DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ!

Nguyễn Tuấn Dũng  - Theo Helino | 19/01/2018 09:14 AM

Bài dự thi của độc giả Nguyễn Tuấn Dũng với tựa game DOTA.

Là một fan cuồng nhiệt của các dòng MOBA game, và sinh ra trong thế hệ đầu 9x, tất nhiên, tôi cũng như bao bạn bè đồng trang lứa đã từng có những thời mê mẩn với DOTA. Và mặc dù cho tới tận bây giờ, đã trải nghiệm biết bao những tựa game phát triển khác như LMHT hay DOTA 2, nhưng DOTA vẫn luôn chiếm một vị trí không thể thay thế, và chứa đựng biết bao những ký ức đáng nhớ của một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, không kém phần bồng bột nhưng đầy thú vị trong tôi.

Thật sự, cái cách mà tôi đến với DOTA cũng nhờ vào một cái duyên. Ngày ấy, khi mà DOTA vẫn còn là cái gì đấy có phần xa lạ, và lũ bạn cùng lớp vẫn chỉ quen với những kèo DDAY tiền net và Sting thì tôi cũng chẳng khác gì. Cũng cắm mặt vào luyện Blade, Illidan, học cách farm quái bằng skill, học cách cắm mắt và đủ thức tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp trong DDAY.

Rồi một ngày, số lượng trốn học trong lớp ngày càng nhiều, và có hôm, tận 10 đứa ra hàng net trốn tiết chào cờ. DDAY 5-5 thì đông quá, khi mà chúng tôi thường chỉ chơi 3-3. Một thằng bạn đề ra sáng kiến thử chơi DOTA xem, cũng đang nổi mà. Và thế là chúng tôi thử, rồi gần như, cả 10 thằng đều bị cuốn ngay vào tựa game đầy lôi cuốn này.

DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ! - Ảnh 1.

DOTA đến với tôi một cách khá tình cờ

Từ khi có DOTA, tần suất trốn tiết của lũ bạn tôi ngày càng dầy thêm, và cá nhân tôi cũng vậy. Đủ team thì chia 5-5 trong lớp, tất nhiên là không quên làm kèo tiền net và sting như mọi khi. Không đủ thì lập team 5 đi bay pub, cọ xát với các cao thủ trên mạng. Nói là cọ xát cho oai, chứ tất cả đều cũng chỉ ở mức mới biết chơi, và gần như thường ăn hành trong mọi trận đấu.

Càng thua càng cay cú, tuổi trẻ là thế mà. Thế nên, thua càng nhiều, chúng tôi lại chơi càng nhiều và quyết tâm lên trình. Mà cũng phải công nhận rằng DOTA khác DDAY thật, cái cảm giác solo mid mà cứ bị đối thủ deny hoài kể ra cũng ức. Cứ tưởng tượng tới cảnh màn hình liên tục hiện lên những dấu chấm hỏi to đùng, cảnh tượng quen thuộc khi bị đối thủ deny, rồi tệ hơn là bị solo kill, đồng thời ăn một đống gạch đá từ lũ bạn đã đủ khiến cho tôi cảm thấy ức chế rồi. Mà muốn giỏi DOTA hơn thì chỉ có một cách, đó là chơi nhiều hơn mà thôi.

DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ! - Ảnh 2.

Hồi ấy, Skeleton King từng là vị tướng tủ một nút của tôi

Rồi dần dần, trình độ của tôi cũng được cải thiện. Chỉ mất có một tuần để điểm mặt thuộc tên những vị tướng. Mất thêm một tuần nữa để thành thục một vài vị tướng tủ như Zeus, Barathum (vâng, thời đấy là Barathum chứ không phải Spirit Breaker như phiên bản DOTA 2 bây giờ đâu) hay Sven. Tất nhiên, lũ bạn tôi cũng vậy, ăn hành nhiều thì cũng phải lên tay chứ.

Thêm một tháng nữa, chúng tôi đã có hẳn team DOTA 5 người hùng mạnh, và thậm chí còn nhiều lần gạ kèo các lớp khác, cũng như các khóa trên dưới trong trường cấp 3. Thắng có, thua có, nhưng điều tôi thấy ở các kèo đấu DOTA thời bấy giờ chính là sự nhiệt huyết, sự máu lửa và nhất là tính cay cúc. Thua thì phải gỡ, gỡ tới khi nào thắng thì thôi. Đấy mới là tinh thần của tuổi trẻ, và là những gì tôi luôn nhớ về một thời cuồng nhiệt với DOTA.

DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ! - Ảnh 3.

Cứ thua là phải gỡ, tới thắng thì thôi

Theo thời gian, chúng tôi cũng dần đạt tới đẳng cấp mới, cũng pro hơn chút ít và mon men tiến gần tới room 3 – cái nôi của những cao thủ DOTA Việt Nam lúc đó. Nếu như đã từng có thời gian sống chết với tựa game này, chắc hẳn bạn phải biết, room 3 lúc nào cũng trong tình trạng 250/250, và ngay cả có Gold Member thì bạn cũng không thể chen chân vào được. Mà nào chỉ có chơi với các cao thủ, chúng tôi còn cuồng DOTA tới mức dõi theo từng bước chân của Star Boba – đội tuyển DOTA mạnh nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Rồi cũng thần tượng Furion của SosoOn, nể phục Mirana của Yuna với những pha Arrow thần thánh. Chơi nhiều, xem nhiều rồi cũng tới lúc nghĩ mình đủ lông đủ cánh. Chúng tôi tham gia đấu các giải DOTA tại Cyzone, cũng có thắng được vài lượt đầu, trước khi thua sấp mặt khi gặp các team hạt giống. Thua, nhưng không buồn, cũng không cay cú, vì lúc ấy chúng tôi cũng đã có trình độ, và nhận thức được khoảng cách quá chênh lệch giữa mình và họ.

DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ! - Ảnh 4.

Những anh chàng này từng một thời là thần tượng của chúng tôi

Tiếp đó có lẽ là quãng thời gian tăm tối nhất của DOTA, khi mà những vấn nạn hack, cheat tràn lan. Hack map có lẽ là điều khiến cho các game thủ phải cảm thấy ức chế nhất. Tôi cũng từng ức chế tới mức phải down hẳn phần mềm hack map, và củ hành lại đối thủ để xả xì trét.

Tất nhiên, sau một tới hai game đấu tôi cũng đã xóa, vì thật sự, quá khó để quen với kiểu chơi gian lận này. Nhưng không thể phủ nhận rằng, hack là một trong những nguyên nhân quan trọng đã hủy hoại DOTA – tựa game ưa thích của tôi. Theo thời gian, số lượng người chơi DOTA cũng giảm đi, room 3 đã không còn lúc nào cũng full như trước nữa, thậm chí cả một số map như DOTA LOD, DOTA Imba cũng vắng dần.

Lũ bạn tôi đứa bỏ, đứa thi thoảng vào chơi vài trận cho đỡ ngứa tay, còn đâu bắt đầu tìm những thú vui mới với các map chống cổng, Pokemon hay chuyển hẳn sang chơi Poker, cầy game online. Tôi thì vẫn còn tâm huyết với DOTA lắm, nhưng chơi vui sao được khi đã không còn bạn bè. Dần dần theo thời gian, tôi cũng xóa Warcraft 3 khỏi máy tính, và từ một game thủ, chuyển hẳn sang là fan hâm mộ của tựa game này.

DOTA – Tựa game mà tôi yêu và một thời để nhớ! - Ảnh 5.

DOTA tuy tàn, nhưng chưa bao giờ chết hẳn

Nhưng rồi các giải đấu DOTA cũng ít dần, cộng đồng cũng không còn nóng như trước. Những kèo đấu tiền triệu trở nên xa vắng, trong khi các đội tuyển chuyên nghiệp như Star Boba hay Skynet cũng dần tan rã. LMHT ra mắt, và nhanh chóng hút được lượng lớn người chơi DOTA, nhờ vào nền tảng Việt hóa, cùng công nghệ marketing tương đối hợp lý thời bấy giờ. Đó cũng là hồi kết cho DOTA, một tựa game mà tôi đã từng và vẫn đang cực kỳ yêu quý.

Giờ đây, tôi đã không còn chơi DOTA nữa. Guồng quay của công việc khiến thời gian chơi game, tụ tập với bạn bè gần như bị bó hẹp hẳn. Đã không còn những kèo sting thông đêm quẩy room 3 hay Pokemon như trước. Thi thoảng, chúng tôi tụ tập nhau nhảy dù PUBG, hay làm một, hai trận DOTA 2 cho đỡ nhớ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, DOTA chưa bao giờ, hay ít nhất là cũng chưa chết. Vì mỗi lần ra hàng net, tôi đều vẫn thấy bên cạnh những màn hình PUBG, DOTA 2 hay LMHT, còn đâu đó lác đác một hai máy vẫn tiếp tục quẩy DOTA, DOTA LOD một cách đầy hứng khởi. Hình ảnh ấy lúc nào cũng gợi cho tôi về một thời tuổi trẻ của mình, cái thời trẻ trâu, nhiệt huyết, vô lo vô nghĩ nhưng vui biết mấy.

Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư info@gamek.vn.

Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.

Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.