DOTA 2: Necrophos, có phải phương án thích hợp để counter meta hiện tại?

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/07/2016 03:16 PM

Trong DOTA 2, có những hero luôn nắm giữ tỷ lệ win rate khá cao, trong hầu hết các phiên bản trong một thời gian dài, và Necrophos là một trong số chúng.

Chưa kể, hero này còn có tỷ lệ thắng cao nhất trong hạng mục Very High Skill. Thế nhưng chung số phận với một vài hero trong danh sách này, tử thần già Necrophos rất ít khi được lựa chọn trong đấu trường chuyên nghiệp, hay tại các giải đấu lớn.

Tuy đã có một vài trường hợp được sử dụng và cũng chứng minh sự hiệu quả tương đối với những màn thể hiện tích cực, nhưng vẫn có quá nhiều lý do để ngăn cản Necrophos thật sự trở nên phổ biến.

Vậy vấn đề của Necrophos tới từ đâu. Đầu tiên là vị trí. Sẽ là rất lãng phí và gần như vô dụng nếu đặt hero này vào vị trí support. Không có kỹ năng disable, khả năng harass không cao, bảo kê cho carry cũng kém, Necrophos gần như không có quá nhiều đất diễn nếu bị đặt ở vị trí số 4 hoặc số 5.

Đi offlane có thể cũng là một lựa chọn không tồi, nhưng với việc luôn cần rất nhiều item để trở nên có ích, cộng thêm việc không có kỹ năng chạy trốn, lượng máu và tốc độ di chuyển hạn chế ở đầu game, Necrophos chắc chắn là vị trí dễ bị khai thác nhất nếu chơi như một offlane. Vậy chỉ còn hai vị trí core trọng yếu là solo mid và hard carry.

Thường thì các đội sẽ ưu tiên sử dụng Necrophos ở vị trí hard carry, khi mid lane cũng chưa thật sự tạo cảm giác yên bình và thoải mái để hero này có thể yên tâm farm cũng như đạt được lượng level nhất định.

Thế nhưng vấn đề tiếp theo lại nảy sinh, khi mà cơ chế khi thi đấu hard carry của Necrophos rất khác so với những người đồng nghiệp. Mặc dù cần farm rất nhiều và cũng tương đối lâu như một carry chuyên nghiệp, nhưng khả năng nuke damage, hoặc gây ra sát thương từ các đòn đánh cơ bản của Necrophos là gần như không có.

Vũ khí mạnh nhất của hero này, ultimate Reaper’s Scythe lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dồn damage trước đó của đồng đội. Chính vì yếu tố này, khó có thể đòi hỏi Necrophos có thể xông pha vào giữa trận địa địch, hay đi Rat, thậm chí là có những kèo solo 1-1 đầy gay cấn như những gì mà một hard carry vẫn thường làm. Công việc của hắn đơn giản chỉ là sử dụng lưỡi hái của mình kết liễu những mục tiêu một cách hợp lý, và phụ thuộc rất nhiều vào công sức của đồng đội.

Ngay cả cách lựa chọn item cho Necrophos cũng để lại khá nhiều tranh cãi. Trong nhiều game đấu pub, Mekansm thường là item đầu tiên được lện cho Necrophos, đôi phần cũng vì đây là item có trong mục recommended, thứ đôi khi không được các gosu sử dụng với hero này.

Tử thần chính hiệu trong tay Miracle!

Không phải là vì Mekansm không có tác dụng, hoặc các pro không thích sử dụng item này với Necrophos. Đơn giản vì đấy không phải là dạng item hữu dụng và cần thiết với Necrophos trong mọi trường hợp, đặc biệt là khi nếu rush thẳng Mekansm sẽ có thể ảnh hưởng tương đối tới tốc độ đạt ngưỡng sức mạnh của Necrophos.

Sức mạnh chủ yếu của Necrophos tới từ ultimate bá đạo Reaper’s Scythe của mình, một kỹ năng thường gây ra quá nhiều thiệt hại cho kẻ địch bị kết liễu, và thậm chí còn có thể hoạt động xuyên qua BKB. Thế nên, những item như Aghanim’s Scepter hay Refresh Orb gần như là những món đồ không thể thiếu trên người Necrophos, đặc biệt là ở giai đoạn late game.

Xét về mặt chiến thuật, Necrophos có thể counter khá hiệu quả những tanker trâu máu và dày giáp. Và meta hiện tại đang chứng kiến một loạt những hero như vậy xuất hiện tràn lan trong các trận đấu chuyên nghiệp. Lifestealer, Dragon Knight, hay thậm chí là cả Terrorblade cũng như Timbersaw.

Đặc biệt là với những màn thể hiện trong thời gian gần đây, Timbersaw đang làm điên đảo cộng đồng DOTA 2 thế giới bằng sức mạnh, khả năng nuke damage, sự cơ động và càn lướt của mình. Nhìn qua thì là vậy, nhưng Lifestealer có khả năng bật Rage để tự vệ, trong khi Terrorblade thì có sự biến ảo tới từ khả năng phân bóng. Còn với Timbersaw, nếu không thể kết liễu hero này, tốc độ regen khủng khiếp sẽ giúp hắn quay trở lại và báo thù trong một khoảng thời gian ngắn.

Chưa kể, meta game đang dần thay đổi, và cũng rất ít đội sử dụng chiến thuật chỉ với một core có khả năng gây damage như trước, như cái thời mà Team Secret vẫn giữ chiến thuật xoay quanh Ember Spirit tại Shanghai Major.

Và với việc có nhiều mục tiêu cần phải chú ý, Reaper’s Scythe của Necrophos bắt đầu mất dần hiệu quả, và việc hero này ít khi có cơ hội xuất hiện tại đấu trường chuyên nghiệp là điều khá dễ hiểu. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, khi mà chiến thuật 4 core với một jungle bằng Iron Talon đang dần thịnh hành trở lại, có chăng Necrophos sẽ được pick ở vị trí số 4 và farm như một core hero chính bằng Iron Talon. Giả thuyết này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, nhưng hãy cứ chờ đến The International 6 đã.