- Theo Trí Thức Trẻ | 01/11/2016 12:34 PM
Và chính vì sự cần thiết này mà bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho các bạn tất cả những điều cơ bản nhất về nghệ thuật cắm ward, nên cắm khi nào và bằng cách nào.
Những điều cần lưu ý trước khi đọc hướng dẫn này
Đầu tiên cần phải biết, không có một nguyên tắc cố định nào về việc cắm ward, khi mà nó dựa theo kinh nghiệm cũng như rất dễ bị thay đổi qua các phiên bản. Một địa điểm để cắm ward tốt có thể trở nên vô dụng ở ngay phiên bản sau đó, dù cho không có những update về mặt địa hình. Chính vì vậy, biết cách ward như thế nào sẽ quan trọng hơn rất nhiều với việc ward ở đâu. Nếu hiểu được lý do và mục đích của việc warding, bạn sẽ tự hình thành cũng như tìm ra được những vị trí lý tưởng nhất để cắm ward.
Chắc hẳn người chơi DOTA 2 đều biết, có 2 loại ward trong game. Một là Observer Ward, thứ sẽ cung cấp tầm nhìn có giá trị 1600 radius cho team bạn, với giá thành chỉ 65 gold trong thời gian 6 phút. Trong khi đó Sentry thuộc diện dùng để phát hiện những vật thể tàng hình, hoặc đơn giản là để tìm ra Observer Ward của đối thủ.
Đầu tiên, bạn cần phải biết rõ về mục đích của việc warding. Nắm bắt được vấn đề này sẽ giúp người chơi có một cái nhìn toàn cảnh đồng thời thích ứng nhanh với các hoàn cảnh bất ngờ. Có 3 lý do chính để bạn cắm ward, cả Sentry lẫn Observer:
- Tăng khả năng kiểm soát bản đồ của cả team
- Giảm khả năng kiểm soát bản đồ của đối thủ
- Kiểm soát các khu vực cần thiết và trọng yếu trên bản đồ (ví dụ như Roshan’s pit)
Hiểu được một trong những lý do này sẽ giúp bạn nắm được sự cần thiết của cả team theo thời gian và qua đó biết vị trí tốt nhất để ward trong từng thời điểm cần thiết. Nếu team bạn đang ở thế chủ động và muốn gia tăng áp lực, hãy tập trung ward vào rừng đối thủ. Nếu đối thủ đang muốn tìm kiếm lợi thế để tiến vào base, hãy ward Roshan’s Pit. Đó đều là những ví dụ khá đơn giản, nhưng đủ để cung cấp cho bạn cách phân tích tình hình, từ đó đưa ra những nhận định chính xác về việc warding.
Cả ba khái niệm về mục đích của việc cắm ward tựu chung lại đều liên quan tới vấn đề kiểm soát bản đồ. Giống như với hầu hết các tựa game MOBA khác, trogn DOTA 2, kiểm soát bản đồ đóng một vai trò tất yếu trong thành công của các đội tuyển. Kiểm soát bản đồ sẽ mang lại cho bạn sự linh hoạt, cũng như chủ động và đa dạng trong các phương án triển khai lối chơi, hướng đối thủ theo cách mà bạn muốn, cũng như chia cắt hoặc tạo áp lực lên chúng. Đó cũng có thể coi là điều kiện cần để thắng một game đấu.
Vì vậy, câu hỏi làm sao để kiểm soát bản đồ luôn thường trực trong đầu các game thủ. Một cách phổ thông nhất đó chính là cắt cử người chơi thường trực đứng ở đó. Nhưng đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn, nếu việc kiểm soát bản đồ bằng hero không mang lại bất kỳ nguồn tài nguyên nào cho bạn. Bạn không nhất thiết phải cắt cử 3 hero luôn rình rập trong rừng của đối thủ.
Thứ bạn cần biết chỉ là khi nào bên địch tiến vào rừng để tập trung tiêu diệt, trong khi thời gian còn lại có thể phân bố để làm nhiều việc có ích hơn. Điều này chỉ có thể đến nếu bạn liên tục ward, đồng thời deward của đối thủ trong khu vực đó. Tuy không tác động trực tiếp, nhưng nếu thành công cũng sẽ gây nên một áp lực vô hình không hề nhỏ cho đối thủ.
Trong phần lớn các trường hợp, người chơi support sẽ thường được lựa chọn đi cắm ward. Tuy nhiên trong một vài thời điểm, đôi khi mid hoặc offlane cũng nên hỗ trợ phần nào, đặc biệt trong bối cảnh mà các support đang tích gold để lên những item lớn cho họ như Blink Dagger hay Mekansm.
Chưa kể, ở giai đoạn sau của trận đấu, vấn đề warding nên được đặt chung với tập thể, khi sẽ là khá mạo hiểm trong một vài thời điểm nếu chỉ cắt cử các support đi ward. Bạn vừa dễ đặt support bên mình vào tình trạng báo động, vừa dễ lộ vị trí ward hoặc tệ hơn là bị bắt lẻ trước khi kịp cắm ward. Đó là lý do mà vì sao warding đôi khi cũng cần sự hợp sức và hộ tống của các core dành cho support.
Sau tất cả, thời điểm cắm ward cũng là một điều mà các support nên lưu tâm. Điều này sẽ phụ thuộc vào mục tiêu cũng như chiến thuật của team bạn xuyên suốt trận đấu. Nếu dự kiến push trụ trong quãng thời gian sắp tới, hãy rải ward xung quanh các khu vực gần đó. Trong trường hợp team bạn muốn ăn Roshan, hãy tập trung ward những khu vực mà team địch có thể bước vào hoặc chuẩn bị sẵn cho các pha combat tại Roshan’s pit. Chính vì thế, giao tiếp đóng một vai trò vô cùng quan trọng, ngay cả trong vấn đề warding. Hãy chọn thời điểm và khu vực ward tùy theo chiến thuật của cả đội.