếp xúc với hương dược trên hành tình Arrakis. Để có thể tìm ra câu trả lời, theo cấu trúc "Hành trình anh hùng", Paul Muad’dib Atreides sẽ phải chết đi để trở thành một con người mới. Cậu sẽ phải vào cái hang tối nhất, chinh phục thứ đáng sợ nhất, chiến thắng nó và bỏ con người cũ hoàn toàn sau lưng. "Trong hang tối ta ngại bước vào có kho tàng ta mãi ước ao", trích lời Joseph Campbell. Trong Dune, cái hang sinh tử đó chính là Nước của sự sống, một chất độc chết người có thể khai mở trạng thái nhìn thấy quá khứ, hiện tại, và tương lai, trong ngôn ngữ của Dune gọi là prescience.
Trạng thái prescience đã thay đổi hoàn toàn con người Paul Xuyên suốt cả bộ phim, Paul từ chối đi về phía Nam vì sợ viễn cảnh Thánh chiến đẫm máu sẽ trở thành hiện thực. Cuối cùng, chính cậu đã để chuyện đó xảy ra, vì con đường mà Kwisatz Haderach nhìn thấy là con đường Paul Atreides sợ hãi. Kwisatz Haderach không thể kiểm soát tương lai mà trở thành một nô lệ cho tương lai được định sẵn. Chủ đề này của Dune: Part Two một lần nữa khớp với những thông điệp về tự do ý chí của con người trong các tác phẩm trước đây của Denis Villeneuve. Bằng việc cho Paul Atreides đối diện với một ý niệm lớn lao hơn sự tồn tại của chính cậu, Dune trở thành một tác phẩm mang đến nhiều giá trị nhân bản.
Kwisatz Haderach của vũ trụ Dune, Lisan Al Ghaib của người Fremen ở cuối Dune: Part Two đã là một con người hoàn toàn khác so với Paul Atreides ở đầu hành trình. Cậu trở thành mọi thứ mà cậu đã từng quyết liệt chống lại trước đó: một kẻ nắm quyền, một người báo thù, một kẻ diệt chủng, một thủ lĩnh được người Fremen tôn sùng và cuối cùng là một người phản bội lại tình yêu của Chani. Khái niệm "người được chọn" trong Dune vì lẽ đó rơi vào một vòng xoáy bi kịch mà những phần sau của tác phẩm gốc sẽ khai thác rõ hơn.
Để bật mí về những rủi ro lớn mà một lãnh đạo cuốn hút (charismatic leader) như Paul mang lại, xin trích một đoạn phỏng vấn chính tác giả Frank Herbert.
"Những người hùng mang lại đau đớn, còn những siêu anh hùng thì mang đến thảm hoạ lớn. Khi một người lãnh đạo cuốn hút trỗi dậy, anh ta vô tình dựng nên một cấu trúc quyền lực - một khối nam châm lớn thu hút những kẻ dễ sa ngã nhưng luôn có lá cờ của anh ấy để biện minh cho mọi cái sai".
Hai tác phẩm điện ảnh của Denis Villeneuve thật ra mới chỉ là khởi đầu cho con đường mà Paul Atreides đã chọn.