DOTA 2 Việt Nam mạnh hơn Nga, Trung Quốc, Mỹ và Ukraine?

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/09/2016 01:21 PM

Nhìn vào BXH này, có thể thấy trình độ của làng DOTA 2 Việt Nam đang khá cao so với mặt bằng chung trên toàn thế giới.

Theo bảng xếp hạng mới được công bố của trang thống kê uy tín OpenDota, điểm trung bình Solo Matchmaking Rating (MMR) DOTA 2 của Việt Nam là 3418, xếp thứ 18 trên thế giới. Đặc biệt hơn, vị trí của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các cường quốc DOTA 2 hiện nay như Trung Quốc (3353 - xếp thứ 34), Mỹ (3125 - xếp thứ 145), Nga (2926 - xếp thứ 234) hay Ukraine (2928 - xếp thứ 233).


Biểu đồ thể hiện chỉ số trung bình MMR tại các quốc gia. Qua biểu đồ này, có thể thấy Việt Nam nằm trong top những quốc gia có chỉ số MMR cao nhất thế giới.

Biểu đồ thể hiện chỉ số trung bình MMR tại các quốc gia. Qua biểu đồ này, có thể thấy Việt Nam nằm trong top những quốc gia có chỉ số MMR cao nhất thế giới.

Được biết, bảng xếp hạng này được thống kê từ hơn 1,4 triệu tài khoản DOTA 2 thường xuyên hoạt động. Trong BXH này, quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ) có chỉ số trung bình Solo MMR cao nhất là Saint Martin (một hòn đảo nằm ở Caribe, hiện là thuộc địa chung của cả Pháp và Hà Lan) với 3584 điểm. Những cái tên còn lại có mặt trong top 5 là Singapore (3574 - xếp thứ 2), YU (3535 - xếp thứ 3), Iceland (3533 - xếp thứ 4) và Vatican City (3512 - xếp thứ 5).

Cũng theo bảng xếp hạng trên, số lượng người chơi DOTA 2 trên thế giới được phân bố đông nhất trong phạm vi từ 3000 đến 4000 MMR. Từ 5000 MMR trở đi, số lượng này giảm dần về mức cực tiểu, chỉ 1,58% số lượng người chơi DOTA 2 vượt qua cột mốc này. Với mốc 6000 MMR, cả thế giới chỉ có 1186 người đạt được (chiếm 0,17%).

Nhìn vào BXH trên, có thể thấy trình độ của làng DOTA 2 Việt Nam đang khá cao so với mặt bằng chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những con số trên cũng chỉ mang tính tham khảo. Trên thực tế, số lượng người biết chơi DOTA 2 tại Việt Nam thì nhiều nhưng số game thủ chơi giỏi lại rất ít. Chính vì lẽ đó, DOTA 2 Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ (thậm chí là tụt lùi) so với khu vực và thế giới trong nhiều năm qua.