DRM là gì, và vì sao game thủ Việt cười rất tươi khi thấy game không có DRM

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/10/2016 04:24 PM

Biện pháp DRM phổ biến nhất có thể tới từ dịch vụ Steam của Valve, khi chính thư viện game sẽ quản lý bản quyền nội dung số

DRM là từ viết tắt của Digital Rights Management (Biện pháp quản lý bản quyền nội dung số). Đúng như tên gọi, đó là biện pháp để các nhà phát triển kiểm soát cách mà khách hàng sử dụng các phần mềm máy tính, trong trường hợp này là game.

DRM được tạo ra khi nhà phát triển muốn ngăn cản người dùng sử dụng sản phẩm của họ theo những cách “không phù hợp”. Những cách đó có thể là cho bạn mượn đĩa game về cài trên máy tính của anh ta hay sao chép và cài đặt game bất hợp pháp.

DRM hoạt động bằng cách giới hạn những thứ mà game thủ có thể làm với đĩa game của họ. Chẳng hạn, nhà sản xuất sẽ giới hạn số lần mà khách hàng được phép cài đặt game hoặc giới hạn số máy tính mà một người có thể cài một đĩa game trên đó. Đó cũng có thể là yêu cầu người dùng kết nối Internet khi chơi để hãng game có thể xác nhận xem đó có phải là đĩa có bản quyền hay không.

DRM, cơn ác mộng của game crack

DRM có khá nhiều dạng. Loại được biết tới nhiều nhất được gọi là SecuROM và nó được các hãng lớn như Electronic Arts cũng như Take-Two áp dụng. SecuROM bị các game thủ rất căm ghét vì nó vẫn sẽ tồn tại trên PC sau khi game đã được cài đặt và nó giới hạn số lần người chơi có thể cài game. Giải pháp nhiều năm về trước của Ubisoft cũng bị người chơi phản đối dữ dội. Nó yêu cầu khách hàng luôn luôn giữ kết nối Internet trong quá trình chơi game, ngay cả khi đó chỉ là phần chơi đơn. Các cracker đã mất khoảng gần 1 tháng trước khi vượt qua được biện pháp này và tạo thành công server ảo ngay trên máy tính của người dùng.

Biện pháp DRM phổ biến nhất có thể tới từ dịch vụ Steam của Valve. Dịch vụ này yêu cầu tất cả các game đã download từ server của Valve phải được xác nhận là hợp pháp trước khi có thể chơi. Ngay cả biện pháp đang được Steam áp dụng cũng từng bị phản đối, thậm chí là bị kiện. Vào năm 2004, Valve đã phải ra tòa sau khi dùng loại DRM này cho tựa game Half-Life 2 của họ. Tuy nhiên giờ đây đa số người dùng đã chấp nhận cách kiểm soát này vì nó cũng không gây nhiều phiền phức cho họ.

Về bản chất, DRM là điều tốt vì nó giúp chống lại nạn đĩa lậu, mối đe dọa lớn nhất của ngành công nghiệp game. Dù nhiều người gặp khó khăn khi chơi và phản đối DRM nhưng thực chất, họ nên kết tội các cracker và những người thích chơi game mà không phải bỏ tiền.

Chính những người này mới là nguyên nhân dẫn tới các bất tiện, các phiền toái mà các khách hàng thực sự phải chịu đựng. Sự hạn chế về quyền sử dụng sản phẩm sau khi đã bỏ tiền ra mua, sự bực tức phải gánh lấy trong quá trình chơi vì những quy định ngặt nghèo, tất cả đều xuất phát từ các cracker và người dùng đĩa lậu.

Denuvo

Denuvo là một công nghệ chống game crack được phát triển bởi công ty Denuvo Software Solution GmbH, đến từ Áo. Công nghệ này hoạt động theo phương thức liên tục mã hóa và giải mã chính nó, ngăn chặn việc tác động và chỉnh sửa các tập tin gốc để từ đó, "bẻ khóa" phần mềm. Công nghệ này tốt đến mức, nhóm crack nổi tiếng 3DM cũng đã phải tuyên bố "bỏ cuộc" và ngừng nghiên cứu tìm cách bẻ khóa Denuvo. Và, các nhà làm game cũng hết sức tự tin rằng, các tựa game được Denuvo bảo vệ sẽ an toàn trong ít nhất là hai năm tới.

Và chính việc Denuvo bị khuất phục bởi những nhóm crack đã khiến không ít game thủ hoan hỉ. Chỉ nửa năm trước, điều này đã ngăn cản hàng nghìn game thủ Việt thích chơi game crack, thích dùng đồ chùa đến với tựa game họ yêu thích. Và lựa chọn cuối cùng để tiếp tục thể hiện tình yêu với game, không gì khác hơn chính là tự bỏ tiền túi ra mua key game bản quyền.

Rất nhiều game thủ đã bày tỏ sự... tiếc nuối vì vừa mua game vào đợt giảm giá thường niên vào mùa hè vừa rồi, vì mua game bản quyền xong lại có crack: "Thật sự bắt đầu thấy tiếc tiền. Tại sao vừa mua thì lại có crack? Thế này thì từ sau chẳng cần phải kiếm tiền mệt mỏi mua game nữa, chờ kiểu gì rồi cũng sẽ có crack để chơi free thôi!"

Và thậm chí là... không có cả DRM

Có những người có ý thức và tin tưởng nhau tới mức bán game rồi không sử dụng công cụ gì quản lý nội dung số, cho phép bất kỳ ai đã mua game có thể copy bản cài vào USB rồi đem ra những máy khác chơi thoải mái.

Đó chính là GOG. Chỉ cần mua game trên cửa hàng của GOG, bạn sẽ có thể tải bản cài của game và cài ở bất kỳ đâu, thậm chí là trên những máy tính chưa cài đặt phần mềm quản lý game. Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể chia sẻ game thoải mái, chơi bất kỳ đâu cũng được, cứ thích là có thể copy và chơi như một game bản quyền đích thực. Thế cho nên cũng có những kẻ trục lợi, tải game về và chia sẻ lên torrent và những trang web khác.

Giờ đây khi những game thủ có ý thức quan tâm hơn tới những nền tảng bán game không đi kèm với DRM, những nền tảng như GOG cũng phát triển mạnh hơn, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều game hay ra mắt mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ bản quyền nào hỗ trợ. Đó cũng là lúc, rất nhiều game thủ Việt, những người không có điều kiện mua game bản quyền có thể nở nụ cười rất tươi!