- Theo Trí Thức Trẻ | 21/10/2016 05:14 PM
Mặc dù đã phá hủy hết dàn trụ ngoài, nhưng để tiến lên high ground của team địch vẫn là cả một bài toán khó giải. Một số vị tướng dưới đây có thể coi như những phương án hữu dụng trong việc khai thông thế bế tắc trong các trường hợp đó.
Drow Ranger
Drow Ranger có thể coi là một hero push nhà hạng nặng, và thường xuyên được sử dụng trong phiên bản này. Với Precision Aura, toàn bộ các hero ranged trong team bạn đều được bonus thêm một lượng damage không hề nhỏ, và điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy tốc độ phá trụ của cả team. Ngoài ra, xét về mặt cá nhân riêng lẻ thì Drown Ranger cũng là một trong những vị tướng có thể hủy diệt trụ một cách cực nhanh, nhờ vào lượng damage khủng bố của mình.
Với những item phổ biến cho cô nàng cung thủ này hiện nay như Dragon Lance (có thể nâng cấp lên Hurricane Pike vào giai đoạn late game), Butterfly, Mjolnir hay thậm chí cả Aghanim’s Scepter, Drow Ranger hoàn toàn có thể trở thành một pusher hạng nặng. Chỉ cần được thả rông ở thời điểm late game, với những món đồ kể trên, vị tướng này hoàn toàn có thể phá hủy trụ của đối thủ trong một nốt nhạc.
Luna
Cũng có passive bonus damage cho bản thân và đồng đội như Drown Ranger, thế nhưng Luna còn được đánh giá cao hơn ở khả năng đẩy đường và push trụ, nhờ một passive khác là Moon Glaive. Mỗi đòn tấn công của Luna với Moon Glaive có thể nhảy tối đa 6 mục tiêu, với lượng damage giảm dần 35% theo thứ tự các đòn đánh. Cộng thêm Manta Style, Luna có thể phá hủy các công trình trên high ground một cách chóng vánh, khi không chỉ tower mà cả barrack gần như cũng sẽ nằm xuống cùng lúc.
Bản thân là một hard carry, thế nên với những món đồ tương tự như Drown Ranger, Luna cũng sở hữu một lượng damage tương đối khủng ở giai đoạn late game. Và nếu đọ về tốc độ phá nhà thì chắc khó có hero nào sánh được với công chúa mặt trăng này.
Beastmaster
Đã nổi lên từ lâu như một sự lựa chọn sáng giá ở vị trí offlane, Beastmaster cũng hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò split push trong mọi đội hình. Necronomicon có thể coi là item trấn phái bắt buộc phải có trong mọi game đấu của Beastmaster.
Với item hữu hiệu này, cộng thêm dàn đệ có sẵn từ skill và đặc biệt là passive Inner Beast – kỹ năng bonus tốc độ đánh một cách kinh khủng cho các đồng minh xung quanh có thể coi là đặc sản và là vũ khí chính của Beastmaster trong mọi trận đấu. Chưa kể với Roar, Beastmaster hoàn toàn có thể xử đẹp nếu đối thủ cắt cử một vị tướng ra để def hắn.
Lycan
Cũng giống như Beastmaster, Lycan theo xu hướng push nhà cũng phụ thuộc khá nhiều vào Necronomicon. Thế nhưng giữa hai vị tướng kể trên lại có khá nhiều khác biệt, không phải chỉ ở riêng vai trò cũng như vị trí của chúng trong đội hình, mà còn ở cách thức triển khai push hiệu quả.
Với Beastmaster thì không phải nghi ngờ gì nữa, khi mà split push luôn là phương thức thích hợp với hero này. Nhưng với Lycan thì khác, thời khắc phát huy tối đa sức sát thương và hiệu quả của hero này lên trụ thường là sau các tình huống thắng lợi trong combat. Khi vẫn còn dạng form và nguyên dàn đệ, không khó để hắn đánh sập tower và tấn công high ground của đối thủ một cách nhanh chóng.
Death Prophet
Không mạnh ở khoản gây damage vật lý lên trụ như các hero trong danh sách trên, thế nhưng ultimate Exorcism của Death Prophet luôn được coi là một trong những skill có sức phá hủy lên công trình cao và khó chịu bậc nhất trong DOTA 2.
Chưa kể, kỹ năng này còn có thể cấu máu trụ ở khoảng cách cực kỳ an toàn dành cho Death Prophet. Nếu timing tốt, người chơi hoàn toàn có thể ép đối thủ giao tranh đồng thời cấu máu trụ với Exorcism, khi đây cũng là một trong những kỹ năng combat tổng khá tốt. Hoặc khi kết thúc team fight thắng lợi mà Exorcism vẫn còn hiệu lực và ở vị trí gần tower của đối phương, hãy tranh thủ và tận hưởng quãng thời gian quý báu này.