Đột nhập "thế giới ngầm" điện tử xèng tại Nhật Bản, nơi có thú vui chơi game khác phần còn lại của thế giới

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/06/2017 10:12 PM

Dưới đây, là những hình ảnh của Tokyo, trong mắt những kẻ hoài cổ vẫn sống chung từng ngày bên cạnh những cỗ máy chơi game nhuốm màu thời gian.

Là những game thủ, chắc chắn các bạn từng có những ký ức không thể nào quên với những cỗ máy điện tử thùng, mua xèng mất 2 nghìn rưỡi và nếu chơi không giỏi thì chỉ cần 5 phút là chúng ta, những cậu bé vừa mới chỉ kịp háo hức đã phải tiu nghỉu vì hết lượt. Giờ đây ở Việt Nam, những cỗ máy arcade chỉ còn lay lắt ở một vài trung tâm thương mại lớn, thế nhưng ở Nhật Bản, một trong số những quốc gia khai sinh ra thế hệ máy chơi game này, chúng vẫn sống, mà thậm chí là sống khỏe là khác!

Nintendo Life, một tạp chí dành cho giới yêu game mới đây đã có một cuộc phiêu lưu vào một trong những thánh địa của điện tử thùng ở Tokyo. Nằm sừng sững ở quận Shinjuku, trung tâm giải trí Taito Station là một trong những địa chỉ chơi điện tử xèng lâu đời nhất tại Nhật Bản với hơn 30 năm tồn tại. Ngay gần ga tàu điện ngầm, một trong những nhà ga được đánh giá là đông đúc nhất thế giới, tòa nhà với biển hiệu "GAME" rất to, cùng hình ảnh "con bọ" đã quá nổi tiếng trong tựa game Space Invaders, một trong những tựa game nổi tiếng nhất của Taito ra mắt năm 1978, Taito Station quận Shinjuku vẫn là điểm đến ưa thích của game thủ mọi lứa tuổi.

Cứ nói điện tử thùng là cũ kỹ, là tượng đài của thế hệ trước, thế nhưng đó là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm. Các hãng game Nhật Bản hàng năm vẫn ra mắt máy chơi game mới. Thậm chí đến cả những cái tên như Taito hay Konami, họ sẵn sàng buông xuôi cả ngành công nghiệp game gia đình với những tựa game PC hay console bom tấn chỉ để tập trung phát triển máy điện tử thùng đặt tại các trung tâm giải trí. Dưới đây là những hình ảnh của Tokyo.

Đây không phải Tokyo của những anh chàng otaku mê mẩn anime. Càng không phải Tokyo, nơi cổ kính và hiện đại song hành tồn tại đến mức người ta chỉ thấy một thành phố đầy những thái cực đối lập đến khủng khiếp. Dưới đây, là những hình ảnh của Tokyo, trong mắt những kẻ hoài cổ vẫn sống chung từng ngày bên cạnh những cỗ máy chơi game nhuốm màu thời gian.

Level 1

Dĩ nhiên những kẻ mê điện tử xèng cũng chia làm vài loại, dựa trên mức độ hardcore và sở thích lựa chọn game của mình. Đầu tiên là những thanh niên thích chơi... gắp thú. Ở tầng trệt tòa nhà Taito Station, những trò chơi có thưởng kiểu như thế này, những cỗ máy đầy màu sắc và âm thanh mời gọi những cậu bé tuổi teen cố gắng dùng những đồng xu lẻ để giành lấy cho cô bạn cùng lớp những món quà đẹp mắt.

Cùng với đó là những trò chơi mini kiểu âm nhạc, như đánh trống, dance... Những cỗ máy như thế này ở Việt Nam chẳng hề thiếu, chỉ cần vào các trung tâm thương mại đều có, và cũng thu hút được rất nhiều người chơi.

Level 2

Không còn đứng ở Shinjuku nữa, bức ảnh trên đây là một góc Sam's Town, một khu giải trí tại Ueno, phía đông bắc Tokyo. Một căn phòng rộng, ánh sáng nhờ nhờ, thay vào đó là âm thanh và hình ảnh chớp tắt của hàng trăm cỗ máy chơi game tuyệt đẹp, ghế ngồi có cả đèn lẫn loa hai bên tai cho chân thực. Thậm chí còn có cả những cỗ máy đua ngựa cho vài người cùng chơi với nhau chứ không phải chỉ có 2 như những chiếc máy chơi game đua xe ở nước ta.

Điều kỳ lạ là, nơi đây tưởng chừng chỉ thu hút những game thủ. Kỳ thực lại khác. Những gã viên chức cổ cồn trắng, sau giờ làm việc mệt mỏi, thay vì đi nhậu nhẹt và say bí tỉ lại tìm đến đây, như những kẻ chẳng có chỗ nào tốt hơn để tìm về.

Level 3

Đây là lúc những tựa game thực sự xuất hiện. Nó có thể là game mô phòng, đối kháng, đua xe, nhưng trên hết, người Nhật mê mẩn những tựa game thẻ bài. Ở tầng 2 của trung tâm giải trí Sega Yoyogi, hàng trăm người tụ tập tại đây hàng ngày để chiến tựa game Kantai Collection, một tựa game thẻ bài mô phỏng những mẫu tàu chiến trong lốt của những cô gái anime 2D gợi cảm. Những anh chàng tuổi ngoài đôi mươi, thậm chí đôi lúc có cả những gã trung niên dán mắt vào màn hình cảm ứng để "phá đảo" tựa game, lấy về cho mình những tấm thẻ bài giá trị.

Ở một góc khác, người ta xếp hàng để chờ đến lượt chơi Lord of Vermilion, một tựa game cũng cực hot khác ở xứ Hoa anh đào.

Level 4

Quay trở lại Taito Station ở quận Shinjuku. Nếu như tầng 1 của tòa nhà mới chỉ là khúc dạo đầu với những trò chơi có thưởng kiểu casual vui nhộn, thì ở tầng 2, một thế giới hoàn toàn khác mở ra. Trang web của Taito khoe rằng họ có "Góc chơi game âm nhạc tuyệt nhất Shinjuku". Đến đây, mở cánh cửa kéo bước vào mới nhận ra điều đó không đúng. "Cái góc" của Taito thực ra là một không gian rộng cả nghìn mét vuông!

Hàng loạt những tựa game âm nhạc, từ cũ đến mới, có cái ra mắt năm 2015, cũng có thùng máy sản xuất từ năm... 1998 vẫn tồn tại và ngày ngày phục vụ khách hàng đến chơi game.

Level 5

Đã nói đến điện tử xèng mà không đề cập đến những trò chơi hành động với khẩu súng nhựa và màn hình cảm ứng thì thật là đáng tiếc. Tại tầng trên cùng của Taito Hey tại Akihabara, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cỗ máy chơi game hành động bắt người chơi phải hoạt động hết công suất để dẹp loạn những đối thủ trong thế giới ảo. Từ Gunslinger Stratos, Border Break cho đến Gundam: Bonds of the Battlefield, tất cả tạo ra một trải nghiệm mà không một cỗ máy tính hay console nào so bì được. Đây cũng chính là cốt lõi của toàn bộ ngành công nghiệp game arcade Nhật Bản. Những cỗ máy có tính tương tác giữa cả máy móc lẫn con người rất cao.

Level 6

Ở "cấp bậc" cuối, chúng ta có những cỗ máy cũ kỹ nhuốm màu thời gian, đôi lúc có cả những máy điện tử có tuổi đời vài thập kỷ, được lắp ráp những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Chúng lầm lũi tồn tại, "trơ gan" giữa những biến động của thị trường. Những tựa game giờ đây được coi là huyền thoại, thì ở những góc nhỏ như Club Sega tại quận Shinjuku, chúng vẫn được nâng niu, trân trọng. Street Fighter, Metal Slug, Fatal Fury,... tất cả những tựa game kinh điển cùng tồn tại ngay cạnh những cái tên mới, như Tekken 7 chẳng hạn.

Sau giờ học, những cậu bé học sinh, hay những anh chàng nhân viên văn phòng sau giờ làm lại tụ tập tại đây. Nó giống như một phòng tập gym vậy, chỉ có điều thay vì những giá để tạ, thì lại là bạt ngàn những cỗ máy arcade cùng những chiếc gạt tàn đầy ắp ở khắp mọi nơi.

Tại Tokyo, điện tử thùng đã trở thành một nét văn hóa không thể tách rời với người dân thành thị. Có thể nó sẽ không tồn tại mãi mãi, không ai nói trước được, thế nhưng một khi đã đặt chân đến đây, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng sức sống của nó trong từng góc nhỏ, từng hơi thở của thành phố rực rỡ sắc màu này.